Giải đấu được chờ đợi nhất khu vực đã chính thức khép lại với chức vô địch thuộc về ĐT Thái Lan, nhưng vẫn còn nhiều điều đáng nói về công tác AFF Cup 2022.
Chuyện lạ trên những chuyến bay
Tổng cộng gần 1 tháng tranh tài, AFF Cup 2022 đã tìm được chủ nhân và đó là Thái Lan, khi nhà ĐKVĐ đã bảo vệ thành công danh hiệu của mình và có lần thứ 7 nâng cao chiếc cúp. Họ cũng sở hữu cầu thủ xuất sắc nhất giải là Theerathon Bunmathan, tiếp tục chứng tỏ vị thế của mình tại đấu trường khu vực. Nhưng trước đó, Voi chiến bị không ít người nghi ngờ.
Tiêu biểu nhất là một hãng bay chuyên chở thầy trò ông Mano Polking tới Việt Nam để đá trận chung kết lượt đi. Trên trang Facebook chính thức, hãng bay thừa nhận vinh dự khi chuyên chở “đội Á quân AFF Cup 2022” và đã gây ra những luồng ý kiến trái chiều. Kết quả như đã biết, đây là một phương pháp truyền thông ngược khi Thái Lan đăng quang AFF.
Sau khi chuyên chở ĐT Thái Lan tới Việt Nam chuẩn bị đá chung kết lượt đi AFF Cup, một hãng hàng không đã gây sự chú ý trên mạng xã hội với bài đăng táo bạo.
Cũng liên quan tới những chuyến bay. ĐT Indonesia đã đáp chuyên cơ tới Hà Nội để chuẩn bị tốt nhất cho trận bán kết lượt về. Thầy trò Shin Tae Yong thậm chí đặt chân tới Việt Nam còn nhanh hơn… ĐT Việt Nam, bởi đoàn quân Park Hang Seo phải bay 2 chặng, chuyển tiếp ở Sài Gòn. Dù vậy, đội có nhiều thời gian chuẩn bị hơn đã nhận thất bại và ra sân bay về nước ngay sáng hôm sau.
Lần này thì không có chuyên cơ, và dân mạng đã có một bình luận hài hước về ĐT xứ Vạn đảo: Thắng làm vua, còn thua thì… transit.
Trước nữa, chính ĐT Việt Nam cũng gặp rắc rối nhỏ khi lên kế hoạch cho chuyến bay tới Indonesia. Chưa đá, toàn đội đã đặt 42 vé transit ngay trước khi lượt trận cuối cùng vòng bảng với Myanmar diễn ra. Khi hiệp 1 khép lại, một tổ hậu cần đã ra sân bay từ trước làm sẵn thủ tục. Tất nhiên giành 3 điểm để đảm bảo ngôi đầu nằm trong tầm tay Quang Hải và các đồng đội, chứ chẳng may nhì bảng thì lại phải… đổi vé.
HLV Shin Tae Yong và các cầu thủ Indonesia khi đi chuyên cơ, khi về transit |
Chuyện lạ của những SVĐ
Mỹ Đình trở thành tâm điểm với hình ảnh như dùng TV đen trắng của những thập kỷ trước, khi so sánh với những Bung Karno, Bukit Jalil và Thammasat của những đối thủ khác trong khu vực. Dù vậy, đây lại là điểm tựa cho ĐT Việt Nam tiến đến trận đấu cuối cùng. Toàn đội đã thắng 3, hoà 1 trên sân Mỹ Đình (trận hoà duy nhất trước Thái Lan) và khiến các đối thủ khiếp sợ khi tới đây.
Bên cạnh đó, vấn đề sân bãi cũng là bài toán nan giải tại AFF Cup, khi rất nhiều SVĐ được đặt trước cho những sự kiện âm nhạc, từ Châu Kiệt Luân tới Blackpink. Tại vòng bảng, SVĐ Quốc gia Singapore tổ chức concert của Jay Chou và sân Jalan Besar được sử dụng để thay thế. Tới bán kết, niềm tự hào Bukit Jalil của Malaysia chứng kiến đội chủ nhà hạ gục Thái Lan ở lượt đi khi một đại sân khấu được đặt ngay sau khung thành.
