Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

Chống bạo lực ở V-League: Tiền hậu bất nhất

Thứ Bảy 01/03/2014 17:39(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Trong khi VPF đòi hỏi phải xử thực nghiêm lối đá bạo lực thì người phụ trách Ban trọng tài là ông Nguyễn Tấn Hiền vẫn chưa đánh giá đúng mức độ của việc này. Điều đó lý giải tại sao các trọng tài vẫn còn chưa quyết liệt khi xử lý bạo lực…

Bạo lực leo thang

Ngay đến quyền chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cũng đã thay đổi cái nhìn đối với bạo lực sân cỏ. Không lâu sau khi nêu quan điểm “đừng cường điệu hóa bạo lực ở V-League!”, ông Dũng đã trực tiếp chỉ đạo trưởng Ban kỷ luật Nguyễn Hải Hường phải xử thật nghiêm Đình Đồng, bởi theo ông Dũng đấy là tình huống đạp giò đối thủ không thể chấp nhận được.

Ngay đến những người làm luật cũng chưa chắc nhận thức đúng mức độ bạo lực tại V-League
Ngay đến những người làm luật cũng chưa chắc nhận thức đúng mức độ bạo lực tại V-League

Thế nhưng, người đứng đầu Ban trọng tài là ông Nguyễn Tấn Hiền dường như vẫn chưa nhận thức đúng vấn đề. Quan điểm của ông Hiền là gãy chân không đồng nghĩa với bạo lực? Cách lý giải này của người đang đứng đầu Ban trọng tài quả thật là lạ. Cầu thủ không đá đá bóng mà lao thẳng vào đạp gãy chân của đồng nghiệp mà không gọi là bạo lực thì gọi như thế nào cho đúng?

Với quan điểm vừa nêu của ông Hiền, thật không khó để hình dung các trọng tài ở V-League hiện cũng nhìn những pha vào bóng dã man từ các cầu thủ bằng cặp mắt hết sức thờ ơ. Và thay vì mạnh tay với những hành vi phi thể thao, mạnh tay để ngăn chặn bạo lực sân cỏ, các trọng tài thời gian qua cũng hết sức xuê xoa với hành vi bỏ bóng đá người.

Người làm luật còn chưa nhận thức đúng về sự gia tăng cũng như mức độ nghiêm trọng của bạo lực sân cỏ, nên khó trách giới cầu thủ bây giờ ngày càng “lờn thuốc”, bởi họ đâu bị trị đến nơi đến chốn sau khi triệt hạ các đồng nghiệp của mình, ngay trên sân cỏ!

Thuốc đắng mới giã được tật

Vai trò của Ban kỷ luật thuộc VFF thời gian qua cũng khá mờ nhạt. Người viết cho rằng án phạt cấm thi đấu 5 trận và phạt 15 triệu đồng đối với Đinh Văn Ta (V.Ninh Bình) khi anh đạp Danny David (ĐT Long An) vẫn còn quá nhẹ, dù cho dư luận lên án hành vi trên cực kỳ mạnh mẽ.

Án phạt ấy rõ ràng chưa đủ sức răn đe, dẫn đến trường hợp Hải Anh (Quảng Nam) phi cả 2 chân vào người cầu thủ ĐT Long An ở vòng 6, Ngọc Anh (Đồng Nai) cũng dùng 2 chân đạp vào người một cầu thủ Than Quảng Ninh ở vòng 7 (may mà hụt), rồi đình điểm là pha đạp gãy chân Anh Hùng (HV.An Giang) mà Đình Đồng thực hiện. Rõ ràng các cầu thủ không xem án phạt dành cho Đinh Văn Ta ra gì, bởi nếu ngán án phạt ấy, họ đã không dám tái phạm với mức độ còn ghê rợn hơn.

Ở đây, đòi hỏi ý thức của cầu thủ là điều cần thiết, nhưng trước khi có đi tìm ý thức của giới quần đùi áo số, chính những người đang làm luật phải thật nghiêm. Đòi hỏi ý thức tự giác của toàn bộ hệ thống là điều cực khó, mà trước tiên phải có những án phạt thực sự thích đáng với những ai vi phạm, bởi nếu chỉ dùng ý thức để giữ kỷ cương thì có lẽ xã hội cũng chẳng cần đến cảnh sát giao thông hay trật tự đô thị!

Sự thờ ơ của các trọng tài và những án phạt qua loa của Ban kỷ luật chẳng khác nào dung túng cho bạo lực, cho thứ bóng đá “đầu gấu” lên ngôi. Anh Hùng (HV.An Giang) có thể phải nghỉ thi đấu đến cả năm. Khi lành chấn thương, cũng chẳng ai dám chắc rằng cầu thủ này có thể trở lại đời đá bóng chuyên nghiệp? Vì khi đó, chẳng ai biết phong độ của anh sẽ ở mức nào, khả năng di chuyển có còn linh hoạt như xưa hay không?! Vậy nếu không phạt nặng hành vi triệt hạ lẫn nhau, có còn là công bằng cho những người chịu thiệt thòi?

Ở Anh từng có trường hợp cầu thủ bị chấn thương nặng đến mức phải giải nghệ kiện người gây chấn thương cho mình ra tòa án hình sự, vì tội xâm phạm thân thể. Thế nên, đừng cho rằng phạt hành động đạp gãy chân người khác, khiến họ phải bỏ nghề, có thể gây thương tật vĩnh viễn cho người khác một vài trận đấu là án phạt thích đáng.

VPF rất bức xúc và ít nhất đã 2 lần kiến nghị phải mạnh tay với bạo lực. Nhưng vấn đề ở chỗ quyền kỷ luật không nằm trong tay VPF (họ chỉ có quyền tổ chức giải), quyền xử phạt các trọng tài không làm tròn trách nhiệm cũng không thuộc VPF. Trong lúc đó, ngay chính phát biểu của những người có các quyền này ở VFF lại tiền hậu bất nhất!

Theo Dân Trí

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X