Năm 2012 sắp khép lại với bao sự kiện buồn với bóng đá Việt Nam. Vậy bóng đá Việt ước gì cho năm 2013? Sau đây là những điều ước "siêu giản dị".
1. VFF ước gì có lãnh đạo am hiểu bóng đá
Điều ước này giản dị không? Quá giản dị. Giản dị đến mức nó phải là điều hiển nhiên. Nhưng vẫn là ước mong đối với bóng đá Việt Nam. Thực ra, làm quản lý không nhất thiết là quá am hiểu chuyên môn. Nhưng dù sao, am hiểu vẫn tốt hơn, người trong nghề vẫn tốt hơn dân ngoại đạo.
2. Lãnh đạo VFF ước gì đội tuyển biết thắng trận
Chiếc ghế của lãnh đạo VFF chịu ảnh hưởng lớn nhất từ thành tích của các đội tuyển. Trước đây, không vô địch ở "ao làng" Đông Nam Á bị xem là thất bại. Sau AFF Cup 2012, chỉ cần biết thắng trận là vui lắm rồi. Năm 2013, đội U23 sẽ dự SEA Games ở Myanmar.Với Công Vinh và Văn Quyến, chuyện học hành chỉ là bất đắc dĩ.
3. Đội tuyển ước gì có huấn luyện viên
Sau khi ông Phan Thanh Hùng từ chức, chiếc ghế HLV vẫn để trống. Thời buổi kinh tế khó khăn, thuê HLV ngoại, trả vài trăm triệu một tháng thì xa xỉ quá. Mà chắc gì đã thành công, như trường hợp của Falko Goetz. Suy luận một cách bi quan, kiểu gì chả thất bại, trả nhiều tiền làm gì cho phí. Các HLV nội thì ai cũng lắc đầu. Rõ khổ.
4. Huấn luyện viên ước gì cầu thủ nghe lời
Đừng tưởng cứ làm HLV là có "quyền sinh, quyền sát" như Sir Alex Ferguson ở M.U. Ở bóng đá Việt Nam, có nhiều HLV giỏi chiến thuật lắm (am hiểu cả tiki-taka), nhưng khổ nỗi cầu thủ lại không chịu nghe lời. Mà nói đâu xa, điển hình là vụ danh sách "cừu đen" ở AFF Cup 2012. Danh sách hiện vẫn bí mật. Không chịu "bật mí" tức là nó sẽ càng dài ra.
5. Cầu thủ ước gì "thất học", có CLB để đá
Một dự đoán: Trong tương lai gần, có thể phải mở thêm một trường đại học đặc biệt, phục vụ cho những sinh viên đến trường bằng xe siêu sang, từng cầm trong tay từ vài đến cả chục tỷ. Những sinh viên ấy vốn là ngôi sao của V-League một thời.
Khả năng ấy hoàn toàn có thể xảy ra. Công Vinh tỏ ra rất nghiêm túc với chuyện đi học đại học. Mới đây lại có tin Văn Quyến cân nhắc chuyện đi học. Lý do? Vì những Quả bóng Vàng của bóng đá Việt Nam một thời không được đội nào tiếp nhận. Thất nghiệp (tạm thời) thì chuyển sang đi học. Hãy tin rằng, chuyện học hành chỉ là bất đắc dĩ. Chứ có đội chịu nhận, trả lương cao, hàng loạt cầu thủ Việt sẵn sàng chấp nhận... "thất học".
6. CLB ước gì có ông bầu
Không hề hẹn trước, các ông bầu chạy khỏi bóng đá. Chạy nhanh khủng khiếp, với tốc độ mà có lẽ Usain Bolt phải ngưỡng mộ.
7. Ông bầu ước gì lãi 1 "xu" từ V-League
Một điều chắc chắn: Giới chủ nhà Glazer của M.U không đời nào mua một CLB V-League. Nhà Glazer ấy vốn chỉ biết rút tiền từ M.U. Ở Việt Nam, ông bầu chỉ biết ném tiền vào V-League. Ăn đong, ăn xổi một lúc rồi cũng hết tiền để nuôi các miếng ăn. Ở V-League, làm bóng đá là phải chấp nhận tình trạng "yêu đơn phương".
8. V-League ước gì có người hâm mộ đến sân
Đã có thời, người hâm mộ lấp kín các khán đài. Giờ thì dần dần lặng lẽ quay lưng như các cảnh éo le trong phim Hàn Quốc. Yêu đấy, hâm mộ đấy, nhưng đành giấu kín trong lòng thôi. Không đến sân, vì mất niềm tin. Chán và nản quá đấy mà. Bóng đá mà không có CĐV thì đúng là buồn. Có đội đành chọn giải pháp... thuê CĐV.
9. Người hâm mộ ước gì VFF biết làm bóng đá từ gốc
Cả tá năm, nguyên một "giáp" làm bóng đá chuyên nghiệp. Giờ suýt thành phong trào. Mà thực ra, chỉ khác là có lên hạng, xuống hạng. Chấm hết. Lỗi lớn nhất: cách điều hành của VFF. Cứ làm từ ngọn, không sụp đổ mới lạ.
10. VFF ước gì có lãnh đạo am hiểu bóng đá
...
(Theo Thể Thao Văn Hoá)