Lơ lửng tìm vị thế
Cái khó của bóng đá Việt Nam hiện tại nằm ở chỗ chúng ta không biết mình đứng ở đâu trong khu vực Đông Nam Á? Đội tuyển Việt Nam không hẳn đã tuột xuống “chiếu dưới”, nhưng Lào, Campuchia, Đông Timor, Brunei, nhưng cũng không thể nói chúng ta nằm ở chiếu trên, đủ sức vô địch Đông Nam Á. Sở dĩ phải nói như vậy vì ở các giải quốc tế liên tục gần nhất, đội tuyển Việt Nam đều không thắng nổi đại diện của các nền bóng đá hàng đầu khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore hay Malaysia.
Đội tuyển Việt Nam chuẩn bị bắt đầu hành trình mới |
Tình cảnh của đội tuyển Việt Nam hiện tại rất giống thời điểm trước khi chúng ta dự SEA Games 1995 ở Chiang Mai (Thái Lan). Khi đó, chúng ta là ẩn số với giải đấu này, và là ẩn số đối với chính người hâm mộ bóng đá nước nhà. Có nghĩa là sau gần 2 thập niên, bóng đá Việt Nam đang quay trở lại với xuất phát điểm mà từ đó chúng ta đã cố đi lên.
Bóng đá Việt Nam thời điểm cách nay 20 năm bắt đầu hình thành trào lưu sử dụng HLV ngoại, nhằm đi tìm nét hiện đại trong phong cách huấn luyện của chuyên gia nước ngoài. 20 năm sau ngày ấy, bây giờ chúng ta cũng bắt đầu với một trào lưu sử dụng HLV mới: Sử dụng chuyên gia người Nhật.
Chúng ta đang tiến hành những bước đi cụ thể hơn, những người làm bóng đá đang muốn thổi cái hồn của bóng đá Nhật Bản vào làng cầu nội. Những người Nhật đang cộng tác với bóng đá nội cũng muốn thể hiện năng lực của mình, muốn truyền bá thành công của bóng đá Nhật trong khoảng 2 thập niên vừa rồi đến với chúng ta.
Ngoài ra, với riêng HLV Miura, nhiệm vụ của ông có thêm phần trẻ hóa đội tuyển, cũng như định hình lối chơi riêng cho bóng đá Việt Nam. Đấy là điều mà bóng đá nội loay hoay tìm kiếm suốt 20 năm, nhưng vẫn chưa thành công.
Trẻ hóa đội tuyển từ những cái tên vô danh
Chính vì đội tuyển không thể thành công ở các giải đấu quốc tế gần nhất, nên bóng đá nội mới đứng trước yêu cầu trẻ hóa. Trong bối cảnh giải đấu trong nước tràn ngập ngoại binh như hiện nay, việc phát hiện một số gương mặt mới dạng như Minh Tâm, Huy Toàn, Bùi Văn Long, Huy Cường… có thể xem là cố gắng lớn đối với HLV Miura.
Ở một chừng mực nào đó, thủ thành Nguyên Mạnh hay tiền đạo Hải Anh cũng là nét mới xét trên cấp độ đội tuyển quốc gia. Việc ông Miura mạnh dạn gạt sang một bên các cựu thần vốn không có phong độ cao dạng Quang Hải, Hồng Sơn, để dành chỗ cho Nguyên Mạnh và Hải Anh cho thấy định hướng tương lai của vị HLV người Nhật.
Riêng tiền đạo Hải Anh sẽ cạnh tranh chỗ đứng ở vị trí trung phong với 2 người đàn anh nổi tiếng Anh Đức và Công Vinh, điều đó sẽ tăng tính cạnh tranh cho đội tuyển, cũng như tạo niền tin cho các cầu thủ trẻ khác, đang khát khao lên tuyển.
Chuyện VFF chọn Myanmar để đá giao hữu trong lần đầu HLV Miura dẫn dắt đội tuyển Việt Nam cũng là một lựa chọn hợp lý. Giống như bóng đá Việt Nam, bóng đá Myanmar đang lửng lơ xác định vị trí của mình trong làng cầu khu vực. Myanmar không phải là đội yếu ở Đông Nam Á, nhưng cũng khó nói họ là đội mạnh. Xác định chỗ đứng trong làng cầu khu vực, bắt đầu bằng việc đá với Myanmar, sau đó sẽ là những bước đi cao hơn, nhằm nâng chất các cầu thủ.
Hy vọng rằng sự kết hợp giữa thế hệ những người giàu kinh nghiệm, còn sót lại từ AFF Cup 2008 như Công Vinh, Tấn Tài, Phước Tứ, Vũ Phong, Minh Châu với những tân binh như Huy Toàn, Minh Tâm, Hải Anh, Huy Cường,… sẽ đem lại sự hài hòa cho đội tuyển.
Với riêng những cầu thủ mới, việc hòa nhập với không khí ở đội tuyển không phải là chuyện dễ, nhưng trong bối cảnh bóng đá nội đang trong quá trình tái thiết, có thể áp lực đối với họ sẽ không lớn, đồng thời cơ hội dành cho họ sẽ nhiều hơn. Năm 2002, HLV Calisto từng phát hiện ra hàng loạt gương mặt giỏi từ chốn vô danh như Tài Em, Trường Giang, Xuân Thành, Minh Phương… Bây giờ, hy vọng rằng HLV Miura cũng làm được điều tương tự.
Theo Dân Trí