- SỐC: Truyền hình Thái Lan chế nhạo tiền đạo Lê Công Vinh
- Học sinh lớp 9 "dạy" VFF cách làm bóng đá
- Bóng đá Việt Nam: Nói nhiều, làm được bao nhiêu?
Vào tháng 12 tới, Tổng cục TDTT sẽ mở “hội nghị diên hồng” để đại phẫu nền bóng đá Việt Nam. Nhưng dù là kế hoạch cao siêu gì đi chăng nữa cũng phải bắt đầu từ khâu đào tạo trẻ mà bóng đá học đường đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Đào tạo trẻ là chìa khóa
Với bất cứ nền bóng đá nào trên thế giới, muốn phát triển thì đều phải chú trọng khâu đào tạo trẻ. Thực tế trong môi trường bóng đá khốc liệt hiện nay chỉ có những quốc gia làm bóng đá căn bản, có kế hoạch vĩ mô thì mới gặt hái được thành công. Có thể kể đến bóng đá Đức, Tây Ban Nha đang ở trên đỉnh thế giới vì họ có hệ thống đào tạo trẻ gần như hoàn hảo. Bỉ cũng đang vươn lên trở thành gã khổng lồ mới của làng túc cầu thế giới sau cuộc cách mạng bóng đá trẻ 10 năm trước. Ngược lại “ông kẹ” một thời là Brazil thì đang thụt lùi trầm trọng vị không coi trọng các lứa trẻ. Xứ sở samba từng nổi tiếng là nơi sản sinh ra nhiều thiên tài bóng đá nhất từ trước tới nay. Thực tế Selecao cũng đang sở hữu 1 Neymar lừng danh thiên hạ. Thế nhưng việc quá tự tin vào nguồn cầu thủ vô tận từ đường phố mà không có kế hoạch chủ động đang khiến đội bóng vàng xanh lao đao trong những năm gần đây. Thất bại của Brazil đã chỉ ra rằng chỉ có làm tốt công tác đào tạo trẻ thì mới hy vọng thành công trong môn thể thao vua được.
Xét sang bóng đá Việt Nam thì đúng là những năm qua chúng ta vừa thiếu, vừa yếu trong công tác “trồng người”. Phải tới thời gian gần đây một số học viện ra đời mới bắt đầu con đường của bóng đá chuyên nghiệp. HAGL JMG, PVF, Viettel là những trung tâm bóng đá trẻ chất lượng đầu tiên tại Việt Nam. Nhưng như thế là quá ít để hy vọng vực dậy nền bóng đá, đấy là chưa kể đến việc chất lượng đào tạo ở các học viện này có tốt hay không. Quan trọng hơn khi 3 học viện bóng đá kể trên đều đến từ “bầu sữa” của các doanh nghiệp. Nếu hoạt động không hiệu quả, đầu tư nhiều mà không thu lợi nhuận vì khó mà tồn tại được. Vì thế cần có giải pháp xây dựng hệ thống đào tạo trẻ vừa trải rộng, vừa phải vững bền trong thời gian dài. Đây là điều không hề dễ dàng trong bối cảnh của bóng đá Việt Nam hiện nay. Đất nước còn nghèo, chẳng dễ để xây dựng hệ thống trung tâm bóng đá trẻ trải dài khắp cả nước. Chưa kể kinh phí hoạt động thường xuyên là dấu hỏi lớn.
Bóng đá học đường sẽ tìm ra nhiều tài năng cho đất nước |
Bóng đá học đường là lối thoát duy nhất
Chủ động trong việc xây dựng hệ thống đào tạo trẻ là điều không thể. Thậm chí yêu cầu mỗi CLB tham gia V-League và Hạng Nhất xây dựng học viện bóng đá riêng đã là điều khó chứ chưa nói đến việc nhân rộng ra khắp các địa phương. Vì thế chúng ta phải tìm giải pháp khác để phù hợp với thực tiễn hoàn cảnh bóng đá Việt Nam – đó là bóng đá học đường. Thật ra VFF cũng đã thử nghiệm mô hình bóng đá học đường tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2013 nhưng như thế là quá ít. Chúng ta phải nhân rộng ra toàn quốc mới có thể nhìn ra được hiệu quả của mô hình này đem lại.
Có thể hiểu với tình hình nước ta hiện nay, chỉ riêng VFF hay Tổng cục TDTT cũng không thể đẩy nền bóng đá nước nhà lên được mà phải cần sự hỗ trợ của mọi nguồn lực xã hội. Nếu triển khai bóng đá học đường thì chúng ta gần như sẽ giải quyết được vấn đề này. Khi đó Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ chung tay bằng cách cải thiện, sửa chữa sân chơi, nhà thi đấu của trường học thành một “học viện bóng đá mini”. Đưa bóng đá trở thành môn học chủ đạo trong các giờ thể dục. VFF cũng sẽ phải đào tạo các thầy giáo thể chất, hoặc đưa những HLV có chuyên môn vào giảng dạy. Tất nhiên cũng cần phải có sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ của các bậc phụ huynh, của toàn dân thì mô hình bóng đá học đường mới thật sự trở nên khả thi.
Tại Nhật Bản, nền bóng đá số 1 châu Á hiện nay cũng đi lên từ bóng đá học đường. Vì khi áp dụng mô hình này sẽ tận dụng được mọi nguồn lực và không bị bỏ sót tài năng nào. Đặc biệt các giải bóng đá, festival giữa cách trường học sẽ tìm ra rất nhiều cầu thủ giỏi. Đó là lý do mà bóng đá xứ mặt trời mọc hiện nay luôn thừa mứa tài năng trên sân cỏ. Số lượng cầu thủ sang châu Âu hay ra nước ngoài thi đấu nhiều không đếm xuể. Tất nhiên từ đó thì bóng đá Nhật Bản đã sinh lời và trở thành một phần GDP của đất nước.
Kết lại
Đưa bóng đá Việt Nam phát triển như Nhật Bản là điều cực khó bởi điều kiện và hoàn cảnh khác nhau nhưng chúng ta vẫn còn thể thu được kết quả tốt nếu triển khai bóng đá học được. Nhất là khi điều kiện cơ sở vật chất và công nghệ còn lạc hậu thì chỉ còn cách vận dụng mọi nguồn lực xã hội mới mong bóng đá nước nhà đi lên được. Và mô hình bóng đá học đường gần như là giải pháp duy nhất giải quyết được mọi vấn đề của bóng đá Việt Nam vào lúc này.
Doãn Công