Hành trình đến ngôi vô địch 4 năm trước mang đậm bóng dáng của thủ môn Dương Hồng Sơn và hàng thủ, thực sự là “pháo đài” khó xâm phạm. Nhưng thất bại tại AFF Cup 2010 cũng đậm đà dấu ấn của hàng thủ và thủ môn.
Hệ thống chiến thuật của các ĐTQG lâu nay đều chú trọng xây dựng một hàng thủ vững chắc, không thủng lưới, trước khi nghĩ đến ghi bàn. Trước khung thành ĐT Việt Nam, thủ môn Hồng Sơn vẫn cần sự hỗ trợ mới mong có một thành trì vững chắc, như AFF Cup 2008.
Lỗ hổng trước khung thành
Đúng một tuần nữa, ĐT Việt Nam sẽ hành quân sang Thái Lan để chuẩn bị cho vòng bảng AFF Cup 2012. Sát giờ “G”, BHL đang phân vân bỏ ai, giữ ai trước chuyến bay sắp tới. Ưu tiên lúc này, tập trung cho hàng tấn công, khi HLV Phan Thanh Hùng chỉ còn 2 chân sút Quang Hải, Công Vinh. Có lẽ BHL rút nhân sự ở hàng thủ lẫn thủ môn, khi ĐT Việt Nam ưu tiên dùng nhiều tiền vệ trong sơ đồ 4-6-0 mà ông Hùng đang yêu thích.Hàng thủ ĐT Việt Nam sẽ rất trông chờ vào những cầu thủ như Phước Vĩnh (4).
Nhiều khả năng, BHL chỉ giữ lại 2 thủ môn trong danh sách gút lại gửi BTC. Chỉ có điều, vị trí người “gác đền’’ là tử huyệt của ĐT Việt Nam. Thế nên, cựu thủ môn Dương Ngọc Hùng cho rằng chúng ta vẫn cần 3 thủ môn một lúc, chứ không thể tự tin với 2 người “gác đền” sang Thái Lan vào lúc này.
Mọi nguyên nhân cũng từ việc cả Hồng Sơn, Thanh Bình và Tấn Trường chưa tạo sự yên tâm hoàn toàn qua 6 trận giao hữu đã qua. Thủ môn Hồng Sơn là người bắt chính, nhưng lâu nay, chàng thủ môn gốc Nghệ cũng dính không ít sai sót. Tại AFF Cup 2010, Hồng Sơn mắc sai lầm trong phán đoán, dẫn đến bàn thua đầu trong trận gặp Philippines. Hay ở VFF Cup 2012 vừa qua, một pha lao ra cản phá không chính xác, cùng cú vào bóng quyết liệt không cần thiết, Hồng Sơn là tội đồ trong bàn thua trước Sinh viên Hàn Quốc.
Không ai phủ nhận tài năng của Hồng Sơn, điển hình như màn thể hiện tuyệt vời tại giải vô địch Đông Nam Á năm 2008, nhưng sự ổn định lại là thứ mà Hồng Sơn thiếu vào lúc này. Có lẽ, sau nhiều thành công ở tầm CLB lẫn ĐTQG, Hồng Sơn vẫn còn giữ được sự máu lửa như trước, nhưng tuổi tác lẫn thiếu đi người là đối trọng thực sự đe dọa vị trí, khiến sự khao khát của Sơn cũng vơi đi. Chính thủ môn này thừa nhận muốn rút lui để nhường vị trí cho đàn em Tấn Trường, sau khi phải nhận quá nhiều chỉ trích từ trận thua 0-2 trước Philippines tại giải đấu năm ấy.
Nhưng Tấn Trường cũng phụ lòng tin cậy của đàn anh. Trong 3 năm qua, chàng “người nhện’’ xứ Đồng Tháp Mười mắc sai sót lên đến cả chục tình huống. Năm rồi, Trường còn bị đội bóng chủ quản SG.XT cho nghỉ dài hạn.
Phải đến cuối mùa giải, khi SG.XT mất hết thủ thành, Tấn Trường mới cướp cờ để trở lại khung thành. Tưởng chừng sau cú ngã để đời ấy, Tấn Trường sẽ chín chắn hơn. Ai dè trận thua 0-1 trước Turkmenistan, chàng thủ môn cao 1m88 lại dính sai lầm khác, khi sút bóng đúng chân đối phương, rồi dẫn đến bàn thua lãng xẹt sau đó. Kể từ thời khắc ấy, Tấn Trường không còn được đăng ký một phút nào ở 3 trận giao hữu vừa qua. Nguy cơ bị loại cũng treo lơ lửng trước thủ thành họ Bùi cũng từ pha “đốt đền” ấy.
Hồng Sơn hay Thanh Bình?
Có lẽ chiến dịch săn “vàng’’ tại AFF Cup 2012, HLV Phan Thanh Hùng vẫn phải cậy trông cậu học trò Dương Hồng Sơn, bởi so với 2 đàn em Tấn Trường, Thanh Bình, kinh nghiệm và năng lực của Hồng Sơn vẫn cao hơn một bậc. Thay vì loại bỏ Hồng Sơn giống như Tấn Trường, BHL đau đầu tìm cách để Hồng Sơn vượt qua những phút sai lầm đã qua.
Đầu tiên là về mặt chuyên môn, Sơn phải nhanh chóng lấy lại phong độ, bản lĩnh và thần sắc. Trong bóng đá, một thủ môn tài năng sẽ đảm bảo đến 80% cơ hội chiến thắng của đội nhà, nên việc duy trì sự chính xác, chắc chắn khi thi đấu là điều kiện cần và đủ cho mỗi đội bóng
Tất nhiên, BHL phải nhạy cảm hơn trong việc sử dụng thủ môn, điều mà tại AFF Cup 2010, ông Calisto đã bộc lộ sự lúng túng. Việc đặt niềm tin vào thủ môn Thanh Bình cũng cần được cân nhắc. Dù chưa có được nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế, thủ môn trẻ Thanh Bình lại có bước tiến bộ cực nhanh thời gian qua. Ngoại trừ pha phá bóng bất cẩn trận gặp ĐT Lào thì kỹ năng phản xạ và đối mặt với tiền đạo đối phương của Thanh Bình không hề tệ. Bằng chứng là 2 năm nay, chàng thủ môn trẻ này chiếm suất bắt chính tại SHB.ĐN và khiến thủ môn kỳ cựu Văn Hạnh phải ra đi. Có lẽ sau sai lầm suýt phải trả giá vừa qua, Thanh Bình đã trưởng thành và bản lĩnh hơn.
Cho dù thủ môn nào được tín nhiệm, họ cũng cần sự giúp đỡ đắc lực và có chất hơn trước mặt và 2 bên cánh. Các đồng đội ở hàng phòng ngự phải chơi tập trung, bọc lót hợp lý hơn để giảm bớt áp lực cho “người gác đền”. Nhiều trận vừa qua, hàng thủ, trong đó cặp trung vệ còn chơi lơ là, những pha phá bóng vu vơ, làm khó chính thủ môn. Xem ra, 2 hậu vệ biên khá ổn. Còn cặp trung vệ, chưa có ai đồng điệu với Minh Đức. Nếu Minh Đức và Phước Vĩnh thực sự không kịp lấy lại phong độ sau chấn thương, quả là khó khăn cho khung thành chúng ta.
Nếu không xây dựng thành công “pháo đài”, đồng nghĩa với việc chúng ta phải chấp nhận với những run rủi, thậm chí ám ảnh, như AFF Cup 2010.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)