Thứ Năm, 28/03/2024Mới nhất
Zalo

Các cầu thủ HAGL có phù hợp với triết lý HLV Miura?

Chủ Nhật 20/12/2015 14:42(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h.vn) – Chưa bao giờ có tới nhiều cầu thủ của HAGL đến vậy ở đội tuyển U23 Việt Nam. Càng bất ngờ hơn khi họ đã được triệu tập bởi chính HLV Miura. Người hâm mộ bóng đá Việt Nam nên vui hay nên buồn với thông tin này?


Sau khi chứng kiến lứa U19 Việt Nam làm bá chủ Đông Nam Á những năm 2013, 2014 và thi đấu gần như ngang ngửa với các đội bóng hàng đầu tại châu lục, người hâm mộ đã nghĩ ngay đến viễn cảnh những Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường sẽ là nòng cốt của đội U23 hoặc thậm chí là đội tuyển quốc gia. Trong lịch sử bóng đá thế giới thì câu chuyện đó không có gì là hiếm, thậm chí ngay cả với bóng đá Việt Nam
 ngày trước cũng có thời kỳ phụ thuộc khá nhiều vào những cầu thủ đến từ Thể Công hay Sông Lam Nghệ An. Nhưng dưới triều đại của HLV Miura mà có tới 9 cầu thủ HAGL được triệu tập thì quả là chuyện hiếm có.

Cac cau thu HAGL tai U23 Viet Nam co phu hop voi triet ly HLV Miura hinh anh
Các cầu thủ HAGL liệu có hợp với triết lý Miura?


Tất nhiên ở đây điểm khác biệt giữa triết lý của HLV Miura và tố chất của phần lớn các cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo HAGL Arsenal JMG là hoàn toàn trái ngược, có thể ví như nước với lửa. Nhà cầm quân người Nhật rất chuộng lối chơi bóng dài. Ông yêu cầu các học trò không bao giờ được khống chế quá 2 chạm. Thậm chí là trong phản công nhanh thì các cầu thủ được yêu cầu chơi đúng 1 chạm để khiến đối phương gặp bất ngờ. Trong khi đó, nhiều cầu thủ của HAGL lại có xu hướng đá phối hợp nhóm nhỏ và ngắn. Họ là đội bóng có thói quen kiểm soát thế trận, cầm bóng nhiều và giữ bóng trong chân rất lâu. Tất nhiên người hâm mộ có thể thấy những tình huống phối hợp nhóm nhỏ 1 chạm rất nhanh của HAGL, hay như đội bóng của Toshiya Miura có thể chủ động cầm bóng và kiếm soát thế trận, nhưng điều đó không diễn ra thường xuyên.

Một trong những sự trái ngược mà khó thấy hơn, đó là ở phương án tiếp cận khung thành đối phương bằng những đường bóng dài của HLV Miura đòi hỏi các cầu thủ phải có khả năng tranh chấp tốt. Triết lý của ông thầy người Nhật là rất hiện đại và được nhiều đội bóng tại châu Âu đang áp dụng trong những năm gần đây, đó là “winning the second ball”, tạm dịch là cố gắng đoạt bóng ngay khi đối thủ vừa cướp được.

HLV Miura gọi thêm Đức Lương, HAGL chiếm nửa quân số U23 Việt Nam
Sau Văn Thanh, HLV Miura tiếp tục gọi thêm hậu vệ Đức Lương của HAGL vào U23 Việt Nam trong sáng nay. Như vậy đội bóng phố Núi đã có 9 cầu thủ góp mặt ở U23...


Mục đích mà HLV Miura để các học trò sử dụng nhiều những đường bóng dài không phải chỉ là để các tiền đạo tiếp cận khung thành đối phương dễ dàng hơn, cũng không phải để các tiền đạo có chiều cao hạn chế của chúng ta tranh chấp bóng bổng trực tiếp với đối thủ sau khi bóng được phất lên (winning the first ball), mà đơn giản là chúng ta sẽ chờ hậu vệ đối phương đón bóng để rồi pressing và cướp bóng ngay bên phần sân của họ.

