Thứ Bảy, 20/04/2024Mới nhất
Zalo

Cá cược bóng đá ở VN: “Lợi bất cập hại”

Thứ Ba 06/03/2012 21:57(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Việc ông Sheldon Adelson, Chủ tịch Las Vegas Sands, mới đây bày tỏ mong muốn đầu tư vào VN kèm theo nguyện vọng cho phép người dân VN vào chơi ở các sòng bài do Las Vegas Sands bỏ vốn xây dựng một lần nữa lại làm dư luận xôn xao vì vấn đề nên hay không nên hợp pháp hoá các hoạt động đánh bạc ở VN, vốn vẫn đang bị nghiêm cấm theo Bộ luật Hình sự hiện hành. Ở một khía cạnh hẹp hơn, giấc mơ hợp pháp hoá cá cược bóng đá nói riêng và thể thao nói chung cũng đã và đang được nhắc đến rất nhiều từ hơn một nửa thập kỷ trở lại đây, và có không ít người không hề che giấu sự háo hức về dự án này và cho rằng nếu được đưa vào thực hiện thì đấy sẽ là con gà đẻ trứng vàng cho bóng đá VN.

Tuy nhiên, với một nền bóng đá mà mỗi thất bại của ĐTQG ở sân chơi khu vực hay mỗi trận thua của một hay một số CLB tại giải VĐQG vẫn chưa được hoàn toàn nhìn nhận từ lí do chuyên môn đơn thuần, mà đâu đấy vẫn lơ lửng câu hỏi: “Có gì không” thì có lẽ hợp pháp hoá cá cược bóng đá vẫn là một lựa chọn cần được các cơ quan quản lí Nhà nước xem xét thật kỹ lưỡng và thấu đáo từ nhiều góc độ khác nhau.

Tuyển thủ QG Duric (phải) từng tìm cách tới V-League chơi bóng vì mức lương ở đây cao hơn nhiều so với S-League

Không ai phủ nhận những lợi ích kinh tế khổng lồ do cá cược bóng đá hợp pháp đem lại, nhưng hãy thử nhìn từ trường hợp của Singapore, quốc gia có ngành công nghiệp cá cược bóng đá phát triển nhất Đông Nam Á, thì thấy liệu giải VĐQG Singapore (S-League) và các ĐTQG Singapore nhận được bao nhiêu lợi ích từ cá cược bóng đá?!

Theo bảng xếp hạng các giải VĐQG trên thế giới của Liên đoàn thống kê và lịch sử bóng đá thế giới (IFFHS) trong giai đoạn 2001-2011, S-League của Singapore đứng đầu Đông Nam Á (hạng 82), xếp trên V-League của VN (hạng 88), Thai-League của Thái Lan (hạng 89), Malaysia Super League của Malaysia (hạng 91)…, nhưng trên thực tế, S-League có sức hấp dẫn kém hơn rất nhiều so với V-League, Thai-League hay Super League của Indonesia, bởi bằng chứng là các ngôi sao bóng đá nổi tiếng nhất của Singapore đều tìm cách sang chơi bóng ở các giải VĐQG láng giềng, và bản thân tiền đạo Aleksandar Duric hay hậu vệ Daniel Bennett của ĐT Singapore từng hơn một lần bày tỏ nguyện vọng tới V-League thi đấu để được hưởng mức lương hậu hĩnh hơn nhiều so với S-League.

Còn ở cấp độ ĐTQG, bóng đá Singapore đã liên tục thất bại ở AFF Cup SEA Games cũng như vòng loại các giải quốc tế lớn trong vòng 5, 6 năm qua, và tại sân chơi châu lục dành cho CLB như AFC Cup, các đại diện của S-League cũng không xuất sắc hơn V-League là mấy. Tức là, có thể cá cược bóng đá đã và đang mang lại nguồn lợi đáng kể cho kinh tế Singapore, nhưng từ góc độ chuyên môn mà nói, đóng góp của cá cược bóng đá dành cho bóng đá Singapore là không thực sự rõ ràng.

Hàng loạt scandal dàn xếp tỷ số ở một số giải VĐQG tên tuổi của châu Á mới bị phanh phui trong thời gian vừa qua như K-League của Hàn Quốc hay C-League của Trung Quốc càng khiến cho người ta thêm ái ngại về nguy cơ những tay trùm độ sẽ tìm mọi cách vươn bàn tay bạch tuộc để chi phối kết quả thi đấu theo ý đồ của bọn chúng. Không chỉ có bóng đá châu Á, scandal dàn xếp tỷ số còn len lỏi cả vào bóng đá châu Âu với hàng loạt cái tên như Italia, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Croatia, Slovenia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary, Bosnia-Herzegovina và Áo...

Rõ ràng, việc một số quốc gia có nền kinh tế và bóng đá phát triển hơn VN rất nhiều như vừa nêu trên mà vẫn không thể kiểm soát được hoàn toàn các biểu hiện tiêu cực trong bóng đá, thì bóng đá VN với một cơ thể còn rất yếu và thiếu như hiện nay có lẽ chưa nên nghĩ tới việc vận động các cơ quan quản lí Nhà nước cho phép hợp pháp hoá cá cược bóng đá, bởi ngay cả việc điều hành một giải đấu thuần tuý từ khía cạnh chuyên môn mà hơn 10 năm nay VFF vẫn chưa làm tốt và năm nay mới dẫn tới sự xuất hiện của VPF, thì cá cược bóng đá lúc này dường như là “lợi bất cập hại”.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X