Tại Tiger Cup 2002 (tiền thân của AFF Cup bây giờ), Văn Sỹ từng được mổ nối sợi gân Achilles ở gót chân ngay trên đất Indonesia, sau một tai nạn gặp phải khi ĐT Việt Nam đang tham dự giải tại đây. Một hình ảnh rất quen thuộc và cảm động, với Văn Sỹ ngồi xe lăn cạnh cabin BHL ĐT Việt Nam trong các trận đấu của thầy trò HLV Calisto.
Giải đấu năm đó, Việt Nam chỉ giành HCĐ nhưng đã được xem như một kỳ tích với công trình sư Calisto, bởi đấy là thời điểm giao thời của bóng đá Việt Nam, với “thế hệ vàng” chỉ còn lại mỗi Văn Sỹ và Huỳnh Đức, và phần lớn các cầu thủ lên ĐTQG khi ấy đều còn rất trẻ và khá vô danh.Chấn thương của các cầu thủ trụ cột không hẳn đã là thảm họa với ĐT Việt Nam
Đến sau này, AFF Cup 2010, khi tình huống lặp lại với Quang Thanh phải chống nạng tháp tùng cùng ĐT Việt Nam (ở lần thứ 2 HLV Calisto dẫn dắt ĐTQG) đến Malaysia đá trận bán kết lượt đi, người ta mới biết rằng, “phù thủy” Calisto luôn có cách làm tâm lý chiến rất lợi hại kiểu đó.
Chỉ tiếc rằng, ĐT Việt Nam đã thất bại. Ông Calisto có thể đổ thừa cho việc đội bóng đã mất hơn nửa đội hình chính vì chấn thương trước trận bán kết với Malaysia, nhưng những người hiểu chuyện không nghĩ thế. Nguyên nhân được chỉ ra là không hoàn toàn bởi chuyên môn kém.
Cho đến buổi tập với bóng chiều qua, Tấn Tài vẫn chưa thể tham gia cùng đồng đội được. Lý do được đưa ra là “phải phòng hờ những bất trắc, sau những gì đã xảy ra với cầu thủ này ở VFF Cup 2012 mới đây”. Đã có những lo xa về việc Tấn Tài sẽ đến Thái Lan với cái đầu gối quấn băng trắng toát.
Đó là điều không ai mong đợi cả, với Tấn Tài và BHL ĐT Việt Nam lại càng không. Nhưng, ngay cả điều tồi tệ nhất xảy ra với đội phó ĐT Việt Nam, thì nó cũng không phải là chúng ta sẽ mất tất cả. Ngược lại, có khi nó còn là điều hay. Đồng đội sẽ phải nhìn vào Tài mà chiến đấu.
Cổ nhân vẫn có câu: “Trong họa có phúc” đấy thôi!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)