Ta yếu đi, trong khi đối thủ mạnh lên
Trong số 4 đội từng vô địch AFF Cup gồm Thái Lan, Singapore, Malaysia và Việt Nam, chỉ có Việt Nam thuộc bảng A, còn cả 3 đội kia đều nằm ở bảng B. Chi tiết đấy cho thấy việc đoàn quân của HLV Miura rơi vào bảng A có thể xem là may mắn. Nhưng nói cho cùng, may mắn chỉ là yếu tố phụ, còn yếu tố chính, quyết định đến thành bại của mọi đội bóng đều phải xuất phát từ chuyên môn.
Thành công hay thất bại của ĐTVN tại AFF Cup 2014 không phụ thuộc vào kết quả bốc thăm, mà phụ thuộc vào năng lực |
Riêng về mặt chuyên môn, bóng đá Việt Nam đang đi xuống, các đội tuyển của chúng ta trong những năm gần nhất không còn nằm trong nhóm những ứng cử viên vô địch hàng đầu ở các giải bóng đá nam trong khu vực. Nhóm đấy bây giờ gồm Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia. Ngay cả Philippines về lý thuyết ở 2 kỳ AFF Cup gần nhất cũng đã vượt lên trên đội tuyển Việt Nam. Minh chứng là ở cả 2 kỳ AFF Cup 2010 và 2012, Philippines đều thắng đội tuyển Việt Nam.
Chất lượng cầu thủ nội mấy năm qua có vấn đề, đặt biệt là ở yếu tố kỹ thuật. Việt Nam từ chỗ là một trong những nền bóng đá có kỹ thuật nhất Đông Nam Á hiện đã tuột dần xuống phía dưới. Trong bóng đá nội, tìm dạng cầu thủ tài hoa, có khả năng chỉ bằng một đường chuyền loại toàn bộ đối phương như Hồng Sơn hay Minh Phương ngày nào xem ra cực khó. Các tiền vệ của bóng đá Việt Nam bây giờ có thể đá băm bổ, có thể hùng hục lao vào đối thủ, chứ bảo họ đi bóng qua người đối phương xem ra cũng là điều không dễ.
Kỹ thuật kém khiến cho lối chơi của các đội tuyển Việt Nam mấy năm nay trở nên đơn điệu, bởi các cầu thủ ít có những mảng miếng nhuần nhuyễn, cũng như thiếu tính đột biến trong khâu phối hợp. Thành ra, chuyện đội tuyển Việt Nam thành công hay không thành công ở AFF Cup vào cuối năm phụ thuộc vào khả năng khắc phục những điểm yếu vừa nêu từ chính chúng ta, chứ không phụ thuộc vào kết quả bốc thăm.
Lợi thế là… không có gì để mất
Như đã nói, đội tuyển Việt Nam hiện tại không được đánh giá cao. Không chỉ giới chuyên môn và người hâm mộ trong nước thấy được thực tế này, mà ngay cả các đội thủ của đội tuyển Việt Nam ở tầm khu vực cũng có thể không còn coi chúng ta là đối thủ quá lớn, bởi đơn giản là nhóm đầu khu vực miền năm gần đây thắng chúng ta quá nhiều.
Bằng chứng là so với các lần giải đấu trước, trước lễ bốc thăm chia bảng AFF Cup 2014, sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước hướng về đội tuyển Việt Nam không bằng trước đây. Điều đó có thể khiến cho các cầu thủ của đội tuyển Việt Nam cảm thấy tự ái, nhưng nếu biết biến sự tự ái đó trở thành sức mạnh trên sân bóng thì quá hay. Chúng ta không còn nằm ở tư thế chiếu trên của khu vực, nên trong cách xây dựng lối đá của đội tuyển Việt Nam, đội bóng của HLV Miura cũng không nhất thiết phải đá theo kiểu của một đội chiếu trên.
Tức là đội tuyển Việt Nam không cần phải cố gắng tấn công và áp đặt lối chơi bằng mọi giá, mà hoàn toàn có thể từ tốn dựa vào tình hình của đối thủ mà tìm ra đối sách phù hợp nhất. Sức ép thành tích đối với đội tuyển chắc chắn cũng không còn như cách nay 5 – 7 năm. Hãy quên những lời nói mang đầy tính xã giao của vị chủ tịch AFF rằng đội tuyển Việt Nam là ứng cử viên hàng đầu cho ngôi vô địch đi. Với đội tuyển của HLV Miura bây giờ, vào bán kết đã là mục tiêu thực tế. Sau khi vào bán kết rồi, chúng ta sẽ tính tiếp.
Dĩ nhiên, đã đá bóng không ai không muốn có thành tích cao nhất. Nhưng sức ép chiến thắng giải bằng mọi giá khác rất xa so với việc thắng thì tốt, không thắng cũng chưa phải là thảm họa. Yếu tốt quyết định đến thành công của đội tuyển tại AFF Cup sắp đến vẫn sẽ là năng lực của chính đội tuyển. Mà năng lực của đội tuyển hiện vẫn là ẩn số với chính người Việt Nam, chứ chưa nói đến các đội bóng ngoại. Thành ra, họ hiện cũng khó hình dung chúng ta sẽ đá như thế nào. Đấy đôi khi cũng là một lợi thế khác!
Theo Dân Trí