Bóng đá Việt Nam hiện được điều hành bởi các doanh nhân. Đây là chi tiết rất mới trong bóng đá nội, và cũng chỉ mong các doanh nhân làm bóng đá hiểu rằng làm bóng đá khác với kinh doanh, tức là mong họ khi bóng đá không sinh lợi thì đừng… bỏ ngang
Chuyện mới trong bóng đá Việt Nam, nhưng không mới trong khu vực
Sau khi các ông Lê Hùng Dũng và Đoàn Nguyên Đức lần lượt ngồi ghế chủ tịch và phó chủ tịch (PCT) VFF, nền bóng đá Việt Nam hiện được điều hành toàn bộ bởi các doanh nhân cỡ bự (trước đó VPF đã được điều hành bởi ông Võ Quốc Thắng).
Bóng đá Việt Nam hiện đang được điều hành bởi các doanh nhân cỡ bự
Đây là điều mới với bóng đá Việt Nam, nhưng thật ra không mới trên bình diện quốc tế. Và cũng chưa cần phải xét trên bình diện châu Á và thế giới, chỉ xét ở bình diện Đông Nam Á, đã có không ít doanh nhân đang điều hành nền bóng đá các nước trong khu vực. Doanh nhân nổi tiếng nhất, cũng như quyền lực nhất trong làng cầu Đông Nam Á có lẽ là chủ tịch LĐBĐ Thái Lan (FAT) Worawi, người hiện đang điều hành nhiều công ty của xứ chùa Vàng.
Dưới sự điều hành của ông này, bóng đá Thái Lan phát triển khá năng động (ông Worawi là TTK FAT từ năm 1997 – 2007, trước khi làm chủ tịch FAT từ năm 2007 đến nay), đồng thời vị thế của bóng đá Thái ở FIFA cũng tăng lên đáng kể.
Nhiều người cũng cho rằng các chiếc ghế mà tân PCT phụ trách chuyên môn của VFF là Trần Quốc Tuấn hiện đã và đang ngồi ở AFC cũng như FIFA (ủy viên) đều do ông Worawi giới thiệu, bởi trước khi ông Tuấn ngồi các ghế này, ông Worawi là người đảm nhiệm các vị trí ấy, rồi từ đó leo lên cao hơn.
Một doanh nhân quyền lực khác trong làng cầu Đông Nam Á là chủ tịch LĐBĐ Myanmar, ông Zaw Zaw – người đang điều hành một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất Myanmar là Max Myanmar Group of Companies.
Nhờ có sự hậu thuẫn từ vị chủ tịch giàu có, mà bóng đá Myanmar đủ tiền thuê HLV ngoại, cũng như có những kế hoạch phát triển đáng chú ý trong tương lai gần. Hiện, ông Zaw Zaw đang vạch thảo chiến lược phát triển bóng đá Myanmar theo một chương trình đầy tham vọng mang tên “Giấc mơ châu Á”.
Xu thế mới, nhưng cần có sự kiên trì
Với bóng đá Việt Nam, chuyện các doanh nhân điều hành nền bóng đá là chuyện lần đầu xuất hiện ở nhiệm kỳ 7 mới vừa bắt đầu. Nó phản ánh một xu thế mới, có thể là năng động hơn. Xu thế này thực chất đã được phản ánh từ chuyện của các CLB trong hơn chục năm qua, nhưng giờ mới thể hiện rõ nét ở bộ máy điều hành nền bóng đá.
Trước đây, bóng đá Việt Nam là bóng đá bao cấp, tiềm lực kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào các ngành và các cơ quan kinh tế nhà nước (Cảng, Hải quan, Hàng không…). Ở thời điểm kinh tế thị trường phát triển mạnh, các cơ quan kinh tế nhà nước không còn có thể nuôi đội bóng chuyên nghiệp do đặc thù đầu tư của ngành, thế là các tập đoàn kinh tế tư nhân nổi lên và đầu tư vào đội bóng.
Chuyện hầu hết các đội bóng chuyên nghiệp Việt Nam hiện đều trong tay các ông chủ của các tập đoàn kinh tế tư nhân chính là sự phản ánh cho việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, không chỉ trong xã hội mà còn trong bóng đá. Đấy cũng là xu thế mà hầu hết các nền bóng đá phát triển trước chúng ta đều đang thực hiện (Mọi đội bóng lớn trên thế giới đều hoạt động dưới dạng công ty cổ phần, do tư nhân góp vốn từng phần hoặc trực tiếp làm chủ toàn phần).
Chỉ có điều khác là do bóng đá Việt Nam chưa thể tự sinh ra lãi, nên mới có chuyện không ít đội bóng tồn tại để phục vụ lợi ích ngoài bóng đá cho các ông bầu. Rồi từ đó mới có chuyện khi các ông bầu, tức là những nhà kinh tế rất giỏi tính toán không còn tính ra lợi từ bóng đá, họ sẵn sàng bỏ bóng đá.
Đấy cũng là điều băn khoăn lớn nhất đối với những vị doanh nhân tên tuổi đang điều hành nền bóng đá Việt Nam hiện nay, rằng nếu họ đã chấp nhận dấn thân, thì mong họ cũng hiểu làm bóng đá khác với làm kinh tế. Nếu họ đã nói đến với bóng đá không vì vụ lợi thì cũng đừng vì lúc nào đó không còn thấy lợi mà bỏ bóng đá giữa chừng
Theo Dân Trí