Siêu sao "việc nhẹ, lương cao"
Tại CLB mới, người gác đền số 1 của ĐT Việt Nam được cho sẽ nhận 27,2 tỉ đồng tiền lót tay cho 4 năm hợp đồng (đã nhận trước 50% số tiền), chưa kể những đãi ngộ lớn khác. Trong khi tại đội bóng cũ, số tiền lót tay mà thủ môn 31 tuổi được trả cho 3,5 năm hợp đồng chỉ là 13 tỷ đồng cùng mức lương gần 400 triệu/tháng.
Nhưng vì hợp đồng với Quy Nhơn Bình Định giải phóng trước một năm nên số tiền lót tay thực tế mà Lâm “tây” nhận sẽ không quá 10 tỷ đồng. Tức thù lao mà thủ môn 31 tuổi được CLB trẻ TP HCM trả gần như gấp đôi so với thời điểm anh thi đấu tại V.League, nhưng công việc của Lâm sẽ nhàn hạ hơn bởi trình độ chuyên môn giữa 2 hạng đấu có sự lệch pha rất lớn.
Đặng Văn Lâm gia nhập CLB hạng Nhất |
Từ giờ tới cuối tháng 10, thời điểm Giải hạng Nhất dự kiến khởi tranh, Đặng Văn Lâm không bắt trận nào, ngoại trừ những đợt tập trung ĐT quốc gia. Thủ môn sinh năm 1993 có thể bước vào ASEAN Cup vào tháng 12 với số trận bắt chính không quá một bàn tay.
Vụ chuyển nhượng của Văn Lâm đã mở ra một góc nhìn mới về việc các ngôi sao bóng đá Việt Nam, đứng trước lựa chọn có nên hay không đánh đổi sự nghiệp để đi theo tiếng gọi đồng tiền.
Với đẳng cấp của người gác đền số 1 tại ĐT Việt Nam, NHM kỳ vọng vào Lâm “tây” sẽ chọn bến đỗ mới có sức cạnh tranh cao hơn, nếu không phải xuất ngoại thì cũng là những CLB có tiềm lực cạnh tranh cho chức vô địch V.League.
Vì thế, quyết định chọn CLB trẻ TP HCM để thi đấu tại Giải hạng Nhất của Văn Lâm không chỉ gây bất ngờ, mà đồng thời có nguy cơ khiến anh tự đánh mất suất bắt chính tại ĐT Việt Nam. Lâm “tây” đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ Filip Nguyễn của CAHN. Trước mắt tại mùa giải 2024/25, Lâm đã không còn những trận cầu chất lượng cao để có thể tạo ra cuộc đua sòng phẳng với các đồng nghiệp tại V.League.
Câu chuyện của Văn Lâm có những nét tương đồng với trường hợp của Phạm Tuấn Hải. Hà Nội FC được cho đã chi số tiền rất lớn để giữ chân tiền đạo của ĐT Việt Nam thêm 3 năm. Được thi đấu trong một tập thể nhiều ngôi sao sẽ giúp Tuấn Hải trước mắt duy trì sự ổn định, nhưng để tạo ra sự bứt phá về chuyên môn, chân sút sinh năm 1998 cần thoát khỏi “vòng tròn an toàn” mang tên Hà Nội FC. Dù từng ngỏ ý muốn sang Nhật Bản chơi bóng, nhưng việc tiếp tục gắn bó với đội bóng Thủ đô cho thấy Tuấn Hải vẫn chưa thật sự sẵn sàng ra nước ngoài.
Tuấn Hải gia hạn hợp đồng với CLB Hà Nội thêm 3 năm |
Và cũng từ việc các CLB trong nước đưa ra mức đãi ngộ hấp dẫn cũng góp phần hạn chế cơ hội “xuất ngoại” của các cầu thủ, từ đó tạo ra môi trường thiếu tính cạnh tranh. Bởi các ngôi sao không cần đi nước ngoài vẫn được nhận chế độ đãi ngộ cao, đôi khi vượt quá giá trị của mình.
Trước đó, tiền vệ Nguyễn Quang Hải đã cam kết gắn bó trọn đời với CLB hiện tại là CAHN. Hải “con” từng từ chối gia hạn hợp đồng của Hà Nội FC để sang Pau FC tại Giải hạng Nhất Pháp. Nhưng quãng thời gian thất bại tại Pháp khiến Hải đánh mất tự tin để thêm một lần thử sức tại nước ngoài.
Trong khi Nguyễn Hoàng Đức được cho đã đạt thỏa thuận với CLB tại V.League khác với bản hợp đồng kéo dài 3 mùa giải lên đến 27 tỷ tiền lót tay. Nhưng một câu hỏi đặt ra liệu phong độ lúc này của Hoàng Đức có thật sự xứng đáng với giá trị lót tay 9 tỷ/mùa hay không? Những năm cuối trong màu áo của Thể Công - Viettel FC, đương kim Quả bóng vàng Việt Nam đang dần đánh mất chính mình cả về chuyên môn lẫn thành tích cùng CLB chủ quản.
Nguy cơ từ vùng an toàn
Những người yêu bóng đá nước nhà vẫn mong việc “xuất khẩu” cầu thủ được diễn ra liên tục, để không chỉ nâng tầm vị thế mà còn cải thiện vấn đề chuyên môn. Nhưng việc các ngôi sao quyết định đánh đổi cả sự nghiệp để theo tiền bạc hay chưa muốn thoát khỏi vùng an toàn khiến NHM hụt hẫng. Bởi như vậy thì họ lấy đâu ra sức cạnh tranh hay động lực để họ phấn đấu, nâng tầm về chuyên môn?
Khi đó, sự “ảo” giá của đồng tiền khiến các cầu thủ không còn nhận thức rõ năng lực thật sự của mình. Điều này sẽ làm hại cho nền bóng đá.
Hai ngôi sao sáng nhất bóng đá Việt Nam là Hoàng Đức và Quang Hải đều lựa chọn vùng an toàn |
Các tuyển thủ Việt Nam đương nhiên có quyền được chọn lựa CLB mà mình thi đấu, miễn sao môi trường làm việc phù hợp với họ. Họ cũng nhận thức rõ đời cầu thủ ngắn hạn nên cố gắng tích lũy thêm những đồng tiền lương, thưởng hay lót tay để lo chuyện giải nghệ. Tất cả xứng đáng được tôn trọng với quyết định của mình sau quãng thời gian dài đã cống hiến cho các ĐT quốc gia.
Nhưng nhìn sự chuyển động trên thị trường chuyển nhượng của bóng đá Việt Nam trong thời gian, nhiều người cảm thấy e ngại. Khi các ngôi sao hàng đầu đều chọn vòng an toàn, bóng đá Việt Nam sẽ bước vào vùng nguy hiểm.
Trong khi khoảng trống về thế hệ kế cận tại ĐT Việt Nam khiến những người làm công tác chuyên môn vô cùng lo lắng. Chưa có một cầu thủ trẻ nào thật sự vươn mình để trở thành trụ cột tại ĐT Việt Nam, mà chủ yếu chỉ mới ở dừng mức tiềm năng. Liên tiếp các thất bại từ lứa U16, U19 và U23 trong hơn một năm qua càng khiến NHM lo lắng về bóng đá nước nhà.
Bên cạnh những bản hợp đồng khủng với số tiền lót tay ngày càng tăng, bóng đá Việt Nam đang “cài số lùi”.