Lần đầu tiên, đã cận kề ngày sang Thái Lan nhưng ĐTQG không được những khoản treo thưởng khổng lồ. Thầy trò HLV Phan Thanh Hùng có chạnh lòng không?
Theo tiền lệ, trước SEA Games hay AFF Cup, 2 ĐTQG thường hâm nóng dư luận bởi những khoản tiền thưởng tới tập từ VFF, các Mạnh Thường Quân. Không chỉ VFF, các CLB ta đã tạo thành một thói quen hết sức nguy hiểm: phải thưởng cao mới hy vọng cầu thủ chịu đá.
Có nghĩa, muốn có thành tích phải kích cầu bằng tiền thưởng. Còn một nguyên nnhân tế nhị khác, treo thưởng cao để ngăn chặn tiêu cực. Hay nói cách khác, để các tuyển thủ không bị “chích”. Phương thức này không khả quan, bởi ví như hơn 10 tỷ đồng mà thầy trò HLV Calisto được nhận sau AFF Suzuki Cup 2008, nghe thì to, nhưng với dân cá độ chuyên nghiệp chẳng có gì là ghê gớm.Một khi thầy trò HLV Phan Thanh Hùng thể hiện hết mình và gặt hái thành công họ sẽ không bị thiệt thòi
Còn cầu thủ, mặc nhiên hình thành tâm thế ngóng chờ tiền thưởng, hay nói tếu táo là chờ “có màu” trước lúc lâm trận. Khi tâm lý đã bị lệ thuộc vào tiền thưởng, đôi chân và cái đầu khó có thể tập trung. Thực tế, ngoài áp lực phải vô địch AFF Cup hoặc SEA Games, dư luận đã từng cảnh báo số tiền quá khủng đã khiến tuyển thủ bị ám ảnh… tiền thưởng đè! Những biến chứng từ việc treo thưởng, đã tác động xấu với bóng đá nội như thế nào, ai cũng rõ.
Việc khoác áo ĐTQG (ở mọi lĩnh vực) là vinh dự quá lớn với một công dân. Phải cống hiến hết mình, thậm chí cả hy sinh nhiều lợi ích cá nhân, là bổn phận và trách nhiệm. Tóm lại, không thể định giá những giá trị thiêng liêng như thế bằng tiền thưởng.
Chắc chắn, cũng có lời khen VFF đợt này đã có nhận thức rất chuẩn khi không treo thưởng, như AFF Cup 2008 (4 tỷ đồng), AFF Cup 2010 (5 tỷ đồng) và những chiến dịch trước đó.
Tuy nhiên, cũng phải nói thẳng một thực tế khá “phũ phàng”, giả như những người có trách nhiệm có gồng mình đi hiệu triệu, chưa chắc đã mang lại kết quả lạc quan số tiền mà các doanh nghiệp sẽ thưởng cao. Đầu tiên, tình hình kinh tế đang khủng hoảng, các doanh nghiệp đa số phải oằn mình vượt qua “bão”, hơi đâu nghĩ đến bóng đá. VFF Cup vừa rồi không kêu gọi được tài trợ. Thứ hai, và căn bản hơn, niềm tin mà bóng đá nội (trong đó có thương hiệu các ĐTQG) đang ở chỉ số đáng lo ngại.
Dù thế, không có nghĩa là thầy trò HLV Phan Thanh Hùng sẽ thiệt thòi. Nhìn chung, họ đang được tạo những điều kiện tốt nhất để hướng tới mục tiêu vàng. Mặt khác, trong sâu thẳm, tình cảm của người hâm mộ cả nước (trong đó có doanh nghiệp) dành cho các ĐTQG vẫn luôn sâu nặng. Tình cảm đó chỉ bùng lên, khi các ĐTQG thực sự lâm trận. Chắc chắn, thầy trò HLV Phan Thanh Hùng sẽ không thiệt thòi, một khi thể hiện được một hình ảnh trong lành, gắng hết sức mình. Nếu vô địch, khả năng cơn mưa tiền thưởng ập đến là khó tránh khỏi.
Có nhiều thứ không thể mua được bằng tiền. Ví dụ, sau khi vô địch AFF Suzuki Cup 2008, ĐTQG được nhận Huân chương Lao động hạng Ba. HLV Calisto cùng 6 tuyển thủ cũng nhận vinh dự đó. Chưa kể, rất nhiều địa phương đã tổ chức tuyên dương long trọng cầu thủ của mình.
Bản thân HLV Calisto cũng được Chính phủ Bồ Đào Nha trao tặng Huân chương Công trạng cho những đóng góp trong việc quảng bá hình ảnh đất nước Bồ Đào Nha. “Gái có công, chồng chẳng phụ”, hãy gạt chuyện tiền nong sang một bên trước chiến dịch săn vàng, coi như thầy trò HLV Phan Thanh Hùng đã chiến thắng một phần rào cản từ chính mình.
Chiến thắng chính mình mới là khó nhất.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)