Đã mới có thêm ít nhất một ngoại binh nhập tịch nữa trong danh sách đăng ký giai đoạn 2 của V-League 2012. Đó là Lê Văn Phú (Issifu Ansah), trung vệ người Ghana đã chơi cho K.KH từ hơn nửa thập niên qua. Từ vòng 12 V-League 2012, K.KH nghiễm nhiên được chơi với 5 “Tây” trong đội hình, khi trước đó họ đã có Lê Văn Tân (Jonathan Quartey).
Tức là sau rất nhiều những kêu ca về sự bất công giàu nghèo, sau cả những lời hứa, cùng tuyên bố của các ông chủ về việc hạn chế nhập tịch và sử dụng ngoại binh nhằm phát triển nguồn nội lực, mọi chuyện vẫn “vũ như cẫn”. Cả Lê Văn Tân và Lê Văn Phú đều nhập tịch theo họ của Chủ tịch K.KH, ông Lê Tiến Anh, một trong những ông bầu đi đầu trong việc thành lập VPF và chuẩn hóa các giải bóng đá chuyên nghiệp VN. Vậy mới đáng nói!
Đoàn Văn Sakda (trái) và Kesley Huỳnh Alves, 2 ngoại binh trở thành cầu thủ nội theo 2 cách nhập quốc tịch khác nhau ở VN: đủ 5 năm chơi bóng (với Sakda) và kết hôn (với Kesley)
Bất cập
Kể từ vụ nhập tịch đầu tiên Fabio Santos (Phan Văn Santos), hơn 5 năm sau, đã có thêm rất nhiều những hồ sơ xin nhập tịch được thông qua. Nhưng, cũng trong khoảng thời gian đó và tính cả tương lai gần, đầu ra với đỉnh cao là các ĐTQG không có kế hoạch sử dụng “Tây” nhập tịch. Việc nhập tịch ngoại binh không những không đem lại lợi ích quốc gia, mà còn hạn chế sự phát triển của nguồn nội lực. Đấy là điều ai cũng thấy. Vậy tại sao cứ nhập tịch và điều này có lợi cho ai?
Cho một nhóm người, đầu tiên là các ông chủ đội bóng, trong việc gia tăng sức mạnh cho CLB trong cuộc chạy đua thành tích. Đó cũng là một cách khẳng định vị thế. Há chẳng phải phần lớn các ông chủ đều đã khẳng định rằng họ đến với bóng đá vì đam mê, vì muốn đóng góp cho bóng đá nước nhà đó sao?! Chẳng ai nói là vì tiền hay vì danh cả. Các ông chủ bóng đá VN cấp CLB mới là những “tay chơi” đích thực. Sau các ông chủ, bộ phận những người hưởng lợi khác là cấp dưới của họ và dĩ nhiên phải là các ngoại binh.
Hơn 10 năm bóng đá VN lên chuyên, những người điều hành nền bóng đá vẫn chưa đưa ra được một định hướng hay ít nhất là chế tài cụ thể nào trong việc nhập tịch cũng như sử dụng ngoại binh nhập tịch.
Và phí phạm
Ngay lúc này, hiếm một ai biết được phí ký hợp đồng (lót tay) và mức lương của Kesley Huỳnh Alves nhận được ở Sài Gòn FC là bao nhiêu? Chỉ một lần bóng gió, GĐĐH kiêm nhà môi giới của đội bóng này, ông Trần Tiến Đại, nói rằng đội bóng đã ký thêm rất nhiều các bản hợp đồng giá rẻ khác (từ nội đến ngoại) để cân đối quỹ lương cho đội bóng với những siêu hợp đồng như Kesley Huỳnh Alves hay Nguyễn Rogerio. Ước tính chàng rể Việt Nam nhận trên dưới 20.000 USD/tháng, còn Nguyễn Rogerio thấp hơn chút đỉnh.
Có hẳn những thỏa thuận ngầm giữa đội bóng và cầu thủ người nước ngoài trước khi tiến hành làm hồ sơ xin nhập tịch. Phí lót tay cũng như lương thưởng chắc chắn phải cao hơn nhiều so với một ngoại binh thông thường. Đấy là đương nhiên! Với chừng ấy những đóng góp (cho cả sự phát triển của V-League chứ chẳng riêng gì Sài Gòn FC), Kesley Huỳnh Alves quả rất xứng với đồng tiền bát gạo. Chỉ có điều, những ngoại binh nhập tịch đạt được đến đẳng cấp, cùng ý thức nghề nghiệp nghiêm túc như Kesley, liệu có mấy người?
Với trên dưới 20 “Tây” nhập tịch đang chơi bóng ở V-League và giải hạng Nhất, chúng ta đang tốn rất nhiều tỷ đồng cho việc trả lương mỗi tháng, thay vì dùng số tiền đó đầu tư cho đào tạo trẻ cũng như chiến lược phát triển nền bóng đá về lâu về dài.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)