Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Chọn HLV trưởng cho ĐTQG: Kế hoạch B...

Thứ Tư 09/05/2012 14:27(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

V-League mấy năm nay đang là thời kỳ “thịnh trị” của các HLV nội khi họ chiếm số lượng áp đảo so với những đồng nghiệp ngoại quốc, và lần cuối cùng một ông thầy ngoại đưa đội bóng của mình lên ngôi vô địch V-League đã cách đây 6 năm (HLV Henrique Calisto với ĐT.LA năm 2006).

Tưởng như với sự vượt trội cả về chất lượng lẫn số lượng như vậy của các HLV nội, VFF sẽ dễ dàng tìm được hàng loạt ứng viên sáng giá cho chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG, nhưng giờ đây VFF đang vô cùng đau đầu với bài toán này, mà nguyên nhân quan trọng lại chỉ vì VFF đã đưa ra một yêu cầu mà bất cứ LĐBĐ QG nào cũng sẽ làm như vậy khi tuyển chọn HLV trưởng cho ĐTQG: HLV trưởng ĐTQG phải làm việc chuyên trách.

Có lẽ chỉ có ở bóng đá VN mới xảy ra tình trạng một HLV khi được LĐBĐ QG mời lên dẫn dắt ĐTQG lại ra điều kiện không làm chuyên trách và vẫn bảo toàn công việc ở CLB. Câu hỏi đặt ra ở đây là một khi những ứng viên được VFF nhắm tới chưa sẵn sàng lên làm việc ở ĐTQG theo như yêu cầu chuyên trách của VFF thì tại sao VFF lại không nghĩ tới việc mở rộng phạm vi lựa chọn, hoặc cùng lắm là quay lại với phương án HLV ngoại?

Đúng là công việc thực sự của ĐTQG chỉ kéo dài trong vài tháng và khi ĐTQG tập trung chuẩn bị cho giải khu vực thì giải VĐQG đã kết thúc, nhưng chức trách của một HLV trưởng ĐTQG đâu chỉ thể hiện trong mỗi đợt tập huấn hay thi đấu, mà khối lượng công việc của HLV trưởng ĐTQG còn trải rộng ở phạm vi rất lớn, mà nếu không có sự toàn tâm toàn ý thì rất khó để hoàn thành nhiệm vụ.

Bóng đá VN đang đi sau hàng nhiều chục năm so với bóng đá thế giới, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta lại được quyền bỏ qua hoặc đi ngược lại với những quy định được coi là bất biến của bóng đá, chẳng hạn như một HLV thì chỉ nên gắn bó với một đội bóng ở một cấp độ cụ thể. Chẳng thế mà người xưa từng có câu: “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, hoặc “Một nghề thì sống đống nghề thì chết” để ám chỉ rằng mỗi người chỉ nên cố gắng làm tốt nhất một công việc cụ thể nằm trong khả năng của mình.

Câu chuyện vừa qua LĐBĐ Anh đã chọn HLV Roy Hodgson dẫn dắt ĐT Anh tại EURO 2012 thay vì ứng viên sáng giá Harry Redknapp rất đáng để chúng ta suy ngẫm. So với HLV Redknapp thì HLV Hodgson không được đánh giá cao bằng vì HLV Hodgson chủ yếu làm nên tên tuổi ở những đội bóng nhỏ, còn khi chuyển sang dẫn dắt các CLB lớn thì ông lại thường gây thất vọng, như những dẫn chứng ở Inter Milan hay Liverpool. Tuy nhiên cuối cùng LĐBĐ Anh vẫn quyết định chọn HLV Hodgson, vì ứng viên sáng giá Redknapp không thể hiện khát khao mạnh mẽ dẫn dắt ĐT Anh do vẫn còn tiếc nuối chiếc ghế HLV trưởng Tottenham.

Bóng đá cũng như chiến trận, lúc lên kế hoạch tác chiến không thể chỉ đề ra duy nhất một phương án mà phải có cả kế hoạch B, kế hoạch C để phòng hờ khả năng mọi việc diễn ra không như ý muốn, và trong trường hợp cụ thể với ĐTQG, khi các HLV nội được VFF nhắm tới không hào hứng vì yêu cầu “chuyên trách” do VFF đưa ra thì phải chăng VFF nên nghĩ tới một hoặc nhiều lựa chọn khác, nhất là trong hoàn cảnh thời gian chuẩn bị cho AFF Cup 2012 không còn nhiều, mà V-League 2012 cũng sắp sửa đi được 2/3 chặng đường.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

 

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X