Có thời cầu thủ ngoại nhập tịch là hàng “hot” trên thị trường chuyển nhượng. Dù vậy, cho đến thời điểm này thì mọi chuyện có vẻ như đang thay đổi, khi các đội bóng trong nước giờ cũng hết chuộng cầu thủ nhập tịch.
Câu chuyện mới nhất liên quan đến thủ môn Phan Văn Santos. Đây là cầu thủ ngoại đầu tiên có quốc tịch Việt Nam, và có thời cũng là thủ thành được săn đón, nhờ vào tài năng và thể hình của một ngoại binh, trong khi vẫn có thể ra sân với tư cách… nội binh.Thủ môn nổi tiếng một thời Santos giờ chưa biết về đâu
Đấy là thời mà Phan Văn Santos chuyển từ ĐT Long An đến Navibank Sài Gòn, rồi từ Navibank Sài Gòn sang B.Binh Dương, với mỗi điểm đến là vài trăm ngàn USD tiền lót tay mà Santos bỏ túi, chưa kể khoản tiền lương cao ngất mà Santos được nhận.
Dù vậy, cho đến giờ thì Phan Văn Santos thậm chí còn chưa tìm được bến đỗ mới. Đội bóng mà Santos khoác áo trong mùa giải 2013 là B.Bình Dương không cần anh nữa, trong khi đích đến mà Santos nhắm đến là HV.An Giang cũng chưa chính thức gật đầu với thủ thành này.
Nếu biết rằng HV.An Giang chỉ là anh tân binh của V.Ninh Bình, vốn không phải là đội bóng thuộc vào loại giàu mạnh gì, mà vẫn đủ sức “chê” Santos, thì càng thấy rằng thủ thành gốc Brazil giảm giá trị đến mức nào.Trường hợp tương tự liên quan đến tiền đạo nổi tiếng ngày nào Huỳnh Kesley Alves. Cũng giống như Santos, Kesley có thời cực kỳ đắt giá, nhờ cái mác ngoại binh nhập tịch.
Và cũng giống như Santos, Kesley hiện giờ không còn nằm trong kế hoạch của B.Bình Dương, trong khi anh muốn đến đầu quân cho đội khác cũng khó, vì hầu hết các đội bóng nội đều ngại mức lương cao mà Kesley thường đòi hỏi.
Họ chỉ là những trường hợp tiêu biểu nhất, đáng chú ý nhất, nhưng vẫn chưa phải là trường hợp duy nhất phải chịu cảnh thất nghiệp. Dạng cầu thủ nhập tịch chưa rõ tương lai còn rất nhiều, như Hoàng Max (mùa trước đá cho XM Xuân Thành Sài Gòn), Hoàng Vissai (tức Dio Preye, mùa trước đá cho HV.An Giang), Nguyễn Hoàng Helio (B.Bình Dương)…Điểm chung của các cầu thủ nhập tịch là ở chỗ trước khi trở thành công dân nội, họ thi đấu rất hay, nhưng đến khi được nhập tịch, được tính như nội binh, phong độ của họ xuống thấy rõ.
Số khác, dù chưa đến mức thất nghiệp như những người vừa nêu, nhưng cũng đã sa sút phong độ rất thảm hại từ khi được tính là cầu thủ nội. Đó là Lê Văn Tân (tức Jonathan), Lê Văn Phú (tức Issifu) của V.Hải Phòng, Phan Lê Issac (ĐT Long An), Lê Hoàng Phát Thierry (Đồng Nai), Lê Văn Ta (tức Mota – V.Ninh Bình)…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng chủ yếu xuất phát từ chính ý thức của các cầu thủ. Khi không còn áp lực cạnh tranh để có chỗ đứng trong số 3 ngoại binh được đăng ký ở mỗi đội trong mỗi mùa bóng, khi có thể được thoải mái đăng ký với tư cách nội binh, mức độ chăm chỉ của các cầu thủ nhập tịch cũng giảm dần. Đấy cũng chính là lý do mà hàng loạt đội bóng trong vòng 1 – 2 năm trở lại đây, dù sử dụng rất đông cầu thủ nhập tịch, sử dụng rất nhiều “Tây” trong đội hình, nhưng vẫn không cho kết quả tốt trong thi đấu.
Đó là V.Ninh Bình của mùa bóng 2012 (có lúc có tới 6 “Tây” trong đội hình, gồm 3 suất ngoại binh và 3 cầu thủ nhập tịch), là B.Bình Dương của năm 2013 (cao điểm có đến 7 “Tây”), nhưng thành tích của họ lại rất bết bát.
Cũng từ thất bại của các đội bóng này mà làng cầu Việt Nam nhận ra rằng nhiều cầu thủ nhập tịch, nhiều “Tây” chưa hẳn đã ngon. Đặc biệt là với dạng cầu thủ gốc ngoại đã sa sút về mặt thể lực, chểnh mảng trong tập luyện và thiếu gương mẫu trong sinh hoạt (tất yếu dẫn đến sa sút về chuyên môn) thì thà dùng cầu thủ nội còn tốt hơn.
Thuê cầu thủ dạng này mà vẫn phải trả giá cao, lương vẫn phải tính bằng đơn vị nhiều ngàn USD/tháng/người, lại là thất bại tiếp theo về mặt kinh tế. Vừa mất tiền, vừa không thu lợi về mặt chuyên môn, các đội bóng cũng dần nản chuyện săn cầu thủ nhập tịch, hoặc dần nản chuyện ra sức nhập tịch cho các ngoại binh mà họ ưa thích.
(Theo Dân Trí)