Chẳng phải tới khi Ngọc Thắng phải nhận thẻ đỏ vì hành vi phản ứng đối với trọng tài chuyện đạo đức của cầu thủ Việt, nhất là những người trẻ mới đáng báo động. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn rất nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra, và đáng buồn nó lại rơi vào các cầu thủ trẻ, những ngôi sao mới nổi của BĐVN...
"Cầu thủ càng ngày càng mất dạy"
Câu cảm thán của bầu Đức ấy hẳn nhiên không nói về những cầu thủ mới khiến người hâm mộ dậy sóng trong thời gian qua, mà ông nói về một cái tên trường thành từ HA.GL nhưng phút chót bất ngờ "lật kèo" để cập bến Bình Dương vài mùa trước. Tuy nhiên, lời nói ấy của bầu Đức giờ có lẽ cũng vấn đúng khi mà dường như một bộ phận không nhỏ các cầu thủ của BĐVN càng ngày càng thiếu đạo đức, còn nôm na là... mất dạy.
Mạnh Hùng (số 3) |
Nói thế chẳng là quá, bởi chỉ trong thời gian ngắn đã có ít nhất 3 cái tên được coi như học trò cưng của HLV Miura đồng thời là tuyển thủ của đội tuyển U23 đã phải nhận án kỷ luật từ VFF. Cụ thể hơn là trường hợp của Mạnh Hùng (SLNA), Tấn Tài (ĐT.LA) tại vòng loại giải U21 Quốc gia với cùng hành vi xúc phạm các trọng tài. Đáng nói là với Tấn Tài, cầu thủ này bị kỷ luật khi chửi các vua sân cỏ trên khán đài trong thời điểm không được thi đấu.
Mới nhất là trường hợp của Ngọc Thắng (Đà Nẵng) cũng tương tự như thế khi có hành vi phản cảm và lời lẽ không hay ngay ở trận đấu đầu tiên của đội nhà tại VCK U21 QG vào chiều 23/10. Đó là những trường hợp gần nhất diễn ra ở một giải đấu có "biểu tượng" Xanh - Sạch - Đẹp cũng như sức cạnh tranh không quá cao. Còn ở V-League thì thôi, rất nhiều.
Quế Ngọc Hải, Thanh Hào đã có những pha vào bóng không thương tiếc và khiến đồng nghiệp phải nhập viện ngay lập tức ở những vòng cuối của V-League vẫn là câu chuyện nóng. Rồi trước đó nữa là trường hợp của Ngọc Thịnh (Hải Phòng) trong trận đấu ở Bình Dương cũng phải nhận thẻ đỏ vì pha phạm lỗi khá thô bạo của mình với đối thủ... Và có lẽ bầu Đức đang đúng với phát biểu của mình...
Đạo đức sân cỏ: Trách nhiệm thuộc về ai?
Phải nói luôn rằng bóng đá là môn chơi của đàn ông, và nó đòi hòi sự máu lửa cũng như tồn tại cá tính mạnh. Nhất là với những người trẻ, vốn đang cần nhiều sự khẳng định bản thân. Nhưng khẳng định theo cách của Mạnh Hùng, của Tấn Tài hay mới nhất là Ngọc Thắng liệu có đúng? E rằng là không, kể cả khi trọng tài kém hoặc sai, bởi trách nhiệm của họ là chơi bóng chứ không thể là xúc phạm người khác.
và Ngọc Thắng đã khiến người hâm mộ thất vọng vì hành vi rất thiếu đạo đức của mình. |
Mà nào chỉ có mạt sát hay phản ứng thái quá, đến mức đòi đánh trọng tài như Mạnh Hùng thì thực sự khó có thể chấp nhận. Nhất là khi hậu vệ của SLNA đã có khá nhiều kinh nghiệm chơi bóng đỉnh cao từ áo đội tuyển trẻ cho đến đội 1 của xứ Nghệ.
Đạo đức cầu thủ giờ là cả một vấn đề lớn, và không chỉ riêng đối với từng CLB mà cả với cả nền bóng đá. Thực tế, rất khó để khiến cầu thủ, nhất là những người trẻ "ngoan" khi người lớn làm bậy. Mùa nào cũng thế chuyện HLV bị truất quyền chỉ đạo, trưởng đoàn bị mời lên khán đài... diễn ra rất đều và ngay trước mắt các cầu thủ. Thậm chí các thầy còn chửi thề khi chỉ đạo thì quả thực khó khiến "trẻ con" có thể ngoan.
Rồi chẳng còn là chuyện các thầy nữa, đến ngay cả việc "các bác, các chú" ở Liên đoàn vẫn hay tranh thủ đòi chia thưởng sau mỗi kỳ SEA Games, AFF cup... thì liệu cầu thủ có ngoan nổi? Chắc cũng chẳng cần phải trả lời, bởi đó là một bài học về lòng tự trọng.
Bởi thế, cầu thủ thiếu đạo đức hay nôm na là mất dạy giờ không còn là chuyện riêng của mỗi cá nhân, mỗi CLB nữa mà là trách nhiệm của cả nền bóng đá. Và bóng đá không thể phát triển khi thiếu điều kiện cọ xát, khi quản lý kém cỏi mà còn có cả chuyện "tử tế" trong đó. Tử tế với nhau, tử tế với người hâm mộ, và tử tế với chính bản thân mình nữa...
Theo Vietnamnet