Trước những lo ngại về việc bùng phát đại dịch Covid-19, giống như các giải đấu khác trong khu vực và trên thế giới, giải VĐQG V-League 2020 đã buộc phải tạm hoãn ngay sau khi diễn ra vòng đấu thứ 2.
Cho tới lúc này, VPF vẫn chưa thể chốt ngày trở lại. Đó có thể là ngày 15/4 như dự kiến hoặc tệ hơn là có thể phải sáng tháng 5. Việc giải đấu tạm nghỉ đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự chuẩn bị của các đội bóng, nhất là trong bối cảnh họ đã có sự chuẩn bị rất kỹ cho giải và đang trong giai đoạn ‘tăng tốc’.
Nhìn lại hai vòng đấu đầu tiên của mùa giải năm nay, có thể thấy tính chuyên nghiệp của giải đấu đã được đẩy lên rất cao so với các năm trước. Xuyên suốt 14 trận đấu, hiếm khi người hâm mộ được nhìn thấy những tình huống tiểu xảo, ăn vạ hay thi đấu thô bạo của các cầu thủ. Thay vào đó, họ đã thi đấu chuyên nghiệp hơn với đầy sự quyết tâm, cống hiến nhằm tạo nên những trận cầu sôi nổi, kịch tính và có thừa sự bất ngờ cho tới tận những phút chót.
V-League 2020 diễn ra sôi động và chuyên nghiệp hơn những mùa giải trước đó. |
Dường như sau những thành công của bóng đá Việt Nam trong vài năm gần đây, ý thức thi đấu của các cầu thủ Việt Nam cũng đã được nâng cao hơn. Họ đã biết cách thi đấu vì màu cờ sắc áo CLB, vì người hâm mộ, đồng thời cũng biết cách giữ đôi chân cho các đồng nghiệp, hạn chế những pha phạm lỗi mang tính chất triệt hạ.
Ngoài việc ý thức của các cầu thủ được nâng cao, một nét tích cực nữa trong hai vòng đấu đầu tiên của V-League mùa giải 2020 chính là số bàn thắng được tạo ra. Đã không còn những trận đấu có thừa bạo lực, phạm lỗi nhưng thiếu đi bàn thắng, những gì đã diễn ra trong 14 trận đấu đã qua ở mùa bóng năm nay giống như những ngày hội bóng đá thực sự với rất nhiều những pha lập công đẹp mắt được tạo ra.
Nếu như ở vòng đấu mở màn, người hâm mộ chỉ được chứng kiến 14 pha ăn mừng của các cầu thủ thì tới lượt đấu thứ hai, con số này đã tăng lên 22. Tính tới thời điểm hiện tại, chỉ có duy nhất trận cầu giữa Sài Gòn và SLNA ở vòng đầu tiên là không có bàn thắng, còn 13 trận còn lại đều có những pha lập công được ghi. Cá biệt có những trận đấu có từ 5 bàn thắng trở lên như trận Hà Nội 4-2 Nam Định, Đà Nẵng 1-4 Sài Gòn, Viettel 3-3 HAGL.
Và cùng với cuộc đua tới ngôi vương V-League 2020, cũng có một cuộc đua khác diễn ra thầm lặng nhưng không kém phần căng thẳng. Đó chính là cuộc đua cho danh hiệu Vua phá lưới giải đấu.
Ở mùa giải năm nay, khá bất ngờ là người đang tạm dẫn đầu cuộc đua là ‘siêu dự bị’ của CLB TP.HCM, tiền đạo Nguyễn Xuân Nam. Có thể nói Xuân Nam chính là một hiện tượng thú vị ở giải đấu năm nay. Từ chỗ chỉ là cầu thủ tham dự giải hạng Nhất mùa trước, ngôi sao sinh năm 1994 đang dần trở thành niềm hy vọng của CLB TP.HCM khi liên tục ghi bàn cho đội bóng Sài thành ở hai mặt trận V-League và AFC Cup.
Và pha lập công mới đây của anh không chỉ giúp CLB TP.HCM lần đầu tiên đánh bại Thanh Hóa trong 2 năm gần đây, qua đó vươn lên tạm dẫn đầu V-League, mà bàn thắng đó còn giúp cá nhân cầu thủ này tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong cuộc đua cho danh hiệu Vua phá lưới giải đấu.
Xuân Nam đang thi đấu cực kỳ ấn tượng trong màu áo CLB TP.HCM |
Lúc này Xuân Nam đã có 3 bàn thắng ở V-League 2020, nhiều hơn so với 6 cầu thủ đang có 2 bàn là Bruno Cunha, Jermie Lynch, Pedro Paulo, Đỗ Merlo, Joseph Mpande và Nguyễn Việt Phong. Tuy nhiên điều này chắc chắn sẽ thay đổi khi V-League trở lại bởi các tiền đạo ngoại thường tỏ ra vượt trội so với 'hàng nội'.
Nhìn lại mùa giải 2019, 5 cầu thủ đứng đầu danh ghi bàn của mùa giải đều là những ngoại binh hoặc chân sút nhập tịch. Đó là Bruno (15 bàn), Pape Omar (15 bàn), Samson (13 bàn), Pedro Paulo (12 bàn), Diogo (12 bàn). Nếu tính những cầu thủ ghi từ 10 bàn trở lên thì chỉ có mỗi tiền vệ Minh Vương là cầu thủ nội góp mặt trong danh sách này.
Tại V-League 2018, danh hiệu Vua phá lưới của giải đấu cũng được trao cho một ngoại binh. Đó là tiền đạo Oseni. Trong tốp 5 cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất giải. Trước đó ở các mùa giải V-League từ năm 2011 tới 2016, các ngoại binh cũng giành chiến thắng ở cuộc đua này. Chỉ có riêng mùa giải 2017 là có ngoại lệ, khi tiền đạo Anh Đức đã thi đấu xuất thần để kết thúc mùa giải với 17 bàn, hơn người về nhì Dyachenko đúng một bàn.
Việc các ngoại binh tỏ ra vượt trội các cầu thủ nội ở V-League cũng là điều dễ lý giải khi mà cây săn bàn chủ lực của các đội bóng hầu như đều là các cầu thủ ngoại. Có lẽ chỉ có những đội bóng mà tiền đạo nội 'xịn' hơn ngoại như ở HAGL hay Bình Dương mùa giải 2017 là không như vậy. Và khi đã chân sút chủ lực của các đội bóng thì việc các ngoại binh ghi nhiều bàn thắng ở sân chơi V-League cũng là chuyện dễ hiểu.
Ở mùa giải năm nay, CLB TP.HCM cũng đang có xu hướng 'nội tốt hơn ngoại' và rất có thể Xuân Nam hay Công Phượng sẽ là 'máy làm bàn' của đội bóng. Nhưng ở một cuộc đua đường trường như V-League, sẽ không dễ để họ có thể duy trì màn trình diễn thăng hoa của mình.
So với các tiền đạo nội, các ngoại binh tỏ ra vượt trội ở thể hình, thể lực, tốc độ cũng như khả năng không chiến. Và ở một cuộc đua phi đối xứng như thế, liệu hàng nội có át được chất ngoại để trở thành người chiến thắng?
Minh Long