Thứ Bảy, 28/12/2024Mới nhất
Zalo

Chuyện AFF Cup: Nhập tịch hay không nhập tịch?

Thứ Bảy 24/11/2012 11:11(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Khá ngẫu nhiên là trong số 6 đội bóng mạnh ở giải lần này thì có 3 đội bóng sử dụng cầu thủ thuần chủng là Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, còn 3 đội khác là Singapore (5 cầu thủ nhập tịch), Philippines (16), Indonesia (4) lại tiếp sức bằng nguồn ''máu ngoại''. Liệu ngôi vô địch sẽ thuộc về phe nào trong 2 nhóm nêu trên?

Nhập tịch không đồng nghĩa với thành công

Việc Singapore 2 lần giành chức vô địch với dấu ấn rõ rệt của các cầu thủ ngoại đã khởi nguồn cho cuộc đua nhập tịch ở khu vực. Trước khi Singapore nhập tịch cầu thủ thì ĐT Indonesia hay Philippines đều dựa vào những cầu thủ đang sinh sống và thi đấu ở trong nước.

Tuy nhiên, từ vài năm trở lại đây, các đội này thi nhau nhập tịch cầu thủ, bất kể có nguồn gốc Đông Nam Á hay không (như Indonesia từng nhập tịch cầu thủ Gonzalez người Uruguay và sắp tới có thể đưa một số cầu thủ gốc Nigeria vào ĐTQG). Thậm chí, đội Đông Timor từng gây sốc khi lấy luôn cả một nhóm cầu thủ gốc Brazil để đại diện cho màu cờ sắc áo của mình ở SEA Games 26 và Vòng loại AFF Cup 2012.

 

Việc nhập tịch cầu thủ có điểm hay là có thể giúp nâng cao thành tích ĐTQG một cách nhanh chóng. Như trường hợp đội Đông Timor khó có thể mơ đến chuyện cạnh tranh vé vào bán kết SEA Games nếu không có những cầu thủ gốc Brazil như Almeida, Rangel...

Còn Philippines cũng đang tuyên bố sẽ giành ngôi vô địch AFF Cup lần này bằng một dàn cầu thủ không giống người Đông Nam Á chút nào. Hoặc với ĐTVN, khi có thêm những cầu thủ như Đinh Hoàng La, Huỳnh Kesley... đã chơi hay hơn hẳn và thắng cả Olympiakos rồi Kuwait trên sân khách.

Thế nhưng, không phải đội nào nhập tịch cầu thủ cũng có thể đạt được thành công nhanh chóng. Nhập tịch cầu thủ cũng kèm theo vô số vấn đề phát sinh như chuyện đoàn kết nội bộ hay màu cờ sắc áo là vấn đề không nhỏ. Như thủ môn Phan Văn Santos từng hát nhầm quốc ca Brazil trong lần khoác áo ĐTVN gặp Olympic Brazil ở sân Mỹ Đình hoặc khi chán thì anh này kiếm cớ gia đình có việc để xin về nhà ngay...

Ngay trong đội Philippines cũng tồn tại không ít vấn đề với đội quân "liên hợp quốc'' của mình. Đã có không ít lần HLV Michael Weiss phải đứng ra phân xử giữa hai nhóm cầu thủ gốc Philippines do Caligdong đứng đầu với nhóm nhập tịch do anh em nhà Younghusband đại diện.

Việc sinh sống và trưởng thành dưới những nền văn hóa khác nhau đã khiến không ít cầu thủ có cách suy nghĩ, hành động trái ngược và đó là nguồn gốc của mất đoàn kết. Trong một môn thể thao đề cao yếu tố tập thể như bóng đá thì mất đoàn kết cũng đồng nghĩa với thất bại.

Ưu thế thuộc về nhóm không nhập tịch

Trong hai nhóm nhập tịch và không nhập tịch kể trên, rõ ràng ưu thế thuộc về nhóm không nhập tịch khi cả Thái Lan, Malaysia và Việt Nam đang được coi là những ứng cử viên hàng đầu của ngôi vô địch AFF Cup lần này. Thái Lan đang sở hữu những cầu thủ có chất lượng hàng đầu khu vực (Teerasil Dangda, Datsakorn Thonglao, Arthit Sunthornphit...) cùng một HLV giàu kinh nghiệm như Winfried Schaefer nên xứng đáng được coi là ứng cử viên số 1.

Malaysia cũng có thế mạnh riêng với dàn cầu thủ từng giành 3 chức vô địch khu vực liên tiếp và thường chơi hay ở những trận quyết định với sự quái chiêu của ''thầy phù thủy tóc bạc'' Rajagobal. Còn ĐTVN thì luôn là ứng cử viên cho ngôi vô địch ở những giải gần đây và với sự tiến bộ trong thời gian qua thì người ta cũng có lý do để đặt niềm tin vào thầy trò HLV Phan Thanh Hùng.

Nếu ngôi vô địch thuộc về 1 trong 3 đội bóng trên thì đó sẽ là nguồn cổ vũ cho những đội muốn đi lên bằng nội lực và duy trì bản sắc riêng của mình. Và ngược lại, nếu đội quân nhập tịch giúp đội nào đó giành chức vô địch thì có thể sẽ tái khởi động cho trào lưu nhập tịch mới của bóng đá khu vực.

(Theo VTC)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X