Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

ĐT Việt Nam: Khởi đầu những ước mơ cũ

Thứ Tư 06/06/2012 19:57(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Như vậy, ĐTQG đã tập trung với rặt “quân ta”, từ cầu thủ đến BHL. Thực ra, việc một ngày nào đó HLV nội cùng dàn cầu thủ nội đăng quang ngôi vị số một Đông Nam Á là những ước mơ không mới.

1. Nói thế là bởi bóng đá VN đã trải qua quá nhiều đời thầy ngoại, nhưng chỉ một lần duy nhất vô địch đấu trường khu vực. 21 năm hội nhập, chỉ một lần lên đỉnh thì cần gì phải dùng đến thầy ngoại cho tốn tiền.

Chỉ phục vụ một chiến dịch ngắn hạn, thỏa cơn khát trước mắt là chinh phục cái “ao làng” Đông Nam Á, thầy nội hoàn toàn có thể đáp ứng được,. Thậm chí, còn có thể tốt hơn cả HLV ngoại, do sự am hiểu cầu thủ cùng văn hóa ứng xử của người Việt. Sau 12 năm phát triển, đã hình thành một số HLV có chất, có năng lực thực sự.

Việt Thắng và Sỹ Cường (phải) trong buổi tập của ĐTQG vào sáng qua tại Hà Nội.
Việt Thắng và Sỹ Cường (phải) trong buổi tập của ĐTQG vào sáng qua tại Hà Nội.

Vấn đề họ cần, là cơ chế, và niềm tin để bước vào cuộc chinh phục những giới hạn trong quan niệm về sử dụng nguồn lực HLV nội.

Cái cách mà VFF đang triển khai, dù biến báo nhưng cũng có điểm chung mà Malaysia đã thực hiện cách đây 4 năm trước. Đấy là, đặt tất cả niềm tin vào chiến lược gia K.Rajagobal, chăm bẵm đào tạo trẻ và nói không với ngoại lực. Malaysia từ vô địch SEA Games tại Lào (2009), AFF Suzuki Cup 2010 đến ngôi vương SEA Games 26, là một sự tiệm tiến logic về cách làm.

Chúng ta đang nói không với ngoại lực (không dùng HLV ngoại và cầu thủ nhập tịch), nhưng giải đấu nội địa vẫn đầy rẫy ngoại binh.Những ông “Tây” đều đóng vai trò quyết định trong các sơ đồ chiến thuật. Do đó, rất hiếm ngôi sao nội cạnh tranh được vị trí sòng phẳng, nhất là tiền đạo. Thế nên khi bước ra khỏi V-League và hạng Nhất để chinh phục đấu trường lớn hơn, các chân sút ta chuếch choáng, đánh mất bản năng ghi bàn đến đáng thất vọng.

Chúng ta dùng có thầy nội rồi đấy, vậy bài toán phát huy sức mạnh nội lực (từ cầu thủ) đã tốt lên chưa? Câu trả lời sẽ rất khó bởi cầu thủ ta, tinh thần, thái độ thi đấu, khát khao chiến thắng không thể bằng cầu thủ Malaysia.

Đấy là sự khác biệt rất lớn khi xem 2 đội thi đấu, có lẽ xuất phát từ sự phát triển quá đột biến về vật chất, làm teo tóp ý thức màu cờ, sắc áo. Lên ĐT giờ đây chẳng khó như ngày xưa. Cảm giác cầu thủ lên ĐT tâm thế không hừng hực, rực lửa như các cha anh trước đây.

2. Những thất bại có tính hệ thống của 2 ĐTQG trong thời gian dài đã dấy lên băn khoăn về phải làm mới hình ảnh các ĐTQG. BHL thì đã mới rồi đấy. Vậy môi trường ĐT, phương thức tập trung, cách thức chọn quân, phải thực sự cách mạng mới mong có sự chuyển hóa tích cực về chất.

Tư cách cầu thủ vẫn là quan trọng nhất. Có chuyên môn, nhưng không ổn về tư cách thì cũng hỏng bét. Trong khi các ĐTQG chưa thể tập trung những cầu thủ ưu tú nhất về chuyên môn, thì hãy nên ưu tiên những gương mặt gây được niềm tin về tư tưởng.

Về mặt này bóng đá Malaysia đã làm vô cùng quyết liệt, từ hơn chục năm trước. Vào năm 1994, Chính phủ Malaysia đã thẳng tay kỷ luật 84 cầu thủ tham gia vào các đường dây mua bán độ ở các giải trong nước sau khi nhận được đề nghị của Ủy ban Olympic Malaysia và LĐBĐ Malaysia.

Những “can phạm” bị đưa vào các trại tập trung ở các tỉnh vùng xa, bị cấm thi đấu vĩnh viễn, sau khi rời khỏi trại tập trung, họ không được quyền mua nhà, mua xe. Chúng ta không làm được như thế. Ngược lại, sự lạm dụng thái quá phương châm “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại” đã vô tình đánh mất kỷ cương, sự thiêng liêng của màu cờ, sắc áo. Nguy hiểm hơn, dư luận luôn nghi ngờ, sau mỗi chiến dịch thất bại. Đấy là thực tế đau lòng, chắc chắn phải có lửa mới có khói! ĐTQG giờ phải sạch về tư tưởng, thì mới hy vọng bước qua được những lời nguyền.

Chúng tôi nghĩ, lực lượng hiện tại của ĐTQG, kể cả trên băng ghế chỉ đạo là tinh nhuệ, đủ sức là ứng cử viên nặng ký của AFF Cup cuối năm nay. Nói thế vì V-League cũng là giải đấu hết sức khốc liệt, cầu thủ được đầu tư, chăm sóc tối đa.

Chưa nói đến vô địch, nếu lần này ở AFF Cup và SEA Games 27, bóng đá không thể hiện được đúng vai trò “đứa con cưng” của toàn xã hội, thì đáng xấu hổ, và xã hội cũng nên dành tiền đầu tư cho lĩnh vực khác thiết thực hơn môn thể thao vua nhưng toàn gây phiền muộn.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X