Cứ như một phản xạ có điều kiện, hễ có ông bầu nào cảm thấy phiền lòng, có thể là với VFF, với CLB khác hoặc với cầu thủ, là lập tức lời đe doạ rút khỏi bóng đá lại được đưa ra. Nhưng số ông bầu doạ chia tay bóng đá thì nhiều, còn số thực sự làm được như lời nói lại chẳng có mấy, chưa kể tới việc có không ít ông bầu còn bị xem là thủ phạm góp phần kéo tụt sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam bằng những chiêu trò chẳng giống với bất cứ nền bóng đá nào trên thế giới.
Điểm qua lịch sử 12 năm chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam, những ông bầu có đóng góp thực sự giá trị cho nền bóng đá chỉ đếm chưa hết một bàn tay, còn phần lớn là những người đến với bóng đá bằng những kế hoạch ngắn ngày, không hề nhìn thấy sự phát triển lâu dài trong tương lai, chẳng hạn như đầu tư để xây dựng hệ thống đào tạo trẻ, tạo sự liên hệ và gắn kết giữa đội bóng với cộng đồng dân cư nơi trú quân…Sau bầu Thụy, đến bầu Trường dọa bỏ bóng đá
Bầu Trường hay GĐĐH Phạm Văn Lệ có thể bức xúc và tức giận với hành vi bị xem là “nổi loạn” của các cầu thủ V.NB, nhưng liệu họ có thử tự đặt mình vào vị trí của các cầu thủ dưới quyền để suy nghĩ xem họ đã và đang trải qua cảm giác như thế nào khi đã 3 tháng liên tiếp chưa nhận được đồng lương nào, còn lãnh đạo đội bóng thì chỉ hứa khan hứa vãn ngày này qua ngày khác.
Chẳng thà lãnh đạo V.NB nói thẳng với cầu thủ rằng tình hình tài chính của CLB đang rất khó khăn nên cầu thủ tạm thời kiên nhẫn chờ đợi thì có lẽ câu chuyện đã khác, đằng này, ngày lại qua ngày mà lời hứa vẫn không được thực hiện thì làm sao cầu thủ giữ được niềm tin?
Tất nhiên, không ai có thể ủng hộ cách làm của các cầu thủ V.NB, bởi hễ cứ đội bóng nào bị chậm lương thưởng mà cũng xảy ra tình trạng như vậy thì không biết V-League và giải hạng Nhất sẽ biến ra thành cái dạng gì?!
Nên nhớ rằng trong trường hợp xấu nhất mà các ông bầu quyết định chia tay bóng đá thì cũng có thể coi như là họ bỏ qua một thú vui, hoặc cùng lắm là chịu lỗ một khoản đầu tư, nhưng với cầu thủ, đá bóng chính là “nồi cơm”, là nguồn sống của họ, nên khi cảm thấy độ tin cậy trong lời hứa của lãnh đạo đội bóng không cao thì khó lòng yêu cầu họ phải hành xử một cách chuyên nghiệp và chuẩn mực.
Người ta vẫn nói: “Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác”, có lẽ phải tới lúc các ông bầu rơi vào hoàn cảnh phá sản, thực sự trắng tay thì họ mới thấu hiểu cho hoàn cảnh của các cầu thủ chăng?
Hơn nữa, các ông bầu suy cho cùng đều là doanh nhân, mà đã là doanh nhân thì lợi nhuận bao giờ cũng là mục tiêu tối thượng, nên nếu ông bầu nào bảo rằng họ đến với bóng đá chỉ bằng tình yêu và sự hâm mộ đơn thuần thì e cũng khó tin lắm lắm.
Khi các ông bầu quyết định đầu tư vào bóng đá thì hẳn họ đều sẽ nhận được hoặc đã nhìn thấy một lợi ích nào đấy, nên hễ cứ có vấn đề gì trái ý hay phiền lòng là không ít ông bầu lại buông ra lời đe doạ sẽ từ bỏ bóng đá thì nghe chừng không thật sự công bằng với bóng đá cho lắm, vì trên đời này làm gì có chuyện ai cho không ai cái gì?!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)