Chiến thuật của HLV Miura là nguyên nhân khiến bộ đôi cầu thủ trẻ xuất sắc trở nên nhạt nhòa tại đội tuyển Olympic Việt Nam.
Ngay cả khi được đặt trong môi trường thi đấu quen thuộc ở U19 Việt Nam hay HAGL, Công Phượng và Tuấn Anh không phải lúc nào cũng chơi tốt. Sau khoảnh khắc tỏa sáng bằng pha solo ghi bàn ở trận đấu gặp U19 Australia tại giải U19 ĐNA, Công Phượng gần như chìm nghỉm ở Vòng chung kết U19 châu Á. Phải chờ đến giải U21 quốc tế cuối năm 2014, anh mới tỏa sáng trở lại.
Còn Tuấn Anh, kể từ khi trở lại với đầu gối băng trắng và bị kéo xuống đá thấp ở khu trung tuyến, ngày càng ít thể hiện những pha đi bóng kỹ thuật mà nhờ nó tiền vệ người Thái Bình có biệt danh “Ronaldinho Việt Nam”. Thế nên việc cặp đôi nêu trên không thể hiện được mình trong màu áo U23 Việt Nam sẽ là điều bình thường nếu đặt trong quá trình phát triển của các cầu thủ trẻ. Vì ở độ tuổi của họ, khó có thể đòi hỏi sự ổn định và tỏa sáng liên tục trong mọi trận đấu.
Công Phượng và Tuấn Anh đóng vai trò quan trọng tại U19 Việt Nam và HAGL |
Nhưng điều không bình thường nằm ở chỗ, ở U19 Việt Nam hay HAGL, Công Phượng và Tuấn Anh đóng vai trò không thể thay thế. Phong độ có thể lên hoặc xuống, kết quả thi đấu có thể thắng hay bại, song bộ đôi cầu thủ trẻ xuất sắc luôn để lại ấn tượng sâu đậm với những kỹ năng đặc biệt của họ.
Điều đó đã và đang không diễn ra ở Olympic Việt Nam. Tuấn Anh chưa đá trọn vẹn 90 phút lần nào, còn Công Phượng mang đến hình ảnh bất lực với những pha đi bóng rồi… để mất. Nếu HLV Miura được phép triệu tập lứa cầu thủ sinh năm 1992 như Hồng Quân, Hoàng Thịnh hay Huy Hùng…, không ai dám nói chắc về vị trí chính thức của bộ đôi cầu thủ HAGL.
Chia sẻ của các thành viên đội bóng phố Núi về sự khó khăn khi được đặt vào môi trường mới trong những ngày đầu tập trung đội tuyển Olympic đang trở nên hiện hữu. Không tính tới sự thiếu ăn ý với đồng đội đến từ các CLB khác, Công Phượng và Tuấn Anh đang gặp vấn đề với phong cách chơi bóng hoàn toàn xa lạ với họ.
Lối đá chặt chẽ bắt đầu từ hàng tiền vệ và phất bóng lên cho các tiền đạo xử lý của HLV Miura chỉ phù hợp với những cầu thủ giàu sức càn lướt. Với những cầu thủ được đào tạo theo phong cách kỹ thuật như lứa “gà nòi” của bầu Đức, chiến thuật đó không khác gì một sự đánh đố. Trong khi HLV Miura chú trọng đến tốc độ, nhịp điệu quen thuộc trong lối chơi của các cầu thủ trẻ HAGL khá chậm rãi. Cự ly 3 tuyến luôn được giữ gần nhau để triển khai những miếng phối hợp.
Và khi nhà cầm quân người Nhật đặt ra yêu cầu các học trò của ông cần nỗ lực để chiến thắng trong những pha tranh chấp 50/50, điều đó cũng là sự khác biệt nữa với triết lý cầm bóng tấn công là cách phòng ngự hiệu quả nhất mà Công Phượng, Tuấn Anh được đào tạo.
Mỗi HLV có quan điểm riêng về lối chơi. Ông Miura vẫn trung thành tuyệt đối với cách xây dựng đội tuyển Olympic và đội tuyển Việt Nam, 2 mô hình mang đến thành công cho nhà cầm quân người Nhật năm 2014. Nhưng việc ấn định mô hình đó vào đội ngũ cầu thủ gần như thay đổi toàn bộ đang cho thấy sự bất cập.
Bầu Đức từng muốn lứa “gà nòi” của ông cùng lên tuyển và chơi bóng cạnh nhau. HLV Graechen cũng chia sẻ về việc không nên xé lẻ lứa cầu thủ khóa 1 Học viện HAGL Arsenal JMG. Những người hiểu Công Phượng, Tuấn Anh nhất chính là những người biết rõ vì sao họ đang dần "biến mất".
Công Phượng, Tuấn Anh cùng đồng đội từng vượt qua U19 Thái Lan ở bán kết giải U22 ĐNA (Hassanal Bolkiah Trophy), từng hạ gục U21 Thái Lan tại giải U21 quốc tế năm 2014. Nhưng trong trận đấu diễn ra tối ngày 22/3, câu trả lời của họ là sự bất lực trước Olympic Thái Lan. Đi kèm sự mất hút đó là cảm giác tiếc nuối khó diễn tả thành lời khi chính cổ động viên Thái Lan giương lên băng rôn: "Chúng tôi chờ đợi U19 Việt Nam".
Xem thêm bóng đá Vietj Nam
Theo Zing