Khi BHL ĐT Việt Nam được thành lập, với cơ trưởng Phan Thanh Hùng và các cộng sự như Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Văn Sỹ, cùng các gương mặt cầu thủ được triệu tập, tư tưởng: Không chơi bóng bổng, được quán triệt. Đấy cũng là triết lý huấn luyện và làm chiến thuật của vị tướng họ Phan.
Sau một quá trình tập luyện, thi đấu giao hữu đủ dài, các đường ban ngắn và trung bình được duy trì liên tục. Thậm chí, ngay cả những đường bóng chuyển hướng bóng tấn công, cũng được hiệu lệnh ở là là mặt đất hoặc tầm thấp, để đồng đội dễ khống chế. Bất cứ ai tự ý “xé bài” sẽ bị tuýt còi, nhắc nhở ngay.
Nhưng dưới điều kiện thời tiết bất lợi: Trời mưa, sân trơn và sũng nước, các cầu thủ buộc phải “xé bài” hoặc được hiệu lệnh chơi bằng sở đoản. Rất nhiều những đường chuyền bổng vào từ hai cánh, hoặc thậm chí từ tuyến thấp nhất nhồi lên (kiểu “cướp cò”), để cầu may, cũng vì thế.HLV Phan Thanh Hùng lưu ý trung vệ Minh Đức cùng các cầu thủ phòng ngự Việt Nam về khả năng chơi bóng bổng của ĐT Philippines
Tình huống dẫn đến bàn mở tỷ số của Tấn Tài, trận ra quân gặp Myanmar đã đến theo phong cách đó. Tỷ lệ (thành bàn) hay ít nhất là tính hiệu quả như thế là khá thấp, bởi cần nhớ rằng, trước và sau khi Tài mở tỷ số, có đến hơn chục đường chuyền bổng vào khu vực cấm địa của Myanmar đều phá sản.
Nói tóm lại, ĐT Việt Nam không được dạy chơi bóng bổng (trên tuyến đầu), thế còn bài học chống bóng bổng (ở nơi thấp nhất đội hình), chúng ta có được học?! Dễ suy luận, khi hàng công không chơi bóng bổng (trong các bài tập chia đôi đội hình thi đấu), hàng thủ cũng ít đi các cơ hội làm quen.
Thậm chí ngay cả khi đã được dạy, được học và được trải nghiệm (qua các trận đấu – giải đấu giao hữu quốc tế chạy đà), kể cũng khó mà thuộc lòng được, bởi giới hạn về hình thể không cho phép. Thực tế là chúng ta từng hơn một lần gục ngã khi đối phương đánh bóng bổng, với bàn thua ở trận gặp K.KH là minh chứng.
Với những gì mà Philippines có và những gì họ đã phô bày ở trận thua sát nút chủ nhà Thái Lan, hàng phòng ngự ĐT Việt Nam đang đối diện với một ca khó: Chống bóng bổng. Sải tay dài hay óc phán đoán điểm rơi của thủ môn thôi là không bao giờ đủ, bởi nó tiềm ẩn nhiều mối nghi ngại.
Để chống (hay ít nhất là hạn chế) các miếng đánh giãn biên, lật cánh đánh đầu, hậu vệ biên của ĐT Việt Nam sẽ không được phép để tiền vệ cánh của “Phi” rảnh chân. Nhưng nhiệm vụ đầu tiên quan trọng nhất là tuyến trên cũng phải quyết liệt, pressing, không để họ triển khai bóng…
Nghe thì phức tạp nhưng chỉ cần giành quyền kiểm soát bóng, kiểm soát thế trận (như tiêu chí xây dựng lối chơi sở trường của ĐT Việt Nam) mọi chuyện trở nên rất đơn giản.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)