Thứ Sáu, 26/04/2024Mới nhất
Zalo

Chọn HLV cho đội tuyển Việt Nam: "Cần câu hay con cá"?

Chủ Nhật 23/12/2012 17:06(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Xung quanh vấn đề tìm kiếm HLV trưởng cho ĐT Việt Nam hiện có rất nhiều quan điểm khác nhau. Người thì cho rằng thất bại của HLV Phan Thanh Hùng ở AFF Cup 2012 là bằng chứng cho thấy vẫn chưa đến thời mà thầy nội có thể đảm đương cương vị HLV trưởng ĐT Việt Nam. Có ý kiến lại cho rằng với hiện trạng của bóng đá Việt Nam bây giờ thì cỡ Sir Alex Ferguson hay Jose Mourinho có về nắm ĐT Việt Nam thì cũng chỉ có một con đường là thất bại.

Vì thế, ý tưởng tìm kiếm HLV ngoại cho ĐT Việt Nam, cụ thể là HLV người Nhật Bản, của VFF không được chào đón một cách nhiệt liệt. Lý do là bởi bóng đá Nhật lâu nay tuy là số một châu Á thật, nhưng HLV người Nhật lại không nổi tiếng lắm, và bản thân ĐT Nhật Bản bây giờ cũng đang dùng thầy ngoại.

Quan trọng hơn, có người nhận định rằng tuyển HLV ngoại cho ĐT Việt Nam lúc này chẳng khác nào liều thuốc giảm đau, chỉ có tác dụng ngắn hạn và nhất thời, còn sẽ khó mang lại hiệu quả về lâu về dài, bởi vấn đề của bóng đá Việt Nam hiện tại xuất phát từ chính bản thân nền bóng đá chúng ta chứ không phải vì thiếu một ông thầy giỏi.

Sau thất bại của HLV nội tại AFF Cup 2012, thời điểm này ĐT Việt Nam (phải) vẫn cần có thầy ngoại
Sau thất bại của HLV nội tại AFF Cup 2012, thời điểm này ĐT Việt Nam (phải) vẫn cần có thầy ngoại

Nói cách khác, cái mà bóng đá Việt Nam cần nhất bây giờ là cái cần câu, tức là một hướng phát triển đúng đắn, chứ không phải con cá, tức là HLV ngoại mới cho ĐT Việt Nam. Cách nghĩ này không sai, nhưng cũng chẳng đúng, vì chưa đầy đủ, bởi bóng đá Việt Nam bây giờ thực ra đang cần cả con cá lẫn cần câu, nên bên cạnh việc xây dựng lại nền bóng đá từ móng thì cũng rất cần có một HLV ngoại để nâng tầm cho ĐTQG.

Chúng ta đều thấy trong hơn 9 năm HLV Radojko Avramovic dẫn dắt ĐT Singapore, ông thầy người Serbia này luôn phải xoay sở với tình trạng rất hạn chế về nguồn nhân lực, nhưng thời kỳ ông Avramovic tại chức cũng là quãng thời gian thành công nhất của ĐT Singapore ở sân chơi khu vực với 3 danh hiệu vô địch AFF Cup.

Nếu so sánh một cách kỹ lưỡng về chất lượng cầu thủ thì bóng đá Việt Nam chẳng hề thua kém bóng đá Singapore, nếu không nói là các cầu thủ của chúng ta còn trội hơn ở rất nhiều khía cạnh, nhưng nhờ có một HLV ngoại am hiểu bóng đá khu vực và giỏi “liệu cơm gắp mắm” nên ĐT Singapore vẫn duy trì được vị thế là một đội bóng lớn ở khu vực.

Lối chơi bóng dài của ĐT Singapore chẳng còn lạ lẫm với bất cứ đối thủ nào ở Đông Nam Á, nhưng để khống chế và hoá giải sở trường của ĐT Singapore lại chẳng phải nhiệm vụ dễ dàng, và đội bóng nào cũng luôn phải thi đấu trầy trật khi chạm trán với ĐT Singapore do HLV Avramovic dẫn dắt. Chỉ một ví dụ như thế là đủ thấy vai trò của HLV ngoại vẫn rất quan trọng, đặc biệt là với một nền bóng đá mà luôn có sự phân biệt đối xử rất rõ giữa HLV nội và HLV ngoại như chúng ta.

Nói thế là bởi một HLV nội khi dẫn dắt ĐT Việt Nam còn phải tuân theo rất nhiều thủ tục hành chính phức tạp, nhưng HLV ngoại lại có quyền “xé rào” và có thể nói không với những “ma trận thủ tục” kể trên. Chẳng hạn, nếu năm 2008 HLV Calisto không yêu cầu VFF phải cho các tuyển thủ tập trung ở khách sạn và tập luyện hàng ngày ở khu liên hợp thể thao QG Mỹ Đình (sau này có thêm sân tập của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF) thì trong mỗi lần tập trung, ĐT Việt Nam có thể vẫn sẽ phải tiếp tục đóng quân tại Nhổn (Trung tâm HLTTQG Hà Nội) và hàng ngày ăn tập ở đây như bao năm trước đó, chứ chẳng phải được ở khách sạn và tập luyện tại Mỹ Đình như hiện nay.

Các HLV ngoại có thể thẳng thắn đưa ra yêu cầu của mình mà không ngại khiến ai đó cảm thấy mất lòng, và họ cũng có quyền đưa lên ĐTQG những cầu thủ phù hợp với triết lý bóng đá của mình mà chẳng sợ bị eo xèo chuyện “quân anh quân tôi”, cho dù dưới thời HLV Alfred Riedl, có một số cầu thủ từng bị đồng đội gọi là “con nuôi của Riedl” do được ông thầy người Áo quá mức ưu ái, bất chấp việc năng lực chuyên môn của những người này không hề trội hơn các đồng đội phải ngồi dự bị.

Rất nhiều dẫn chứng như thế để thấy rằng bóng đá Việt Nam ở giai đoạn hiện nay vẫn không thể không cần thầy ngoại, và chỉ nên giao ĐTQG cho thầy nội một khi chúng ta vạch ra hẳn một lộ trình lâu dài và bài bản, chứ không phải ngẫu hứng nảy ra ý tưởng sử dụng thầy nội theo kiểu “thấy người ta ăn khoai thì vác mai đi đào” rồi ngay sau một giải đấu thất bại thì lập tức thay đổi quan điểm.

Thầy ngoại với bóng đá Việt Nam không đơn giản chỉ là một ông HLV người nước ngoài mà sự xuất hiện của thầy ngoại còn kéo theo rất nhiều thay đổi khác, và điều đáng nói là hầu hết những thay đổi này đều tích cực hơn hẳn so với khi HLV nội còn cầm quân.

Bóng đá Việt Nam ở cấp độ CLB đang cần được tái cơ cấu, điều đó đúng! Nhưng bóng đá Việt Nam ở cấp độ ĐTQG lúc này cũng cần một ông thầy ngoại không kém, trước hết là để chúng ta vượt lên giới hạn của chính mình, điều mà những HLV nội ít khi làm được do những rào cản cả chủ quan cũng như khách quan.

Thế nên, dù là “cần câu” hay “con cá” với bóng đá Việt Nam hiện tại cũng đều có ý nghĩa thiết thực như nhau.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X