Xong. Chúng ta đã chọn được HLV cho ĐTQG. Bây giờ là hành động, là hy vọng và tin tưởng. Và kèm theo đó là đôi điều bàn thêm, kiểu bàn góp.
Trong khoảng hơn 15 năm qua, chúng ta đã chọn được nhiều HLV cho ĐTQG. HLV nội duy nhất là Trần Duy Long với trăm thứ khó và chưa thể thành công. Còn lại thì toàn HLV ngoại cả. Có những thành công: Weigang, Riedl, Calisto. Không ít thất bại: Letard, Dido. Lạ nhất là Tavares: HLV Brazil đến lần đầu với thành công rực rỡ. Lần thứ 2, ông quay lại như một vị thánh để rồi sớm ra đi như một người điên.
Chọn HLV là một việc khó, dùng HLV lại càng khó hơn. Ngay cả với những HLV có thành công, thì rồi cuối cùng họ đều ra đi không mấy vui vẻ. Bởi vì mỗi người đều có những giới hạn, và khi không vượt qua nổi cái giới hạn của chính mình, thì chia tay là hợp lẽ. Nhưng hợp lẽ mà vẫn chẳng mấy vui vẻ, vì nhiều khi ta không đi tới tận cùng.'
HLV Tavares từng đến Việt Nam lần đầu với thành công rực rỡ, và quay lại như một vị thánh để rồi sớm ra đi như một người điên
Vấn đề thứ nhất: HLV nội hay HLV ngoại? Trước đây, HLV ngoại gần như là một sự lựa chọn tất nhiên. Đến lần này, nội hay ngoại đã trở thành môt lựa chọn, một suy tính, một tranh luận. Bởi vì thực tế đã chỉ ra rằng, có nhiều việc HLV nội cũng làm rất tốt. Chẳng hạn, một điểm mạnh của HLV Calisto là bồi dưỡng tinh thần tranh đấu. Tại sao HLV nội lại không làm được việc này nhỉ? Ta hãy nhìn đội Thanh Hóa của Lê Thụy Hải hay đội Đồng Tháp của Phạm Công Lộc. Họ tranh đấu giỏi đấy chứ. Nói rộng ra, không máy móc phân biệt “Ta” hay Tây”, nhưng đánh giá đúng, bồi dưỡng kịp thời và sử dụng thích hợp các HLV nội là vấn đề còn phải chuẩn bị kỹ càng hơn.
Vấn đề thứ hai: Chọn HLV theo tiêu chí nào? Vẫn cứ hơi ngỡ ngàng, vì ta chỉ đàm phán qua người đại diện. Ông Falko Goetz không sang. Chỉ nhà đại diện Andrea Milz có mặt là xong. Đàm phán với cầu thủ, thì nhà đại diện là đủ, vì cầu thủ ấy đá ra sao, tính tình thế nào chúng ta đều đã biết, bây giờ chỉ đàm phán các điều kiện hợp đồng, nói cho gọn lại thì là đàm phán về tiền bạc.
Nhưng chẳng lẽ với HLV mà cũng làm thế hay sao? Một bản lý lịch trích ngang, kèm theo giấy chứng nhận đi nữa thì làm sao nói được là HLV ấy phù hợp hay không? Sao không có bất cứ một phép thử (test) thực sự nào cả ? Một buổi trao đổi về chiến lược, về kế hoạch, về phương pháp? Một vài buổi tập thử với đội bóng? Một buổi gặp gỡ với Hội đồng HLV QG?...
Chỉ cần một tuần ở Việt Nam, với một kế hoạch chuẩn bị kỹ, ta có thể biết , hiểu về HLV kỹ càng hơn rất nhiều. Chứ chỉ đọc hồ sơ mà tuyển thì khó thật đấy. Cho nên, có lẽ nên suy nghĩ kỹ hơn về quy chế, phương pháp tuyển chọn HLV. Trường hợp Calisto là một thí dụ thành công: ta đã quá hiểu ông ấy nhờ những năm ĐT.LA.
