Thứ Tư, 25/12/2024Mới nhất
Zalo

Doanh nghiệp bỏ bóng đá: Hiện tượng hay bản chất?

Thứ Tư 27/11/2013 06:04(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Thêm một doanh nghiệp bỏ bóng đá là Vicem (sau khi họ trả lại CLB cho Hải Phòng). Vấn đề được đặt ra là sẽ còn bao nhiêu doanh nghiệp hành động tương tự một khi họ không còn thấy lợi, hoặc đã xong mục đích thông qua bóng đá?

Không còn là hiện tượng

Chuyện các doanh nghiệp bỏ bóng đá không còn là hiện tượng đơn lẻ, khi trong thời gian gần đây các doanh nghiệp đang ồ ạt quay lưng với môn thể thao vua. Trong năm qua có Navibank (Navibank Sài Gòn) và Xuân Thành (XM Xuân Thành Sài Gòn), vừa rồi có thêm Kienlongbank (K.Kiên Giang), giờ đến lượt Vicem (V.Hải Phòng).

Chuyện doanh nghiệp bỏ bóng đá dường như đang trở thành xu hướng của làng cầu nội
Chuyện doanh nghiệp bỏ bóng đá dường như đang trở thành xu hướng của làng cầu nội

Nếu tính luôn những cái tên như Tôn Hoa Sen (Tôn Hoa Sen Cần Thơ), Ngân hàng Đông Á, Sách Thành Nghĩa (Thành Nghĩa Quảng Ngãi), Hòa Phát (HP Hà Nội)… số lượng các doanh nghiệp lớn ngưng đầu tư vào bóng đá đã quá nhiều.

Ngay đến Đồng Tâm của bầu Thắng cách nay vài tháng còn bóng gió đến chuyện bỏ bóng đá (chỉ ở lại vào giờ chót do địa phương không có khả năng kêu gọi nhà tài trợ khác), cho thấy chuyện các doanh nghiệp tính chuyện bỏ bóng đá nguy thay đang trở thành xu hướng của làng cầu nội.

Cái khổ ở đây là bản thân các CLB, dù mang danh nghĩa là những công ty cổ phần nhưng lại không có khả năng sinh ra lãi thông qua hoạt động kinh doanh liên quan đến bóng đá. Nói nôm nà là bản thân bóng đá không thể nuôi nổi bóng đá. Mô hình công ty cổ phần của các CLB bóng đá thực chất chỉ là hình thức hợp thức hóa các khoản tiền được rót từ doanh nghiệp bảo trợ sang đội bóng.

Thường thì doanh nghiệp mẹ đến với bóng đá với những mục đích ngoài bóng đá, còn phần tiền được rót vào đội bóng theo dạng lấy từ khoản này đắp sang khoản khác, rồi hợp thức hóa bằng cách gọi đấy là chi phí cho quảng cáo, chi cho việc quảng bá doanh nghiệp.

Cái khổ của các CLB quen xài tiền của doanh nghiệp là ở chỗ họ quen chi bạo, với kinh phí hoạt động mỗi năm mỗi tăng chóng mặt, đến lúc doanh nghiệp rút chân thì địa phương thường hụt hẫng, còn cầu thủ, HLV, GĐĐH… do quen với kiểu nhận lương cao, những khoản “hoa hồng” hậu hĩnh, khó chịu nổi chính sách thắt lưng buột bụng khi không còn “bầu sữa” doanh nghiệp.

Xem lại tính mục đích

Như đã nói ở trên, do bóng đá chưa thể sinh lợi, nên doanh nghiệp khi đầu tư vào bóng đá đều nhắm đến những khoản lợi khác bên ngoài bóng đá. Đấy có thể là những dự án đẹp mà địa phương phải đổi để có nhà tài trợ cho đội bóng. Đấy cũng có thể là hình thức quảng bá hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp.

Vấn đề đặt ra ở đây là một khi doanh nghiệp không còn thấy lợi thông qua bóng đá, hoặc đã hoàn thành mục đích của mình thì sao? – Câu trả lời dễ nhất đối với họ là cắt bớt các khoản đầu tư không cần thiết, mà đội bóng là một gánh nặng tài chính quá lớn thường được loại bỏ đầu tiên.

Kiểu nào thì cũng thấy nguy cho bóng đá Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Nếu các doanh nghiệp đến với bóng đá để đổi lại những dự án, những thương vụ bên ngoài bóng đá thì thời điểm hiện nay chuyện này không còn hấp dẫn với họ, bởi hầu hết các dự án giờ đã hết đẹp, đất không còn là vàng, trong khi kinh tế khó khăn nên các thương vụ cũng không phải dễ kiếm. Trường hợp các doanh nghiệp đến với bóng đá để quảng bá hình ảnh, thì khi họ đã nổi tiếng rồi, họ có cần đến bóng đá nữa không?

Chẳng hạn cỡ như Đồng Tâm hay Hoàng Anh Gia Lai, bây giờ cả nước không ai không biết đến 2 thương hiệu này, không ai không biết bầu Thắng hay bầu Đức, nên họ có muốn nổi tiếng hơn nữa cũng chẳng được. Thương hiệu vì thế cũng bão hòa, nên cũng không nhất thiết phải quảng cáo thông qua bóng đá thêm nữa.

Không thể phủ nhận thực tế là hơn chục năm qua, bóng đá gắn với doanh nghiệp đã giúp ích rất nhiều cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực này, nhất là về việc cải thiện đời sống. Chỉ đáng tiếc là chính những người đang làm bóng đá do quen “sống bám” vào bầu sữa doanh nghiệp, nên ngần ấy thời gian vẫn không tìm được hướng đi riêng cho mình, dẫn đến cảnh hụt chân lúc doanh nghiệp rút lui.

Cũng chỉ tiếc là ngay cơ quan điều hành bóng đá nội chưa chắc đã khá hơn, bởi bản thân bộ máy điều hành cả nền bóng đá cũng tỏ ra quá phụ thuộc vào nguồn sữa từ một ngân hàng, vốn đang tài trợ toàn bộ cho các giải đấu bóng đá hàng đầu cả nước, và hoạt động đỉnh cao khác.

Nơi thượng tầng cũng có nguy cơ chới với nếu mất bầu sữa (cũng có thể đặt câu hỏi rằng nếu ngân hàng ấy, hoặc những người đứng đầu ngân hàng ấy đạt được mục đích cao nhất của họ, họ có tài trợ nữa không?), thì còn đâu tỉnh táo để tìm định hướng cho cả nền bóng đá, trong việc sống độc lập với doanh nghiệp?!

Theo Dân Trí

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X