(Bongda24h.vn) – Hàng chục năm qua, người hâm mộ bóng đá Việt Nam vẫn luôn mơ giấc mơ vượt qua Thái Lan, để rồi phải thất vọng mỗi khi đội tuyển Việt Nam thảm bại trước người Thái. Thế nhưng nếu nhìn từ góc độ kinh tế, tức là ở số tiền mà chính phủ Thái Lan so với Việt Nam chi ra cho bóng đá, có thể thấy được rằng vượt qua họ không phải là chuyện đơn giản.
Trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, vấn đề đôi khi không chỉ là cách làm của các nhà quản lý, mà điều quan trọng hơn thường xuất phát từ chuyện kinh phí. Đây không phải là vấn đề của riêng bóng đá Việt Nam mà còn đến từ câu chuyện của nền thể thao Việt Nam, hay như tại những nền bóng đá tầm cỡ thế giới. Điều có thể dễ nhận ra là giữa những nền bóng đá có truyền thống tương đồng và một cách làm hợp lý thì quốc gia nào đầu tư nhiều tiền hơn thì sẽ sở hữu một nền tảng ổn định hơn rất nhiều.
Câu chuyện vượt Thái Lan: Nhìn từ góc độ kinh tế |
Chúng ta có thể lấy ví dụ từ giải ngoại hạng Anh khi mà Liverpool, đội bóng có truyền thống lâu đời nhưng đang gặp khó khăn trong những năm gần đây trong việc tìm lại vị thế vốn có. Người hâm mộ đội bóng thành phố cảng đã dành quá nhiều sự kỳ vọng vào The Kop ở những mùa giải đã qua, nhưng bên cạnh mùa 2013/14 khi họ suýt nữa vô địch với sự tỏa sáng của bộ đôi Suarez và Sturridge, thì Liverpool thường xuyên gặp khó khăn để tìm đường lọt vào top 4. Rất nhiều HLV đã đến và đi nhưng đều không thể mang lại chức vô địch mà họ đã chờ đợi từ cách đây hơn 2 thập kỷ. Ngay cả đến HLV Brendan Rodgers vừa mới bị sa thải cũng khiến cho giới chuyên môn phải bàng hoàng bởi trước đó Liverpool đang trải qua chuỗi 6 trận bất bại trên mọi đấu trường. Nhưng với truyền thống của một đội bóng đã từng 18 lần vô địch Anh thì rõ ràng kết quả như vậy là chưa đủ. Nhưng vấn đề lại nằm ở việc quỹ lương của Liverpool hiện tại chỉ đứng thứ 5 tại giải đấu, sau Man City, M.U, Chelsea và Arsenal. Doanh thu hàng năm mà đội bóng chủ sân Anfield giành được cũng thua 4 đội bóng kể trên. Vì thế mà việc họ phải nằm ngoài top 4 cũng không có gì quá khó hiểu.
Thất bại Việt Nam 0-3 Thái Lan để lại cho chúng ta quá nhiều suy ngẫm về bóng đá nước nhà. Có lẽ phải rất rất lâu nữa thì bóng đá Việt Nam mới đạt đến tầm của...
Chúng ta cũng có thể lấy câu chuyện kinh phí của nền thể thao Việt Nam so với chính Thái Lan trong khu vực Đông Nam Á. Ở kỳ SEA Games vừa qua, đã có những thời điểm mà đoàn thể thao Việt Nam chỉ còn kém Thái Lan đúng 1 huy chương vàng, thậm chí là vượt qua họ trong một số thời điểm của các ngày thi đấu cuối cùng. Nhưng kết quả là phong độ cực tốt của các vận động viên Thái Lan, đặc biệt là ở nội dung điền kinh, đã chấm dứt hy vọng vượt Thái của thể thao Việt Nam tại kỳ SEA Games trên đất Singapore mùa hè 2015.
Theo thống kê về chi tiêu ngân sách dành cho thể thao mà người Thái đã bỏ ra cho năm 2014, có thể thấy họ đã chi khoảng 0,22% ngân sách nhà nước cho các hoạt động thể dục thể thao, tức là khoảng 172 triệu USD (khoảng 3,8 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó Việt Nam chỉ chi khoảng 0,22% ngân sách cho thể dục thể thao, tức là khoảng 104 triệu USD (2,3 nghìn tỷ đồng). Nói cách khác, số tiền mà Thái Lan bỏ ra cho việc phát triển nền thể thao nước họ cao gấp gần 1,7 lần so với Việt Nam. Điều đó lý giải vì sao số huy chương mà họ giành được tại các kỳ Đại hội thể thao khu vực luôn nhỉnh hơn so với chúng ta, ngoại trừ tại SEA Games 22 được tổ chức tại Việt Nam.
Bóng đá là một phần không thể thiếu của thể thao, đặc biệt là ở Việt Nam vs Thái Lan, những quốc gia hết sức cuồng nhiệt với môn túc cầu. Vì thế ở một góc độ nào đó, ta cũng có thể nói rằng số tiền mà Liên đoàn bóng đá Thái Lan được nhận để phát triển bộ môn này cũng cao hơn một số lượng tương đối so với những gì VFF được nhận mỗi năm. Như vậy, ngay cả khi cách làm bóng đá của hai quốc gia là như nhau, thì việc đầu tư nhiều hơn đã giúp cho Thái Lan có thể gặt hái được nhiều thành công hơn một cách tương đối so với đội bóng đến từ mảnh đất hình chữ S.
VFF cần nhận trách nhiệm trước khi muốn đổ lỗi lên HLV Miura |
Dẫu vậy, vấn đề ở đây là người ta đang ngày càng thấy bóng đá Thái Lan bỏ xa so với Việt Nam cho dù số kinh phí tương đối giữa hai quốc gia không có dấu hiệu thay đổi. Khi đó vấn đề về cách làm bóng đá mới được thể hiện rõ nét. Ở các cấp độ trẻ trong năm qua, Việt Nam luôn phải nhận thất bại trước đội bóng xứ chùa vàng. Từ việc U16 Việt Nam thất thủ 0-2 tại giải vô địch Đông Nam Á, cho đến U19 của Trọng Đại, Đức Chinh và các đồng đội còn thua đậm hơn với tỷ số 6-0 cũng tại giải đấu cấp khu vực. Rồi đến lượt những người đàn anh U23 tại SEA Games 28 cũng nhận thất bại 1-3 trước U23 Thái Lan ở vòng bảng. Gần nhất, đội tuyển Việt Nam thất bại 0-3 ngay trên sân nhà trước đội quân của HLV Kiatisuk. Thậm chí ở trận bán kết futsal Đông Nam Á vừa mới kết thúc thì chúng ta cũng thua theo cùng một kịch bản với các trận đấu kể trên với tỷ số 0-6. Đây là trận đấu kết thúc duyên nợ giữa hai nền bóng đá được coi là phát triển bậc nhất khu vực trong năm 2015, và chúng ta đã biết ai là bá chủ.
Với số vốn đầu tư không đổi nhưng bóng đá Thái Lan vẫn cứ tiến lên, thậm chí BLV Quang Huy còn nhận định rằng họ sẽ sớm tiệm cận so với Nhật Bản trong khoảng 3 năm tới. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang dậm chân tại chỗ. Như vậy vấn đề của chúng ta nằm ở cách phân bổ nguồn kinh phí không hợp lý và đây là vấn đề mà VFF sẽ phải chịu trách nhiệm, chứ không phải cách họ đẩy sang cho HLV Miura như đã làm sau trận đấu Việt Nam 0-3 Thái Lan vừa qua.
Hàn Phi