Sở dĩ chiến thuật này trở nên hiệu quả và thịnh hành tại châu Âu với những CLB và đặc biệt là với nhiều đội tuyển quốc gia không quá xuất sắc là bởi nó không đòi hỏi một sự đầu tư, chuẩn kỹ công phu và kỹ lưỡng. Để áp dụng tốt những chiến thuật như Tiki-taka, có lẽ một HLV phải mất vài năm trời xây dựng và chuẩn bị một nền móng, nhưng với chiến thuật “second ball”, các HLV không cần mất quá nhiều thời gian tổ chức đội bóng, đặc biệt là với các ĐTQG vốn chỉ tập trung vài lần trong 1 năm còn các cầu thủ thì đến từ những CLB khác nhau, khó có thể gắn kết họ lại trong thời gian ngắn.

Về mặt chiến thuật, khi bóng được phất bổng lên, không dễ để các hậu vệ của đối phương có thể đỡ bước một thành công với sự áp sát của các tiền đạo, vì thế họ buộc phải đánh đầu chuyền cho các đồng đội, với những tình huống bóng bổng như vậy, không khó để kiểm soát được trái bóng, đặc biệt là khi các hậu vệ và tiền vệ của chúng ta sẽ chơi pressing và áp sát cực nhanh để giành lấy bóng. Hơn nữa, các hậu vệ thường không phải là những người có khả năng chuyền bóng tốt hay có được nhãn quan tuyệt vời, vì vậy mà chúng ta có thể bắt bài những đường chuyền của họ và tổ chức tấn công nguy hiểm bởi khi đó trái bóng cướp được thường nằm ở bên phần sân đối thủ. Đó là cách mà U23 Việt Nam đã sử dụng để đối đầu với U23 UAE tại Asiad 2014 và mang lại một màn trình diễn ấn tượng dù thất bại.

Cac cau thu HAGL co phu hop voi triet ly HLV Miura hinh anh 2
HLV Miura sẽ xây dựng lối chơi quanh các cầu thủ HAGL?


Cần phải nói rằng thứ bóng đá “second ball” ấy không phù hợp với thể chất của cầu thủ Việt Nam bởi chúng ta không có được khả năng tranh chấp tốt, nhưng HLV Miura đã biến những Huy Hùng, Hoàng Thịnh và cả Vũ Minh Tuấn, Hồ Ngọc Thắng, Huy Toàn trở thành những chiến binh pressing rất hiệu quả. Giờ đây những cầu thủ kể trên đều không còn ở đội U23 Việt Nam vì những lý do khác nhau, khiến ông buộc phải sử dụng những cầu thủ của HAGL. Những Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn đều không phải mẫu cầu thủ có khả năng tranh chấp tay đôi tốt, tương tự là bộ đôi Đức Lương và Văn Thanh vừa mới được triệu tập. Đó là lý do mà nhiều người để ngỏ khả năng thành công của U23 Việt Nam tại giải đấu tầm cỡ châu lục sắp tới, đặc biệt là khi những đối thủ chúng ta sẽ gặp phải đều có thể hình và thể lực vượt trội hơn U23 Việt Nam.

Chỉ có 2 khả năng mà cái sự tréo ngoe này xảy ra. Thứ nhất là do HLV Miura không còn sự lựa chọn nào khác mà phải gọi những cầu thủ của HAGL, vì bóng đá Việt Nam hết nhân tài hay sức ép từ một thế lực nào đó. Nếu điều này xảy ra thì sẽ thực sự là một thảm họa. Khả năng thứ hai là HLV Miura đã chủ đích gọi nhiều cầu thủ HAGL để đa dạng hơn các miếng bài tấn công nhờ vào sở trường của họ, đồng thời rèn dũa họ trở thành những chiến binh cho lối chơi “second ball” mà ông đang áp dụng. Đây là một nguyên nhân dễ lý giải hơn, đặc biệt là khi HLV Miura phát biểu ở buổi họp báo sau trận gặp Cerezo Osaka rằng ông sẽ tạo thêm những bài bản chiến thuật mới trong thời gian tới, tất nhiên là vẫn giữ nguyên triết lý của mình.

Hàn Phi
 

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X