Đồng ý dẫn dắt ĐTQG sau sự ra đi của HLV Hữu Thắng, ông Mai Đức Chung đã hoàn thành nhiệm vụ với 3 điểm trước Campuchia. Song rốt cuộc vị HLV tiếp tục phải nhận ‘gạch đá’ của dư luận sau những gì ĐT Việt Nam thể hiện.
Có thể thừa nhận tình yêu bóng đá của người hâm mộ Việt Nam với các đội tuyển bóng đá nam không bao giờ thay đổi trong những năm qua. Song đi đôi với tình cảm đó là sự kỳ vọng và những áp lực rất lớn với các tuyển thủ. Nếu thi đấu thành công, họ sẽ được tôn vinh còn nếu thất bại, họ sẽ chẳng khác nào những ‘tội đồ’, chịu sỉ vả không thương tiếc từ cộng đồng mạng.
Làm HLV ĐT Việt Nam là phải sống… trong áp lực
Với các HLV dẫn dắt các ĐTQG, họ cũng ở hoàn cảnh chẳng khá khẩm hơn. Trong tình thế ‘trên đe, dưới búa’, trên là lãnh đạo VFF, dưới là dư luận NHM, họ buộc phải làm tốt yêu cầu nếu không muốn bị thải loại.Trong quá khứ đã chứng kiến rất nhiều cuộc chia li của một loạt các vị thuyền trưởng ĐT Việt Nam. Điểm chung là họ đều thất bại trong việc đưa bóng đá Việt Nam lên đỉnh khu vực.
Tính sơ sơ trong vòng 10 năm trở lại đây, VFF đã chia tay tới 6 HLV. Nội cũng có mà ngoại cũng không thiếu. Từ những người đã có thành tích và am hiểu bóng đá trong nước như HLV Phan Thanh Hùng (2012), Hoàng Văn Phúc (2013), Nguyễn Hữu Thắng (2017) cho tới các HLV ngoại có tên tuổi và năng lực như các ông Calisto (2010), Falko Gotze (2011), Miura (2016). Tất cả đều không thể hoàn thành mục tiêu mà VFF và NHM Việt Nam kỳ vọng.
HLV Miura thất bại trong việc mang thành công tới với ĐT Việt Nam |
Ngoài trường hợp của HLV Calisto, thì sự ra đi của các cái tên còn lại đều khá cay đắng. Thời gian trên tuyển của họ quá ngắn và dường như VFF cũng như NHM không có đủ thời gian để cho các nhà cầm quân này thêm những cơ hội. Rõ ràng VFF cùng các HLV đã không nhất quán quan điểm và kiên trì với chiến lược của mình. Thay vào đó, họ rất ‘nhạy cảm’ trước dư luận và sau mỗi lần các đội tuyển thất bại, các lãnh đạo Liên đoàn thường có động tác quen thuộc là “trảm” HLV trưởng để rũ bỏ những trách nhiệm của mình.
Thực tế lúc này, bóng đá Việt Nam cần có lối đá thống nhất, ổn định và kiên trì với một huấn luyện viên, thay vì "đập đi xây lại" trong nhiều năm qua. HLV Toshiya Miura có lối chơi riêng, HLV Hữu Thắng có kiểu riêng, giờ là HLV Mai Đức Chung. Một khi đội tuyển không có tính nhất quán về cả con người và lối chơi, rất khó để họ trở thành một tập thể mạnh và thi đấu hiệu quả.
Thắng vẫn bị… ‘chửi’!
Lên làm đầu tàu tại ĐT Việt Nam sau sự rút lui của HLV Hữu Thắng, phải thừa nhận ông Mai Đức Chung là người dũng cảm và yêu nước. Bởi ngay sau thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games vừa qua, mọi ánh nhìn sẽ đổ dồn hết vào ĐT Việt Nam thi đấu tại Campuchia. Một sai sót có lẽ sẽ tiếp tục trở thành nguồn cơn cho sự giận dữ mới của người hâm mộ. HLV Mai Đức Chung cũng hiểu được điều này. Đó là lí do ông không mạo hiểm tung ra đội hình tấn công trên sân khách.
Thắng chung cuộc 2-1, HLV Mai Đức Chung đã hoàn tất trọng trách được VFF giao phó trong vai ‘người đóng thế’. Song khen thì ít, ông Chung ‘xe ca’ lại phải nhận vô số chỉ trích về cách dụng binh, về lối chơi của ĐT Việt Nam từ người hâm mộ sau trận đấu này.
Gặp rất nhiều khó khăn trước người Cam, rõ ràng bóng đá Việt Nam đang gặp vấn đề. Song công bằng mà nói, với một đội tuyển vá víu từ thầy đến trò, lại chỉ có khoảng thời gian chưa đến một tuần chuẩn bị và làm quen với sân cỏ nhân tạo, như vậy đã là quá ổn. Lúc này, người hâm mộ cần thông cảm cho HLV Mai Đức Chung hơn là đưa ra những lời chê trách.
HLV Mai Đức Chung và HLV Hoàng Anh Tuấn. Ảnh: Zing.vn |
HLV Đặng Phương Nam từng chia sẻ: "Chúng ta phải hiểu cho HLV Mai Đức Chung, khi ông có quá ít thời gian làm việc với đội tuyển. 4 ngày không thể áp đặt bất cứ điều gì, thậm chí cả Mourinho đến đây cũng không làm được. Điều HLV Mai Đức Chung có thể làm là ổn định tâm lý tinh thần, những bài tập điều chỉnh thể lực cho những cầu thủ vừa thi đấu giải, tìm sự hòa nhập giữa những cầu thủ trẻ vừa dự SEA Games và những trụ cột".
Ông Hoàng Văn Phúc cũng thừa nhận: “Theo quan điểm của tôi, trong bối cảnh khó khăn việc HLV Mai Đức Chung chấp nhận tạm thời dẫn dắt ĐTQG đã là sự dũng cảm. Càng đáng khen khi đội tuyển đã có chiến thắng sau 5 trận toàn hòa đến thua”.
Đối với những HLV, những người có con mắt chuyên môn tốt nhất về trận đấu, đó mới là những nhận xét có giá trị hơn vàng. Ở trường hợp này, rõ ràng một tuần tại vị ở ĐTQG của ông Chung ‘xe ca’ xứng đáng được thưởng, hơn là phải chịu phạt. NHM cần có cái nhìn lạc quan hơn, VFF cần hạn chế can thiệp vào công việc chuyên môn, khi đó các HLV mới không bị phân tâm để dồn sức cho ĐTQG được. Còn nếu cứ thế này, trong tương lai sẽ rất khó có một HLV nội bản lĩnh và gan dạ còn hứng thú với vị trí chiếc ghế nóng tại ĐTQG, cho dù họ có được hứa hẹn với những đãi ngộ đặc biệt.
Thanh Long (TTVN)