Cũng may là sau cùng Malaysia dừng bước ở bán kết, bởi Jay Chou một lần nữa biểu diễn tại Bukit Jalil ngày 15/1 – ngay trước trận chung kết lượt về AFF Cup đúng 1 ngày, chứ nếu không các đội bóng sẽ phải di chuyển tới một SVĐ khác cách đó 300km để tranh tài. Tương tự, Thái Lan muốn sử dụng Rajamangala làm nơi tổ chức trận chung kết, nhưng vẫn phải đá tại Thammasat, khi mặt cỏ của Rajamangala chưa phục hồi sau đêm biểu diễn của Blackpink.
SVĐ Quốc gia Singapore không được sử dụng vì nhường chỗ cho sự kiện âm nhạc |
Công bố hợp đồng ngay trong giải
Chuyện lạ này sẽ ít xảy ra nếu người hâm mộ theo dõi các giải đấu lớn như World Cup hay EURO, nơi các HLV yêu cầu toàn đội giữ tập trung cao nhất để thi đấu, thay vì phân tâm bởi những vấn đề chuyển nhượng. Nhưng chỉ riêng ĐT Việt Nam, không ít các cầu thủ như Văn Toàn, Văn Hậu, Hồng Duy, Văn Thanh,… được công bố bến đỗ mới ngay trong giải.
Không chỉ Việt Nam, Thái Lan cũng xuất hiện tình trạng tương tự khi Adisak Kraisorn rời Muangthong để gia nhập Terengganu của giải Malaysia. Ngay sau khi ghi bàn giúp Voi chiến ngược dòng vào chung kết, tiền đạo này đã gửi lời xin lỗi tới CĐV Malaysia và cả giải quốc nội.
Không làm gì cũng lăn ra ngã
Có lẽ ĐT Indonesia đã chủ động câu thẻ của Đoàn Văn Hậu, khi Marc Klok ăn vạ lộ liễu trong tình huống chống phạt góc. Cầu thủ gốc Hà Lan này đã lăn ra ngã đau đớn dù chẳng ai làm gì, sau đó các cầu thủ Indonesia đã lao vào phản ứng để rồi nhận về một tấm thẻ vàng.
Trước đó, Đoàn Văn Hậu cũng liên quan tới một tình huống gây tranh cãi không có trên truyền hình, khi bị cầu thủ Malaysia phạm lỗi ngoài vòng cấm địa và ĐT Việt Nam được hưởng một quả phạt đền.
Quyết định của trọng tài đã được đưa ra dù vấp phải những tranh cãi, nhưng như Theerathon Bunmathan khẳng định, AFF Cup cần sớm áp dụng VAR để nâng cao chất lượng giải đấu.
Cuộc chiến trong phòng họp báo
HLV Shin Tae Yong đăng clip Đoàn Văn Hậu chơi thô bạo ngay trước trận bán kết lượt về, đồng thời khẳng định Indonesia đã ngang tầm đẳng cấp với Việt Nam và Thái Lan. Nhưng khi nhận 2 bàn thua và dừng bước, ông đã từ chối trả lời câu hỏi nghĩ sao về những lời nhận xét trước đó của mình.
Phòng họp báo sân Mỹ Đình cũng chứng kiến một sự cố khác nhưng không đến từ các HLV, mà là trợ lý ngôn ngữ của ĐT Thái. Nhân vật phiên dịch có tên Wasapol Kaewpaluk đã có hành vi khiếm nhã, khi nghiêng đầu khiêu khích phóng viên Việt Nam. HLV Polking cũng tỏ ra không hài lòng với trợ lý của mình và yêu cầu Wasapol trở về vị trí.
Trợ lý HLV Wasapol Kaewpaluk |
Khác với những hình ảnh kể trên, buổi họp báo cuối cùng của giải đấu sau trận Thái Lan vs Việt Nam diễn ra êm đẹp. HLV Park Hang Seo bày tỏ xúc động khi chia tay ĐT Việt Nam sau trận, xin lỗi vì không thể đem chức vô địch về nhà. Người chiến thắng, Mano Polking cũng dành sự tôn trọng cho người đồng nghiệp với lời khẳng định, HLV Park sẽ luôn được nhớ tới và những di sản của ông sẽ còn mãi.
Những tranh cãi vẫn luôn là một phần của bóng đá, và công tác tổ chức ở một giải đấu cấp khu vực vẫn còn thiếu chuyên nghiệp. Nhưng điều quan trọng, những trận đấu ở đẳng cấp cao hay tinh thần thượng võ, tình bạn bên ngoài sân cỏ mới là điều gắn kết, thúc đẩy sự phát triển của bóng đá Đông Nam Á hay AFF Cup nói riêng.