Phước Tứ về SG.XT với hơn 10 tỷ đồng/3 năm, Quang Hải đầu quân cho Navibank.SG bằng giá 9 tỷ đồng; một năm trước, kỷ lục thuộc về Việt Thắng, khi 8 tỷ đồng nguyên kiện được V.NB chuyển thẳng vào tài khoản của chân sút này; trước nữa là Công Vinh (7 tỷ đồng)… Hàng loạt những cột mốc mới được xác lập, và cơn bão tiền trên thị trường chuyển nhượng BĐVN vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
BĐVN bắt đầu thời kỳ “quá độ” lên chuyên nghiệp từ chục năm nay, nhưng cầu thủ Việt mới chỉ thực sự lên hương (ở đây là đổi đời, với cuộc sống vật chất – tinh thần khá phong phú), từ khoảng 3 – 4 năm đổ lại. Cầu thủ và cò cầu thủ, đối tượng trực tiếp đặt vấn đề chuyển nhượng, sẽ bàn bạc trước nhất trong việc định giá, nhưng rất thường xuyên, những ông bầu hay các nhà tài phiệt bóng đá lại có tiếng nói quan trọng nhất trong vấn đề này. Và ông chủ đội bóng vẫn là người quyết định cuối cùng đối với sự thành bại của một bản hợp đồng hay một cuộc mua bán.
Đắt phải xắt ra miếng
“Chuyên gia săn Tây”, “lá chắn thép”, “không phổi” hay “cầu thủ đa năng”…, là những cụm từ mà giới bóng banh vẫn đặt cho Lê Phước Tứ. Sở hữu một cơ địa thiên phú, với sức chịu đựng thuộc hàng ngoại hạng, Phước Tứ có thể cả tuần không tập, nhưng vẫn xung trận như chẳng hề hấn gì. Tứ được biết đến như trung vệ thép, một chuyên gia săn “Tây” bằng sự đeo bám rất dẻo dai, quyết đoán. Sự tự tin với nền tảng là kỹ thuật cơ bản, thể lực và nhãn quan chiến thuật tốt giúp Tứ chơi được nhiều vị trí trong đội hình. Ngoài vị trí trung vệ, Phước Tứ vẫn được sử dụng ở các vai trò khác như một chuyên gia thu hồi, đánh chặn ở giữa sân và thậm chí đã vài lần ghi được bàn thắng. Thế nên Tứ mới có giá hơn 10 tỷ đồng.Phước Tứ có giá hơn 10 tỷ đồng
Bất cứ một trường hợp nào được đội lên hơn mức bình thường, mà thiên hạ vẫn gọi là cột mốc, là kỷ lục mới trên thị trường chuyển nhượng, điều đầu tiên đập vào trí tưởng tượng của xung quanh, phải là năng lực chơi bóng, chứ không phải những giá trị kèm theo nào khác. Bóng đá mang những đặc thù như thế. Cùng với Phước Tứ, những Quang Hải, Việt Thắng (1 năm trước) hay Công Vinh (2 năm trước)…, đều là các tuyển thủ QG và năng lực chơi bóng của họ được kiểm chứng. Nếu có sự so sánh, thì đó là với ngành nghề khác, chứ trong bóng đá, nên hiểu đó là sự phát triển rất đỗi bình thường. Cầu thủ ngôi sao kèm theo cả những chức năng quảng bá tên tuổi cho đội bóng, cho doanh nghiệp.
Vẫn có những trường hợp, năng lực cống hiến không phải lúc nào cũng đi liền với giá trị bản hợp đồng, người ta gọi đó là những rủi ro. BĐVN, với riêng đội ngũ các cầu thủ nội, ít xuất hiện những “ca khó” như vậy và Thanh Bình là một ngoại lệ hiếm hoi.
Mùa giải 2011 và những dự báo
SG.XT đang là đội bóng nắm giữ nhiều bản hợp đồng đắt giá nhất, thậm chí có cả kỷ lục (của Lê Phước Tứ), và chiếc vé thăng hạng V-League ngay trong năm 2011 đã được xem là được dành riêng cho CLB được coi là Manchester City của VN này. Mọi sự chú ý lúc này đổ dồn vào sự trở lại của Công Vinh, Việt Thắng với mùa bóng thứ 2 trong màu áo V.NB và đặc biệt là Quang Hải, trong vai trò mới tại Navibank.SG. Đây cũng là 3 tiền đạo tốt nhất của ĐTVN. Đội phó ĐTVN, Phan Văn Tài Em, đang gánh trên vai trọng trách tại Navibank.SG. Người ta cũng đang đợi xem Minh Phương và Ngọc Thanh phối hợp như thế nào tại sân Chi Lăng hay Việt Cường có tiếp tục phát huy vai trò của người đội trưởng tại phố núi Pleiku.
Quang Hải sẽ cần thêm thời gian để thích nghi với lối đá của Navibank.SG, nơi mà Hải “gà” sẽ khó cạnh tranh một suất đá chính ở gần cầu môn đối phương. Trong 2 trận đấu chính thức gần nhất, HLV Mai Đức Chung sắp Quang Hải như một cầu thủ chạy cánh (trong sơ đồ 4 – 4 – 2) và đó bị xem là sự phí phạm. Nó triệt tiêu kỹ năng dứt điểm rất đặc biệt của “Vua phá lưới nội” ở V-League 2010. Thế nên, sẽ phải có những điều chỉnh (của ông Chung, hoặc của Quang Hải hay cả 2) để tìm ra phương án tối ưu. Quang Hải hay Được Em, vì thế khó có thể là ngôi sao đáng xem nhất tại V-League 2011. Có lý do để tin rằng, năm nay sẽ là năm của Công Vinh, sau khi tiền đạo đã bình phục chấn thương.
Công Vinh, như chúng tôi đã nhận định, là mẫu tiền đạo rất đa năng và có đẳng cấp. Khả năng tự điều chỉnh để thích nghi cũng là một điểm mạnh của Vinh. Cùng với Minh Phương, Tài Em, Công Vinh đem theo những kỳ vọng về những cầu thủ đáng xem và một mùa giải đáng chờ đợi.
Các bản hợp đồng đắt giá nhất của BĐVN trong 2 năm qua - Kết thúc V-League 2008, Công Vinh chuyển về HN T&T với giá 7 tỷ đồng (tương đương nửa triệu USD vào thời điểm đó) và đây được xem là cột mốc mới của thị trường cầu thủ nội * Sau 7 năm, tính từ thời điểm cột mốc 400 triệu đồng mà Minh Phương chuyển từ Cảng Sài Gòn về ĐT.LA, giá cầu thủ VN tăng theo cấp số nhân. Không cần đến các bản hợp đồng 5 năm (hoặc hơn) như Minh Phương, Trường Giang (B.BD) hay TMN.CSG…, giờ chỉ 3 năm của Phước Tứ hay Quang Hải cũng có giá đến cả chục tỷ đồng. |
(Theo Thể Thao Văn Hoá)