Vấn đề thứ ba: Nhiệm vụ của HLV ngoại lần này. Sẽ có các chỉ tiêu? Nhưng đấy chỉ là sản phẩm cuối cùng của một chuỗi hoạt động, mà then chốt nhất là huấn luyện và chỉ đạo thi đấu. Trong đó, thường thì kết quả thi đấu là tiêu chí cuối cùng, là thực tiễn để quyết định chân lý. Thắng lợi vừa qua của Calisto khiến lối đá mà ông xây dựng dựa trên độ cơ động cao của cầu thủ, sự phối hợp nhóm qua hàng loạt công đoạn, lòng tin vào chiến thắng… được xem là phù hợp với bóng đá Việt Nam. Falko Goetz đã biết điều ấy chưa, đã nghiên cứu lối đá ấy chưa? Đã có dự định triển khai một lối đá nào chưa? Hay nói khác đi, Goetz sẽ tìm một lối đá dựa vào thực tế hiện nay ở Việt Nam, hay ông sẽ đưa vào một lối đá hoàn toàn mới xuất phát từ sở trường cuả chính bản thân ông?
HLV tốt là HLV giỏi cả về huấn luyện lẫn chỉ đạo thi đấu. Riedl huấn luyện cũng rất giỏi, nhưng chỉ đạo thì đôi khi thiếu quyết tâm hay sắc sảo. Calisto chỉ đạo trên sân cực kỳ sắc bén và tạo được bản sắc. Nhưng cái sắc bén ấy cũng không phải là bất biến. Hạn chế của Calissto chính là chỗ này, và không hiểu Goetz có biết chính xác hạn chế ấy để đi lên từ thất bại của người tiền nhiệm hay không?
Có lẽ cũng nên trao đổi với HLV về khả năng đưa công nghệ huấn luyện mới vào Việt Nam. Các HLV ngoại trước đây đã truyền lại cho HLV Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý.
Nhưng bóng đá thế giới bây giờ không như ngày xưa nữa. Huấn luyện bây giờ là một quy trình công nghê, dựa trên các phương tiện kỹ thuật mới, các phép đo mới, cách tổ chức mới, các lực lượng mới và quan điểm mới.. Lẽ đương nhiên, chúng ta không thể và cũng không muốn ứng dụng tất cả những cái mới ấy, mà chỉ lựa ra những gì phù hợp và có hiệu quả. Nhưng muốn lựa chọn được một bộ phận, thì phải biết cái toàn bộ. Và có lẽ đây cũng là một điểm có thể bàn thêm.
Trong tất cả các vấn đề như thế này, chúng ta có một cơ quan luôn sẵn sàng và đủ khả năng: Hội đồng HLV QG.
Vấn đề thứ tư: Ứng xử. Bóng đá Việt Nam có rất nhiều vấn đề về ứng xử. Như trọng tài và cầu thủ. Như ở bản thân mỗi cầu thủ. Như chúng ta đã có chuyện với Weigang, với Riedl và với cả Calisto. Ta vẫn nói: trong bóng đá, sự thay đổi HLV là chuyện bình thường, nhưng sao chưa có cuộc chia tay HLV nào diễn ra bình thường? Vì có mắc mớ trong ứng xử.
Các HLV giỏi thường có cá tính mạnh. Mà nếu cá tính không mạnh thì chí ít họ cũng có danh dự nghề nghiệp, tự ái nghề nghiệp. Mỗi HLV lại có một quốc tịch khác nhau, một đặc điểm khác nhau. Cho nên chuyện ứng xử lại cành phức tạp. Cũng có nghe Goetz, người Đức, cũng khá nóng tính. Đấy cũng là chuyện cần tìm hiểu, thảo luận kỹ.
Ứng xử quyết định quan hệ. Giỏi về chuyên môn, mà hỏng quan hệ với cầu thủ, với đồng nghiệp thì cũng hỏng hết. Như Magath ở Schalke, như Van Gaal ở Bayern Munich… Họ giỏi cả đấy chứ, nhưng thất bại thì ê chề, mà lại thất bại ngay ở chỗ họ vừa mới thành công. Ứng xử không dễ, bới vì nhiều khi nó lại là sự va chạm của các nền văn hóa.
Chúng ta vốn lạc quan, chúng ta vốn yêu bóng đá, thích những điều tốt đẹp. Cho nên chúng ta hy vọng. Còn hơn cả hy vọng, chúng ta tin tưởng, tin ở công tác tìm kiếm và lựa chọn HLV ngoại kỳ này đã được chuẩn bị kỹ càng và thực hiện chu đáo. Ấy thế mà vẫn cứ còn một vài cái lo vẩn vơ. Nói ra như vậy để mà nghĩ thêm, chứ rất có thể cái lo này cũng chỉ là lo hão.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)