Thứ Bảy, 20/04/2024Mới nhất
Zalo

ĐT Việt Nam: Cần lắm 1 cuộc đại phẫu

Thứ Năm 15/10/2015 15:51(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Thất bại tâm phục khẩu phục Việt Nam 0-3 Thái Lan đã cho thấy bóng đá nước nhà chẳng thể ăn xổi được nữa. Chúng ta cần có sự đầu tư trọng điểm lâu dài, chấp nhận hy sinh vài năm để có 1 đội tuyển thật sự mạnh trong tương lai.

Có thể nói thất bại Việt Nam 0-3 Thái Lan là một trận thua khó nuốt trôi của NHM bóng đá Việt Nam. Nó như là một kịch bản cũ rích lặp đi, lặp lại suốt 20 năm qua -  chúng ta vẫn thua người Thái. Tất nhiên nếu vẫn tình trạng này thì có lẽ chẳng bao giờ bóng đá Việt Nam mới lại có thể lên ngôi tại Seagame và AFF Cup. ĐT Việt Nam hiện nay xét cho cùng chỉ là tập hợp của những cá nhân nổi bật tại V-League 2015. Và với nền bóng đá không có tính hệ thống hay kế thừa của bóng đá Việt Nam thì khái niệm lối chơi là xa xỉ. HLV ĐTQG dù giỏi đến mấy cũng chỉ là những “người thợ hàn” mỗi khi tập trung. Họ phải uốn nắn các cầu thủ lại từ đầu, cố gắng bố trí chiến thuật phù hợp nhất nhưng rõ ràng với công việc “chắp vá” như thế thì sai sót là khó tránh khỏi. Chưa nói đến HLV Miura, kể cả Alex Ferguson hay Guardiola có lên nắm quyền thì cũng chẳng thể tạo ra một ĐT Việt Nam mạnh, có thể cạnh tranh với các đội bóng mạnh trong khu vực được.

Có thể nhìn sang Thái Lan để thấy ngay vấn đề, bóng đá xứ chùa vàng có kế hoạch làm bóng đá dài hơi, thống nhất lối chơi từ các lứa U17, U19, U21, U23 và ĐTQG. Ở đó Kiatisak làm kiến trúc sư trưởng khi soạn ra 1 giáo án riêng, sau đó sẽ liên lạc với từng HLV trưởng của các lứa U để đưa ra lối chơi phù hợp nhất. Vì Thái Lan làm bóng đá có tính kế thừa mà từ đội U23 tại Seagame hay ĐTQG đều có lối chơi Tiki-Taka rất giống nhau và nhuần nhuyễn. Trong các đợt tập trung, nhiệm vụ của HLV như Kiatisak chỉ là tìm ra đấu pháp hiệu quả nhất trước từng đối thủ. Nhưng với bóng đá Việt Nam thì không, ông Miura và các đời HLV trước đều phải làm nhiệm vụ theo kiểu “thợ hàn”, sắp xếp lối chơi với nguồn cầu thủ ít ỏi mình có. Mỗi khi có nhân sự thay đổi hay cầu thủ chấn thương là hệ thống lối chơi ấy lại gặp trục trặc lớn. Tuy nhiên để làm được như Thái Lan thì cần có 1 kế hoạch đột phá của VFF, từ khâu đào tạo trẻ tới 1 giáo án chuẩn mực cho toàn bộ các ĐTQG. Còn nếu vẫn giao toàn bộ sự thành bại vào tay HLV trưởng ĐTQG thì nền bóng đá sẽ mãi chẳng ngóc đầu lên được và thực tế điều này đã diễn ra quá nhiều năm nay.

