Điều đầu tiên phải kể tới là chuyện thể lực và ăn uống của U19 Việt Nam. Dù bầu Đức nhiều lần khẳng định các chàng trai trẻ đã ăn uống đúng cách những năm qua. Nhưng thời gian gần đây, thực đơn của U19 Việt Nam đã có những thay đổi rõ rệt và cụ thể hơn.
Tổng quát, thực đơn cho các cầu thủ trẻ sẽ nhiều tinh bột, vitamin và khoáng chất; phải ăn ít đạm và đặc biệt không ăn thịt nguội vì sẽ tạo sức ì đối với các nhóm cơ. Sau những món ăn đó, U19 Việt Nam còn phải uống đủ 3 loại sữa bao gồm sữa dậu nành, sữa tươi và 110 ml sữa chua.
Ăn uống đầy đủ chất hơn, U19 Việt Nam cũng được bố trí thêm các bài tập thể lực. Tuy nhiên do giải đã tới gần, nên U19 Việt Nam chỉ có 4 ngày tập luyện thể lực nặng. Dù vậy, điều đó cũng mang tới những tác dụng nhất định.
Về mặt kĩ chiến thuật, U19 Việt Nam có rất nhiều thay đổi để tạo nên sự đa dạng trong lối chơi. HLV Graechen Guillaume đã chỉ đạo các học trò thi đấu rộng hơn, dãn biên chơi tạt cánh đánh đầu chứ không chỉ tấn công trung lộ như trước. Ngoài ra, chiến lược gia này cũng tính tới phương án 4 – 6 – 0 tức là không có trung phong mà sẽ bố trí số đông ở tuyến giữa và uy hiếp khung thành đối phương bằng các tiền đạo ảo hay sút xa.
Trong buổi tập hôm qua trên đất Myanmar, HLV người Pháp còn cho các học trò tập bài vừa cũ vừa mới: Bóng chết. Những tình huống bóng chết được HLV Graechen Guillaume áp dụng cho các học trò cả trong phòng ngự lẫn tấn công.
Với phòng ngự, sẽ là các bài tập chống bóng bổng. Còn với tấn công, bóng chết được tập cả trong những tình huống đánh đầu tấn công lẫn các pha sút thẳng về khung thành đối phương. Khi ấy, vai trò Xuân Trường – một cầu thủ có những pha sút phạt hay tạt bổng xuất sắc, là rất quan trọng.
Rơi vào bảng đấu gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc nên dễ hiểu khi U19 Việt Nam cũng tự đánh giá mình ở “cửa dưới”. Với tư duy đó, những bài tập dãn biên hay chơi bóng chết là rất phù hợp cho các cầu thủ trẻ tấn công.
Theo Soha