Chủ Nhật, 19/05/2024Mới nhất
Zalo

ĐT Việt Nam: Học và chờ người Nhật

Thứ Sáu 09/05/2014 09:11(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Chuyện kể rằng những năm 50 thế kỷ trước, người Nhật Bản từng rất ngưỡng mộ bóng đá Việt Nam và đã đến Sài Gòn xin được đá với đội tuyển miền Nam. Thời kỳ đó, đội bóng đá miền Nam Việt Nam nổi danh cả châu lục, ai cũng biết đến, khiến người Nhật phải ao ước.

Một cựu cầu thủ thời đó kể rằng, người Nhật khi sang Việt Nam, đã chuẩn bị sẵn một món quà hết sức ý nghĩa và thể hiện sự khiêm tốn, học hỏi của mình. Sau trận đấu giao hữu trên tinh thần học hỏi, cọ xát với tuyển miền Nam Việt Nam, đội tuyển Nhật Bản đã tặng đôi giày nhỏ cho bóng đá Việt Nam với lời chia sẻ rất thẳng thắn: “Bóng đá Nhật Bản so với Việt Nam chỉ là đôi giày nhỏ”.

Tân HLV trưởng của tuyển Việt Nam Toshiya Miura
Tân HLV trưởng của tuyển Việt Nam Toshiya Miura

Câu chuyện người Nhật sang Việt Nam học bóng đá từng là sự hãnh diện một thời với giới cầu thủ nước nhà, nhưng tất cả đã là dĩ vãng. Bóng đá Việt Nam đúng là đã dạy cho người Nhật cách chơi bóng đẹp, nhưng thời hoàng kim đó không kéo dài bao lâu, bởi người Nhật sau khi biết mình đang đứng ở đâu, đã làm một cuộc cách mạng bóng đá và đã lột xác, trở thành một nền bóng đá phát triển như ngày hôm nay.

Phương châm của người Nhật khi đó là họ cử những HLV trẻ đi châu Âu, châu Mỹ học bóng đá. Họ cử những chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế-bóng đá đi học hỏi cách kiếm tiền từ trái bóng tròn. Hàng loạt cầu thủ trẻ cũng đã được tập huấn, được thi đấu tại châu Âu, châu Mỹ. Người Nhật đặc biệt không theo học bóng đá châu Phi, bởi đó là thứ bóng đá “lấy thịt đè người”, không phù hợp với tố chất người Đông Á.

Sau khoảng 30 năm học hỏi, Nhật Bản đã trở thành cường quốc bóng đá, đứng số 1 châu lục. Thậm chí đội tuyển nữ của Nhật Bản còn vô địch thế giới, đội tuyển nam liên tiếp tham dự các VCK World Cup.

Bóng đá Nhật Bản phát triển như ngày hôm nay, chính bởi họ thể hiện được tính chuyên nghiệp và kỷ luật. Đó là 2 yếu tố bóng đá Việt Nam chưa bao giờ có, dù đã cố gắng thay đổi hàng thập kỷ qua.

Giờ thì chúng ta lại đi học người Nhật, học xem họ đã làm bóng đá như nào. Hợp tác với Nhật Bản là một sự lựa chọn khôn khéo của bóng đá Việt Nam, của VFF nhiệm kỳ mới, bởi như lời tân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, chưa bao giờ mối quan hệ giữa hai bên mang tầm chiến lược như bây giờ.

Chọn bóng đá Nhật Bản làm mô hình phát triển là điều hợp lý, bởi bản thân người Nhật cũng thực sự muốn giúp đỡ bóng đá Việt Nam, khi họ nhìn thấy hình ảnh của mình hơn nửa thế kỷ về trước.

Mới đây, Liên đoàn bóng đá Nhật Bản đã giới thiệu chuyên gia sang Việt Nam làm trưởng giải V.League, rồi gần nhất là HLV trưởng ĐTVN và U23.

Không chỉ sang Nhật học hỏi kinh nghiệm, bóng đá Việt Nam sẽ học những người Nhật đang ở Việt Nam. Quan điểm làm bóng đá của người Nhật rất rõ ràng: không chạy theo thành tích, mà phải đưa mọi thứ vào khuôn khổ của bóng đá chuyên nghiệp, xây dựng những kế hoạch thật chuẩn cho ĐTQG. Người Nhật muốn giúp bóng đá Việt Nam “xây nhà từ móng”.

Cả V.League và ĐTQG Việt Nam đang được giao phó cho người Nhật Bản. Nếu coi V.League là hậu phương, là nền căn bản nhất của của bóng đá, thì ĐTQG chính là đỉnh cao, là bộ mặt của nền bóng đá đó. Cả V.League và ĐTQG không thể tách rời và phải cùng có sự phát triển đồng bộ.

Trước khi có những ĐTQG (nam và nữ) nổi danh như bây giờ, suốt hơn 20 năm qua, người Nhật đã thay đổi toàn diện các giải đấu quốc nội, đưa J.League trở thành giải đấu hấp dẫn nhất châu lục.

Bóng đá Việt Nam đã chọn người Nhật, nên trước sau như một cần phải kiên định, theo đuổi tới cùng. Người Nhật từng chờ nửa thế kỷ để có được như ngày hôm nay, vậy có lí gì chúng ta lại không chờ họ được vài năm?

Theo Vietnamnet

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X