- Văn Toàn: Từ “kép phụ” thành cứu cánh của Công Phượng
- Công Phượng: Ích kỷ có giới hạn thôi!
- HLV Miura: Công Phượng cần dứt điểm tốt hơn
Nhiều người đã lên tiếng chê trách Công Phượng vì lối đá cá nhân trước đối thủ U23 Uzbekistan. Nhưng như thế có công bằng cho tiền đạo số 10?
Ích kỷ, đó là từ mà người ta dành cho Công Phượng sau ngày thứ 7 vừa qua. Quả thực tiền đạo xứ Nghệ đã trải qua một trận đấu đáng thất vọng. Không bàn thắng, không đường kiến tạo, dấu ấn mà anh để lại chỉ là hai pha dứt điểm bất thành.
Trong suốt 90 phút, nhiều lần thay vì tìm cách chuyền cho đồng đội, Phượng lại tìm cách rê dắt và rồi để đối phương cướp được bóng. Thậm chí, một số người còn đi xa hơn, cho rằng giữa anh và phần còn lại của U23 Việt Nam có những sự tách biệt.
Công Phượng và Văn Toàn sau trận đấu với U23 Uzbekistan |
Nhưng thực sự thì Công Phượng ích kỷ đến đâu? Một CĐV chia sẻ: “Lúc gần cuối trận Tuấn Anh bị cầu thủ đội bạn phạm lỗi nguy hiểm phải nằm sân, Công Phượng lập tức lao vào huých mạnh như muốn ăn thua đủ với tên đó. Trọng tài thổi còi rồi, Quế Ngọc Hải phải chạy ra ngăn Phượng lại. Người như thế khó mà tin lại ích kỷ được”.
Ngay đến các đồng đội cũng không hề phàn nàn về Công Phượng. Quế Ngọc Hải từng nói: “Về chuyện Công Phượng, tôi cam đoan không có gì bất thường, không ai cô lập ai. Thậm chí cả đội đều đánh giá cao sự có mặt của cậu ấy. Công Phượng có tốc độ, khả năng đi bóng lắt léo và có thể thay đổi cục diện trận đấu trong tích tắc. Đây chắc chắn là thứ vũ khí nguy hiểm của đội tuyển U23 Việt Nam”.
Vậy thì hãy thử nhìn sự việc theo một hướng khác: Công Phượng vẫn đang “lạc” giữa 2 lối đá của Graechen và Miura. Tại U19 Việt Nam trước đây và HAGL hiện tại, tiền đạo xứ Nghệ được xếp chơi tự do. Chiến thuật của HLV Graechen thiên về kiểm soát, khi Công Phượng cầm bóng, xung quanh có sẵn các đồng đội dâng lên để phối hợp.
Ở U23 Việt Nam, tốc độ được ưu tiên. Công Phượng do chưa hoàn toàn nắm bắt được sự di chuyển của các đồng đội mới nên đường chuyền còn sai sót. Trên thực tế, trong cả 2 lần có điều kiện quan sát và nhả bóng sang cánh phải, tiền đạo xứ Nghệ đều châm ngòi cho tình huống nguy hiểm.
Pha bóng thứ nhất dẫn đến cú volley tuyệt đẹp của Huy Toàn. Tình huống còn lại anh tạo điều kiện cho đồng đội dứt điểm rất căng làm thủ môn đội bạn gặp khó. Khi phải thay đổi lối chơi của bản thân mình, đối tượng khó thích nghi nhất thường là cầu thủ tấn công. Bởi họ là những người có cá tính, phong cách khác biệt không dễ gì lay chuyển.
Với Công Phượng, các thay đổi này lại trùng với thời gian anh cố gắng đi từ “tài năng trẻ” lên thành “cầu thủ ngôi sao”, khó khăn dường như tăng gấp đôi. Đôi lúc, mọi người vì quá kỳ vọng mà muốn tiền đạo xứ Nghệ phải “biến hình” ngay lập tức. Chỉ cần Công Phượng chơi không tốt là lập tức rơi vào vòng xoáy chỉ trích. Họ quên mất rằng cái mà cầu thủ của HAGL cần nhất chính là thời gian cùng sự kiên nhẫn.
Không kiên nhẫn, Calisto đã “ném” Công Vinh lên băng ghế dự bị, đâu để cho anh có cơ hội tỏa sáng ở AFF Cup 2008 sau 5 trận liền tịt ngòi. Còn Tottenham đã cũng bán Bale đi từ lâu khi còn là một hậu vệ cánh yếu ớt. Và như vậy sẽ chẳng có cầu thủ trị giá 100 triệu euro sau này.
Nếu Công Phượng đủ sức đạt đến tầm cỡ mà chúng ta mong chờ, hãy để anh có không gian để phát triển. Ngược lại, giả sử trình độ tiền đạo xứ Nghệ chỉ có thế. Sao ta phải mất thêm thời gian để chỉ trích?
Theo Soha