- Tiết lộ bất ngờ: Lương của Công Phượng cao hơn cả cầu thủ Bundesliga ở Nhật
- “Yokohama đã theo dõi Tuấn Anh hơn 1 năm qua”
- Tuấn Anh chắc chắn được đá chính tại CLB Yokohama
(Bongda24h.vn) – Việc Công Phượng và Tuấn Anh bắt đầu chuyến “Đông du” của mình cũng không phải chuyện gì mới mẻ, nhưng lại mở ra cơ hội lớn dành cho cá nhân hai cầu thủ này bởi niềm tin mà phía Mito Hollyhock và Yokohama FC trao cho họ là rất rõ ràng.
Chuyện bóng đá Việt Nam xuất khẩu cầu thủ không phải chuyện hiếm. Bắt nguồn từ việc Lê Huỳnh Đức chuyển tới CLB Lifan Trùng Khánh của Trung Quốc vào năm 2001, khi đó người hâm mộ môn thể thao vua tại Việt Nam đều rất háo hức bởi đây là lần đầu tiên bóng đá nước nhà sở hữu một cầu thủ sang thi đấu ở một giải đấu lớn như tại Trung Quốc. Thế nhưng sau 4 trận đấu và 1 bàn thắng, Huỳnh Đức đã lặng lẽ về nước dưới nhiều lời bàn tán, suy đoán rằng đây chỉ là thương vụ giúp Lifan bán nhiều xe máy hơn tại Việt Nam.
Tuấn Anh, Công Phượng sang Nhật thi đấu không phải vì chuyên môn |
Kể từ sau đó, một số cầu thủ Việt Nam cũng từng được xuất ngoại dưới hình thức thử việc, một số đã thành công nhưng đa phần đều phải thất bại. Nguyễn Hữu Thắng, tiền vệ trung tâm từng khoác áo Bình Dương và Ninh Bình, đã có cơ hội khoác áo LA Galaxy, đội bóng mà sau này Beckham đã đầu quân, nhưng anh không vượt qua được giai đoạn thử việc. Tiền đạo Nguyễn Việt Thắng cũng từng được sang Porto B thử sức, nhưng cũng không thành công. Hậu vệ Lương Trung Tuấn cũng từng được ra sân ở giải Thái Lan nhưng khi đó không mấy ai để ý bởi đó là thời kỳ Thai League còn đang phải học hỏi V-League. Thành công nhất có lẽ chính là Lê Công Vinh, cho dù chuyến đi đầu tiên sang Leixoes chỉ là nhờ vào sự giới thiệu của HLV Calisto. Sau đó tiền đạo gốc Nghệ An đã đầu quân cho Consadole Sapporo, cả hai chuyến đi này chỉ kéo dài 4 tháng và Công Vinh cũng chỉ có những đóng góp hạn chế dù anh không đến nỗi tịt ngòi. Kể từ đó thì mỗi khi nhắc đến chuyện cầu thủ Việt xuất ngoại, người ta đặt ngay nghi vấn đầu tiên là liệu đó có phải vấn đề về chuyên môn hay không.
Thông tin Tuấn Anh sang Nhật Bản thi đấu đã được phía HAGL xác nhận. Tuy nhiên khá bất ngờ là gia đình tiền vệ này ở Thái Bình lại không hề hay biết.
Tuy nhiên nếu nhìn vào những điểm khác biệt trong hợp đồng của Tuấn Anh và Công Phượng, chúng ta sẽ thấy đây là cơ hội quý giá để họ cọ xát và tích lũy thêm kinh nghiệm. Đầu tiên chính là việc Công Phượng hay Tuấn Anh đều không phải trải qua quá trình thử việc, đơn giản bởi cả Mito Hollyhock và Yokohama FC đều đã theo dõi bộ đôi này trong vài năm qua và họ cũng đã không ít lần ngỏ ít muốn chiêu mộ hai cầu thủ trẻ được đánh giá cao bậc nhất của Việt Nam. Tuy nhiên họ đã phải chờ đến sau khi V-League 2015 kết thúc thì bầu Đức mới để Công Phượng và Tuấn Anh ra đi. Điều đó cho thấy ý định hoàn toàn nghiêm túc của các đội bóng Nhật Bản. Họ vốn không phải một quốc gia chỉ mua cầu thủ về để mang tính thương mại. Trong đó, cả hai đội bóng Mito Hollyhock và Yokohama FC đều không chịu ảnh hưởng quá nhiều từ các nhà tài trợ vì thế mà có thể khẳng định mục đích của họ khi chiêu mộ các cầu thủ Đông Nam Á hoàn toàn nằm ở vấn đề chuyên môn.
Hơn nữa thời gian của hợp đồng cũng là một nét khác biệt bởi Công Phượng và Tuấn Anh sẽ thi đấu tại J2 tới 1 năm, trong khi những người đàn anh đi trước đều chỉ ký những hợp đồng kéo dài chừng 4, 5 tháng. Điều này một lần nữa khẳng định sự tin tưởng mà hai đội bóng của Nhật dành cho 2 tài năng trẻ đến từ mảnh đất hình chữ S. Tất nhiên việc kí hợp đồng với một cầu thủ đến từ vũng trũng của bóng đá thế giới khiến họ đứng trước một rủi ro lớn, đặc biệt là khi không trải qua quãng thời gian thử việc. Nếu như họ không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn sau 1 tháng thử việc thì CLB mượn sẽ phải đền bù số tiền lớn hơn nhiều bởi khi đó hợp đồng giữa hai bên vẫn còn tới 11 tháng.
Lãnh đạo CLB Mito Hollyhock ra sân bay đón Công Phượng |
Ngoài ra thì cả Mito Hollyhock và Yokohama FC đều hứa hẹn sẽ trao cho Công Phượng và Tuấn Anh những vị trí chính thức, trừ khi họ gặp vấn đề về thể lực. Việc được đá chính sẽ giúp cho bộ đôi này tránh được nguy cơ rơi vào trường hợp của Công Vinh khi anh thường chỉ được vào sân từ băng ghế dự bị khi còn thi đấu cho Consadole Sapporo. Tất nhiên Sapporo vẫn ở đẳng cấp nhỉnh hơn so với Mito hay Yokohama FC, chí ít là bởi đội bóng vùng Hokkaido thường xuyên có khả năng cạnh tranh cho chiếc vé lên hạng. Cần phải nhớ rằng tại V-League 2015 vừa qua có những khoảng thời gian Công Phượng còn không có tên trong danh sách chính thức. Đối với các cầu thủ trẻ, không gì quan trọng hơn là cơ hội được ra sân và học hỏi, nếu là đá chính thì càng tuyệt vời.
Chưa nói đến chuyện Công Phượng và Tuấn Anh sẽ thể hiện như nào tại J-League, nhưng với niềm tin mà họ được trao thì có thể khẳng định cả hai đều sẽ có khả năng thành công cao hơn so với những người đàn anh đi trước. Còn tiềm năng mà Công Phượng và Tuấn Anh sở hữu có thể không cần phải bàn nhiều khi họ chính là hai cầu thủ U20 được đánh giá cao nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại. Đồng thời lối chơi của họ cũng được đánh giá là rất hợp với nền tảng của bóng đá Nhật Bản. Sẽ là rất tuyệt vời nếu chúng ta chứng kiến cuộc so tài giữa hai ngôi sao trẻ của bóng đá Việt Nam trên đất Nhật ở mùa giải tới.
Hàn Phi