Sau khi chứng kiến màn trình diễn tuyệt vời của tiền đạo Công Phượng cùng lứa U19 Việt Nam trong năm 2014, NHM đã rất kỳ vọng vào việc Công Phượng sẽ được sang châu Âu thi đấu hoặc ít nhất là những đội bóng mạnh của Hàn Quốc và Nhật Bản. Thực tế, phía HAGL từng tiết lộ rằng Công Phượng đã được một số đội bóng tại K-League và J-League liên hệ, tuy nhiên họ vẫn muốn giữ tiền đạo gốc Nghệ An làm nòng cốt cho CLB HAGL chinh chiến tại V-League 2015. Đến thời điểm hiện tại, khi HAGL đang ngày càng lún sâu vào vũng bùn và lộ rõ những sự non nớt thì những tin đồn về việc Công Phượng nên ra nước ngoài thi đấu lại nổi lên, đặc biệt là sau SEA Games 28. Vấn đề càng trở nên được quan tâm hơn với việc một số tờ báo của Thái Lan sau khi chứng kiến khả năng của một số cầu thủ trẻ tại giải đấu đó, đã lựa chọn ra những cái tên xuất sắc nhất để giới thiệu cho các đội bóng tại TPL, trong đó có Nguyễn Công Phượng. Tuy nhiên so với việc đặt câu hỏi, nên hay không nên, trước tiên chúng ta cần đặt câu hỏi, có thể hay không thể.
Thứ nhất, các đội bóng tham gia thi đấu tại TPL đều được đăng kí tối đa 5 ngoại binh, trong đó tối thiểu 1 cầu thủ có quốc tịch của các nước thuộc liên đoàn bóng đá châu Á (AFC). Ở mùa giải 2015, có thể thấy hầu hết các đội đều sử dụng đúng 1 cầu thủ châu Á, trong đó thường là các cầu thủ của Nhật Bản, Úc hay những đội mạnh khác ở châu lục. Cũng có một số đội bóng thuê các cầu thủ thuộc khu vực ASEAN tuy nhiên tất cả đều là những người có gốc gác châu Âu hay Nam Mỹ. Cơ hội dành cho ngoại binh gốc Đông Nam Á được thi đấu tại TPL gần như là số 0.
Ngay cả nếu xét về mặt chuyên môn, người ta vẫn nghi ngờ khả năng Công Phượng sẽ lọt vào mắt xanh của các đội bóng Thái Lan. Trước tiên là phong độ phập phù của cầu thủ này trong màu áo HAGL cũng như đội tuyển Olympic Việt Nam. Cầu thủ 20 tuổi này có thể khiến hàng phòng ngự của Hà Nội T&T với tuyển thủ quốc gia Trinidad và Tobago như Cyrus phải xoay như chong chóng, nhưng lại trở nên quá cùn và dễ bị bắt bài trước những hậu vệ còn non trẻ và kém tuổi hơn mình như ở trận đấu gặp CAND. Ở một giải đấu có tính cạnh tranh cao như TPL, chắc chắn họ không muốn tạo điều kiện cho những cầu thủ có phong độ như đồ thị hình sin, đặc biệt là khi đó là một cầu thủ ngoại quốc.
Tuy nhiên chúng ta không thể buột miệng mà nói ngay Công Phượng của HAGL không thể đến TPL, hay thậm chí là K-League hay J-League. Vẫn có những khả năng các đội bóng này bỏ qua những vấn đề về chuyên môn để tập trung vào việc quảng bá và xây dựng hình ảnh ở một thị trường mới. Hay nói một cách suồng sã là mua về để bán áo đấu. V-League từng được coi là giải đấu hấp dẫn nhất Đông Nam Á ở cái thời mà hàng loại tuyển thủ quốc gia Thái Lan đổ bộ đến giải đấu danh giá nhất của Việt Nam. Có thể kể đến những Dusit, Thonglao, Chaiman hay Kiatisuk. Khi ấy V-League trở nên nổi tiếng khắp khu vực và kéo theo được lượng người quan tâm không nhỏ từ Thái Lan. Hiện tại người Thái hoàn toàn có thể làm điều tương tự với cầu thủ trẻ nổi tiếng nhất ở làng bóng đá Việt Nam hiện tại. Nếu như họ biết được độ cuồng của các CĐV dành cho Công Phượng hay từ khóa “Công Phượng” hiện nay giờ hot như thế nào tại mảnh đất hình chữ S, thì chắc chắn họ sẽ không ngần ngại bỏ ra một suất ngoại binh dành cho ngôi sao gốc Nghệ An này.
Thậm chí, với những lý do ở trên, khả năng Công Phượng sẽ được đến chơi tại J-League là không nhỏ, đặc biệt là các đội bóng ở J2, tương đương với giải hạng Nhất ở Việt Nam. Tiền bối của Nguyễn Công Phượng, Lê Công Vinh cũng từng có thời gian thi đấu khá thành công tại J2 trong màu áo Consadole Sapporo. Công Vinh cũng chỉ chơi 9 trận trong màu áo đội bóng vùng Hokkaido này và ghi được 2 bàn thắng. Sau quãng thời gian ngắn ngủi ở đây, mỗi người dân tại Hokkaido nếu nghe về Việt Nam, hẳn sẽ nhắc đến cái tên Lê Công Vinh đầu tiên. Mối quan hệ giữa Consadole Sapporo và phía Việt Nam cũng khá tốt khi cuối năm ngoái, 3 cầu thủ của U17 Đồng Tâm Long An đã được sang thử việc trong thời gian ngắn cùng đội U18 Consadole Sapporo. Công Phượng hoàn toàn có thể trở thành một Lê Công Vinh thứ hai. Tuy nhiên, với một cầu thủ còn trẻ như Công Phượng, khả năng anh được ra sân là rất ít và nếu có thể, cũng chỉ là từ băng ghế dự bị trong vài phút ngắn ngủi mỗi trận đấu. Với Công Vinh, anh đã có cả một bài học lớn từ chuyến tập huấn tại Leixoes, đội bóng của Bồ Đào Nha.
Người Indonesia thường rất tự hào khi họ là quốc gia đầu tiên có một cầu thủ thi đấu tại J1, đó là Irfan Bachdim của Vissel Kobe. Tuy nhiên trong suốt quãng thời gian gắn bó với đội bóng vùng Kansai này, Irfan không có một trận đấu nào được thi đấu ở những giải đấu chính thức. Anh đã phải chuyển đến Consadole Sapporo ở J2 đầu mùa giải này, nhưng khi mùa bóng đã đi qua nửa chặng đường, cầu thủ sinh ra tại Hà Lan này chỉ có 4 lần ra sân và đều từ băng ghế dự bị.
Như vậy, chuyện Công Phượng với cơ hội sang thi đấu ở Thái Lan hay các nền bóng đá tiên tiến khác trong tương lai gần có thể chốt lại bằng một câu: Nếu có thể, cũng không nên.
Hàn Phi