Xin nói luôn để tránh những hiểu lầm, đó là điều rất bình thường, khi trước ngày lên đường đá AFF Cup 2012, HLV Phan Thanh Hùng phải tất bật ngược xuôi để lắng nghe những chỉ đạo của cấp trên. Chỉ với riêng công tác chuyên môn thôi cũng đã quá nhiều vấn đề rồi. Và người ta đồ rằng, HLV Phan Thanh Hùng cần phải có bộ óc cấp tiến mới có thể đưa ĐT Việt Nam giành chức vô địch AFF Cup lần này. Đấy là khả năng chịu sức ép, tổng hợp, phân tích, dự báo và đưa ra quyết định cuối cùng hợp lý nhất.
Trên đe, dưới búa…
Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT và VFF không giao chỉ tiêu cụ thể nào cho ĐT Việt Nam ở AFF Cup 2012, nhưng thế không có nghĩa là HLV Phan Thanh Hùng cùng các học trò có thể ung dung tự tại. ĐT Việt Nam không bị ép phải chiến thắng bằng mọi giá, nhưng nếu thất bại, cũng phải trong thế ngẩng cao đầu, bởi họ là đại diện, là đỉnh cao của nền bóng đá. Và ngoài ra, cú hích (thành tích nếu có) ở AFF Cup 2012, còn có thể chặn đứng “vết dầu loang”, với cuộc khủng hoảng trên diện rộng cấp CLB trong nước và cả niềm tin nơi người hâm mộ.HLV Phan Thanh Hùng cần có sự chia sẻ và động viên, bởi công việc ở ĐTQG luôn có rất nhiều sức ép
Trong vai trò HLV trưởng, ông Hùng phải tổng hợp, báo cáo và là người chịu trách nhiệm cao nhất với sự thành bại của đội bóng. Cũng với vai trò ấy, ông Hùng sẽ phải tìm cho ra các phương án đối đầu với những đối thủ khó lường tại giải đấu. Và chuyện nội bộ, từ cabin BHL đến các cầu thủ, các học trò, ông Hùng cũng phải giành được sự nhất trí cao, cho bất cứ con tính nào. Suốt 3 tháng qua, kể từ khi ĐT Việt Nam tập trung cao điểm cho chiến dịch AFF Cup, không phải lúc nào công việc cũng suôn sẻ.
Ở giải tập huấn VFF Cup vừa rồi, đã có những không hài lòng nơi một bộ phận cầu thủ trong cách dụng binh của ông Hùng. Nó nằm ở vị trí trong khung gỗ ĐT và ở 2 cánh, khi người trong cuộc cho rằng, họ đã tập luyện tốt nhất, sung nhất, nhưng lại không được dùng vào thời điểm mà họ sẵn sàng nhất?! Ngoài ra, một vị trợ lý của tướng Hùng cũng bị cho là có liên đới trong việc thay đổi giáo án tập luyện, khiến những đôi chân cầu thủ không được thanh thoát trước giờ bóng lăn. Rồi chuyện thông tin báo chí sai bản chất sự việc…
Tất cả những tồn tại, nói ra không phải để cho sướng cái miệng, mà để giải quyết triệt để trước khi nhập cuộc, bằng không sẽ rất nguy ngại.
Và đừng để ông Hùng cô đơn
Ngay cả khi đã đứng trên đỉnh cao, ở các cấp độ ĐT cũng như CLB và trong nhiều vai trò khác nhau, nhưng ông Hùng vẫn được biết đến như một con người trọng thị và cầu thị. Ông sẵn sàng chủ động gọi cho một PV để lắng nghe những chia sẻ, hoặc đôi khi chỉ là những câu chuyện bên lề của đội bóng, huống hồ đến những đóng góp của các trợ lý hay học trò. Người ta chưa quên chuyện Công Vinh gõ cửa phòng thầy Hùng để ý kiến về việc HN.T&T cần chơi với 1 hay 2 mũi công chủ lực. Và Vinh không phải là trường hợp duy nhất.
Lắng nghe những phản biện là điều cần thiết để phát triển hay ít nhất cũng để cùng nhau đi tìm sự tối ưu. SEA Games 26 trên đất Indonesia, vị HLV tiền nhiệm Falko Goetz từng xem nhẹ điều này để rồi phải thân bại danh liệt. Làm tướng, dù tài đến mấy, cũng sẽ có lúc bất đắc chí và đấy là lúc các trợ lý, cũng như cầu thủ trên sân phải có nhiệm vụ chia sẻ. Các bài học với Alfred Riedl hay Falko Goetz không mới, nhưng nhắc lại cũng chẳng thừa. Điều quan trọng là thái độ hợp tác, với tất cả đều phải hy sinh vì mục đích cuối cùng của đội bóng.
Trước ngày lên đường và ngay lúc này, thông qua các phát biểu với giới truyền thông, HLV Phan Thanh Hùng vẫn khẳng định, đội bóng đang đi đúng lộ trình. “Không có vấn đề nào quá lớn không thể giải quyết. Chuyện Phước Vĩnh chấn thương, không thể tham dự AFF Cup, chúng tôi cũng đã có những phương án 2 rồi…”, ông Hùng chia sẻ. Theo ông Hùng, đội bóng đang tập trung tối đa cho trận mở màn với Myanmar, đội bóng mà theo ông Hùng là khó chơi bậc nhất và tiềm ẩn nhiều mối quan ngại nhất.
Hãy chia sẻ và đừng để ông Hùng cô đơn!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)