Thứ Hai, 24/06/2024Mới nhất
Zalo

Chuyên môn có khi chỉ để tham khảo

Thứ Năm 02/08/2012 16:47(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Giải chỉ còn 3 vòng, những yếu tố gì quyết định đến thành tích cả mùa? Dĩ nhiên, cầu thủ vẫn là những nhân vật chính trên sân, mà nhiều khi HLV muốn họ đá theo ý mình cũng chịu. Những cầu thủ đang hết hợp đồng, hoặc đã “ký nháy” với đội khác càng khó bảo. Họ phải giữ chân cẳng để bảo vệ giá trị hợp đồng chuyển nhượng.

1. Theo tiền lệ, những trận cuối mùa là thời điểm làm ăn của cầu thủ. Họ có quyền “chảnh” để buộc lãnh đạo phải bung tiền ra thưởng. Năm nay, không có trận play-off nên mức độ làm reo để kiếm tiền thưởng với lãnh đạo được dự đoán là dâng cao.

Đội nào càng gần cửa tử, hoặc muốn lọt vào tốp 4 để báo cáo thành tích, càng phải chi đậm. Không chỉ cho đội mình, còn phải “mưa móc” cho những đối thủ đã trụ hạng, hết động lực mỗi lần chạm trán.

Những trận đấu ở giai đoạn cuối mùa giải càng ngày càng trở nên khó dự đoán
Những trận đấu ở giai đoạn cuối mùa giải càng ngày càng trở nên khó dự đoán

Nếu đón tiếp không tử tế, ngộ nhỡ họ cắn răng ra đá, thiệt đơn thiệt kép. Ngay cả Hải Phòng dù đã rớt hạng thì họ vẫn còn có quyền lực. Thanh Hóa mới đây nếm mùi thất bại cay đắng, chẳng qua do chọc giận thầy trò HLV Lê Thụy Hải.

Xem ra, với bóng đá ta, tiền thưởng vẫn là quyết định đến thành bại, nhất là lúc này. Có tiền thưởng càng cao, cầu thủ chắc chắn sẽ hưng phấn. Năm ngoái, Hải Phòng sau khi treo thưởng 10 tỷ cho 4 trận cuối đã trụ hạng một cách ngoạn mục. Năm nay, nếu họ bung tiền sớm, chơi đẹp với cầu thủ như tiền lệ, dễ chừng họ đã đứng trên những K.KH, K.KG, TĐCS.ĐT. Đơn giản vì Hải Phòng từ năm ngoái trở về trước có nhiều tiền, dám vung tay bạt mạng.

Có điều, cầu thủ Hải Phòng sau đó cũng bảo rằng họ không được nhận như những gì đã treo thưởng. Vậy thì, những con số khủng chui vào túi ai? Liệu, 2 trọng tài Văn Quyết, Công Trọng có được chút “mưa móc” nào, khi bị cho là đã góp công sức lôi đội bóng đất Cảng ra khỏi vũng bùn để rồi bị loại ra khỏi đời sống bóng đá?

2. Trong quá khứ, trọng tài rất thích được cử bắt những trận cầu “thơm”. Khái niệm “thơm” để chỉ ở những sân đó, các đối thủ thường máu mặt và chơi sộp với trọng tài. Chỉ cần tranh thủ được tình cảm một bộ phận trọng tài mất chất vài ba trận quyết định, sẽ xoay chuyển thành tích cả mùa.

“Bắn” trọng tài vẫn là phương thức cổ điển và hữu dụng nhất. Năm nay, 3 vòng cuối vẫn chưa dám tin tình trạng trọng tài bị các thế lực dùng tiền “bắn thủng”, làm đảo ngược kết quả trận đấu đã chấm dứt.

Chưa bao giờ nỗi ám ảnh mang tên trọng tài lớn như lúc này. Tất nhiên phải hy vọng, tin tưởng, cũng như ban Trọng tài phải tin họ dù vẫn không khẳng định đã kiểm soát được quân của mình. Khi đội bóng dám chi cả tỷ đồng để mua lòng quân, thì họ hoàn toàn có thể vung tiền để tranh thủ tình cảm của “vua sân cỏ”.

Bóng đá ta vẫn chưa thoát được những rào cản tình cảm, ân tình. Ngoài tiền, đội nào có quan hệ tốt cũng chiếm tiên cơ ở thời điểm này. Quan hệ tốt, dĩ nhiên phải khởi phát từ nhiều năm trước đó.

Bóng đá ta dù mang tiếng chuyên 12 năm, nhưng những đội chơi dây với nhau vẫn còn. Khi BTC vẫn chưa thể phạt nặng các trận đấu ân tình vì thiếu bằng chứng, thì nguy cơ đá cuội vẫn ám ảnh trong 3 vòng cuối giải. 2 mùa giải trước, những “vở kịch” ở đoạn kết làm nhức nhối trong sự bất lực của BTC. Lịch sử V-League chưa xa cũng từng có chuyện dư luận đồn thổi N.SG được cứu bằng những quy định lên xuống hạng vô cùng rối rắm khiến các đội hoang mang và cảm thấy không công bằng.

Tóm lại, 3 vòng cuối không đơn thuần chỉ đá trên sân. Chuyên môn có khi chỉ để tham khảo, nghe có vẻ vô lý nhưng thực tế là vậy. SHB.ĐN sau một loạt chiến thắng huy hoàng, đã chết “trên cái ao” Kiên Giang. Chưa biết đội bóng này còn trình diễn sự thất thường đến đâu.

Trong bối cảnh bức tranh chưa chuyên nghiệp, chỉ có một con đường để tiễu trừ tiêu cực, giúp sân cỏ từng bước sạch sẽ: người của BTC giải, VPF và VFF phải sạch trước!

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X