DTQG can dai phau sau tran Viet Nam 0-3 Thai Lan hinh anh
Những cầu thủ trẻ như Tuấn Anh cần được thử lửa ở ĐT Việt Nam

Muốn có 1 ĐTQG có tình kế thừa như Thái Lan thì chúng ta phải có một kế hoạch trong thời gian rất dài, 10 năm, 20 năm, thậm chí lâu hơn nữa. Nhưng trước mắt bóng đá Việt Nam cũng có thể khắc phục điều này bằng cách thống nhất lối chơi của U23 và ĐTQG, trẻ hóa ĐT Việt Nam. Thậm chí có thể kết hợp đội tuyển 2 trong 1 giữa U23 và ĐTQG để gặt hái thành công trong vài năm tới. Thật ra trước kia bóng đá Việt Nam đã từng thực hiện chiến lược này với lứa Văn Quyến, Quốc Vượng, Minh Phương, Tài Em, Công Vinh, Như Thành, Dương Hồng Sơn tại Seagame 23. Và sau này dù mất 2 ngôi sao sáng nhất là Văn Quyến, Quốc Vượng nhưng nòng cốt của đội U23 năm đó đã đưa ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2008 và vào tứ kết Asian Cup 2007. Vì thế điều có lẽ là tốt nhất cho bóng đá Việt Nam vào lúc này là trẻ hóa ĐTQG. Những cầu thủ lớn tuổi hoặc có phong cách thi đấu kiểu cũ như Công Vinh, Thành Lương, Văn Quyết, Trọng Hoàng, Xuân Thành nên lui vào hậu trường. Thay vào đó ĐT Việt Nam cần có 1 dòng máu trẻ ngay trong thời gian tới.

Bầu Đức bí mật mời Kiatisak dẫn dắt ĐT Việt Nam?
Trong trận đấu giữa Việt Nam 0-3 Thái Lan tại Mỹ Đình vào ngày 13/10 vừa qua, bầu Đức đã có buổi gặp mặt ngắn với Kiatisak trước khi trận đấu diễn ra.

Không chỉ trẻ mà vấn đề ở đây phải là thay đổi nhận thức và phong cách thi đấu. Những cầu thủ dưới 23 tuổi thường dễ uốn nắn nên có thể đình hình một lối chơi thuyết phục cho ĐTVN. Chúng ta có 1 lứa cầu thủ HAGL JMG rất tốt nhưng chưa đủ, hiện nay những cầu thủ trẻ của SHB Đà Nẵng, Bình Dương, SLNA cũng đều cho thấy tư duy chơi bóng hiện đại. Vui mừng hơn khi Viettel, PVF vừa trình làng lứa cầu thủ U19 rất đáng để đầu tư. Với đa số cầu thủ trẻ sinh năm 1993 trở lại đây đều được đào tạo bài bản thì có lẽ VFF nên mạnh dạn tạo ra một cuộc cách mạng để thay đổi bộ mặt ĐTQG. Dẫn đầu sẽ là lứa Huy Hùng, Huy Toàn, Ngọc Hải, Nguyên Mạnh, sau đó là những Công Phượng, Duy Mạnh, Tiến Dũng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường. Tiếp đến là những cầu thủ thuộc lứa U19 năm nay như Trọng Đại, Tấn Tài, Tiến Dụng, Đức Chinh. Nếu họ được tập hợp lại thành 1 khối gắn kết, rồi được đầu tư trọng điểm trong vài 3 năm tới thì VFF chẳng lo chúng ta không có ĐTQG mạnh, thậm chí chẳng hề ngán Thái Lan như hiện nay.

Thêm 1 lý do để VFF cần có một cuộc đại phẫu ở ĐT Việt Nam là vì vào đầu năm 2016 tới U23 Việt Nam sẽ tham dự VCK U23 châu Á 2016 tại Qatar. Một giải đấu chất lượng hiếm hoi có thể nâng tầm chuyên môn cho các tuyển thủ. Vậy thì tại sao chúng ta không 1 lần làm cách mạng ở ĐTQG ngay sau thất bại mới đây để làm lại từ đầu. Nên nhớ rằng Thái Lan đang gặt hái thành công là nhờ Kiatisak mạnh dạn gạt bỏ lứa Thonglao, Suchao, Winothai, Anh em nhà Sukha (cùng lứa Công Vinh) cách đây 2 năm để có 1 đội tuyển mạnh như hiện nay. Tất nhiên quyết định hoàn toàn nằm ở VFF bởi HLV Miura chỉ là người “làm thuê” và không phải là người định hướng nền bóng đá như Zico Thái.

Doãn Công

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X