Cái tên HN.T&T đã trở thành nỗi ám ảnh với một bộ phận không nhỏ dư luận trong mấy năm trở lại đây, khi HN.T&T cùng với SHB.ĐN hợp thành “đặc sản” “một ông chủ 2 đội bóng” của V-League, khiến báo chí tốn biết bao giấy mực, các ông bầu và đội bóng khác lên tiếng phàn nàn, và cả cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất về thể thao là Bộ VH, TT&DL cũng phải cử thanh tra vào cuộc, mà hình như cuối cùng tình hình vẫn chẳng có gì thay đổi, khi chắc chắn HN.T&T và SHB.ĐN sẽ tiếp tục song hành ở V-League 2013.
Trước đây, với lý do cần duy trì phong trào và động viên các ông bầu tham gia làm bóng đá chuyên nghiệp, nên VFF đã chấp nhận để tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng” tồn tại, cho dù họ biết rõ điều này đi ngược lại với mọi quy định luật lệ của FIFA, AFC và với chính Điều lệ, Quy chế của VFF.
Bây giờ, khi các ông bầu ùn ùn rủ nhau từ bỏ bóng đá, VFF càng có lý do để không dám xử lý mạnh tay với 2 đội bóng anh em nhà T&T, và nguyên nhân hẳn lại là việc để “duy trì phong trào”, cho dù vụ việc HN.T&T kìm chân SG.XT để SHB.ĐN lên ngôi ở chặng cuối V-League 2012 đến giờ vẫn khiến dư luận bức xúc.HLV Hoàng Văn Phúc chỉ đạo đội U22 thi đấu tại BTV Cup 2012
Nhưng “một ông chủ 2 đội bóng” không phải là ngoại lệ duy nhất mà các thành viên của “gia đình T&T” được thụ hưởng kể từ khi bầu Hiển bắt tay vào làm bóng đá. Năm 2009, VFF suýt nữa đã cho HLV trưởng ĐT Việt Nam Henrique Calisto kiêm nhiệm cả CLB HN.T&T, và sự việc chỉ đổ bể vào phút chót do các bên không thống nhất được với nhau về khía cạnh tài chính.
Năm 2012, cũng vẫn liên quan tới HN.T&T, VFF cho phép HLV trưởng CLB này là ông Phan Thanh Hùng được kiêm nhiệm chức HLV trưởng ĐT Việt Nam, và phải đến khi ĐT Việt Nam thất bại cay đắng ở AFF Cup 2012 thì VFF mới thừa nhận “kiêm nhiệm” là sai lầm và tuyên bố từ giờ sẽ không để tình trạng này tái diễn ở các ĐTQG.
Người ta bảo cũng một phần vì ông Hùng được VFF bổ nhiệm làm HLV trưởng ĐT Việt Nam nên HLV Hoàng Văn Phúc mới được đưa lên làm HLV trưởng ĐT U22 Việt Nam, bởi ông Hùng hy vọng ông Phúc, với quan hệ đồng nghiệp tại “gia đình T&T”, sẽ là cánh tay nối dài của ông Hùng ở ĐT U22 để bảo đảm có sự liên hệ về chuyên môn giữa ĐT Việt Nam với ĐT U22.
Công bằng mà nói, năng lực chuyên môn của ông Phúc là điều mà người ta phải công nhận, bởi ông Phúc tỏ ra khá mát tay khi dẫn dắt ĐT U16 QG rồi ĐT U19 QG trước đây, và trong một thời gian chưa dài làm việc cùng ĐT U22 Việt Nam thì ông Phúc cũng kịp thời để lại dấu ấn. Đấy còn chưa kể tới việc ông Phúc cũng khá thành công trên cương vị HLV trưởng CLB Hà Nội, giờ có tên mới là Trẻ HN.T&T.
Tuy nhiên, nếu chỉ vì thế mà VFF định đưa ông Phúc lên làm HLV trưởng tạm quyền của ĐT Việt Nam, thực chất thành phần chủ yếu là ĐT U22 Việt Nam cộng thêm một số cầu thủ quá tuổi, để thi đấu 2 trận đầu tiên ở vòng loại Asian Cup 2015 với ĐT UAE và ĐT Hong Kong vào tháng 2 và tháng 3 năm sau thì lại là một câu chuyện rất khác.
Trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên hôm qua về ý định của VFF, ông Phúc cho biết: “Báo cáo với chủ tịch Tập đoàn Đỗ Quang Hiển, nếu anh Hiển đồng ý cho tôi lên tuyển, tôi sẽ lên. Nhưng tất cả còn quá sớm, tôi chưa thể đưa ra lời nói cuối cùng về việc này”.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao và thế nào, rất nhiều vấn đề quan trọng liên quan tới bóng đá Việt Nam trong mấy năm gần đây lại cứ phải có sự liên quan của bầu Hiển, và tại sao trong số các HLV nội được VFF đưa lên ĐTQG lại cứ toàn là cấp dưới của bầu Hiển? Nên biết thêm rằng, hôm qua, trong cuộc họp báo sau buổi làm việc của Hội nghị BCH VFF, Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng tiết lộ đã có lời mời HLV Lê Huỳnh Đức dẫn dắt ĐT Việt Nam và ông Đức cho biết sẽ suy nghĩ rồi trả lời.
VFF đã từng rất trông chờ vào sự trong sáng mang tính tự giác của bầu Hiển và thuộc cấp trong vụ việc “một ông chủ 2 đội bóng”, và quả là họ đã làm được điều đó trong mấy năm, nhưng rồi màn kịch “2 đánh một” ở đoạn cuối V-League 2012 đã khiến tất cả nhận ra thế nào là sự thực.
Bây giờ, sau cuộc phiêu lưu bất thành với HLV Phan Thanh Hùng ở ĐT Việt Nam, VFF lại có ý tưởng trao gửi số phận 2 ĐTQG cho 2 thuộc cấp khác của bầu Hiển là HLV Hoàng Văn Phúc và HLV Lê Huỳnh Đức. Trong mấy “đặc sản” tiêu biểu của bóng đá Việt Nam vài năm qua như “một ông chủ 2 đội bóng” hay “kiêm nhiệm” đều có bóng dáng của bầu Hiển, và những “đặc sản” này có lợi hay có hại cho bóng đá Việt Nam thì tất cả đều biết.
Và sau những gì đã xảy ra, chúng ta có nên tạo cơ hội cho sự ra đời của một “đặc sản” nữa, chẳng hạn có thể gọi là “một ông chủ nhiều HLV ĐTQG”, nếu như ông Đức và ông Phúc chính thức được bổ nhiệm làm HLV trưởng ĐT Việt Nam và ĐT U22 Việt Nam?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)