Không thể đếm nổi đây là lần thứ bao nhiêu trong vòng 6 tháng qua Tổng cục TDTT phải có công văn chỉ đạo VFF về những vấn đề nổi cộm liên quan tới các hoạt động của bóng đá VN. Tưởng như sau khi có sự ra đời của VPF, trách nhiệm quản lí Nhà nước của Tổng cục TDTT với bóng đá sẽ nhàn hơn rất nhiều, bởi 2 mảng việc được xem là quan trọng nhất và phức tạp nhất là tổ chức thi đấu và tìm kiếm tài trợ đều đã do VPF lo liệu.
Về vấn đề tìm kiếm tài trợ thì chẳng có gì để phàn nàn, bởi các ông bầu trong bộ máy lãnh đạo VPF với uy tín cá nhân của mình đã không gặp khó khăn gì để mang về cho V-League những bản hợp đồng tài trợ có giá trị cực lớn, nhưng công việc tổ chức thi đấu thì lại gian nan và vất vả hơn rất nhiều.
Sau hàng loạt sự cố do các trọng tài mang lại ở lượt đi khiến sân cỏ VN nổi sóng ở cả V-League cũng như giải hạng Nhất, VPF đã xiết lại công tác tổ chức ở giai đoạn 2 với hy vọng mọi việc sẽ được đưa vào khuôn khổ, nhưng tiếc thay bóng đá VN bây giờ lại như đứa con đã quá lớn mà quần áo lại chưa may theo kịp, nên cứ vá được chỗ này thì lại rách chỗ kia, và mỗi lần rách là thêm một lần nghiêm trọng.
Trận TĐCS.ĐT-V.HP tưởng như không có gì tranh cãi vì chuyên môn quá chênh lệch thì lại nổi sóng vì chuyện trọng tài
Sẽ là không công bằng nếu như quy mọi trách nhiệm cho VPF về vụ việc ở trận TĐCS.ĐT-V.HP vừa qua và cả những vụ việc nổi cộm trước đó, bởi VPF chỉ đơn giản là kế thừa di sản do VFF để lại sau hơn 10 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, mà thành công tuy có nhưng tồn tại cũng không ít. Thực tế mà nói, hành vi tấn công trọng tài Võ Minh Trí vừa rồi của một số CĐV Hải Phòng không thể xuất hiện, nếu như trước đây VFF xử lí thật nghiêm khắc trước những lần vi phạm kỷ luật của CLB V.HP nói riêng và các đội bóng hoặc cầu thủ “rắn mặt” ở V-League nói chung.
Chỉ có ở V-League mới có tình trạng trọng tài tiếng là vua sân cỏ nhưng bất cứ thành phần nào trên sân cũng có thể tấn công hoặc mạt sát, từ lãnh đạo đội bóng, cầu thủ cho tới khán giả, và kể cả khi đã cởi bỏ bộ trang phục trọng tài cũng không tránh khỏi những tai nạn do sân cỏ mang lại. Điều đó cho thấy trọng tài bóng đá ở VN là nghề quá sức khắc nghiệt và nguy hiểm, nên việc có không ít trọng tài sẵn sàng làm trái với lương tâm nghề nghiệp để bảo vệ mạng sống hoặc bảo đảm quyền lợi của cá nhân suy cho cùng cũng chẳng có gì là lạ.
Cũng thật kỳ lạ khi V-League đã qua tuổi lên 10 từ lâu mà bây giờ vẫn còn có không ít kết quả thi đấu không thể giải thích dưới góc độ chuyên môn đơn thuần, và thay vào đó là tình trạng nghi nghi hoặc hoặc với những câu hỏi: “Có gì không”. Dư luận quả rất có lí khi đặt câu hỏi phải chăng một số cầu thủ và thành viên BHL V.HP đã phản ứng dữ dội đến thế với trọng tài Võ Minh Trí ở trận thua TĐCS.ĐT chỉ nhằm mục đích “không ăn được thì đạp đổ”, vì cánh cửa trụ hạng của V.HP ngày càng hẹp nên quậy tung lên để đổ vỡ giải có khi lại thấy con đường sống.
Trước đây lịch sử V-League và giải hạng Nhất đã chứng kiến không ít trường hợp đội bóng tìm thấy sự sống nhờ tay kẻ thứ 3 như vậy, nên bây giờ giả sử V.HP có suy nghĩ như thế cũng là điều hợp với logic. Chỉ có điều nếu đội bóng nào khi lâm nguy cũng muốn quậy tung để làm nháo nhào mọi việc lên như thế thì giải VĐQG sẽ biến thành cái gì, và còn có ai dám làm nhiệm vụ ở V-League khi tai bay vạ gió có thể ập tới bất cứ lúc nào, như trường hợp trọng tài Võ Minh Trí bị tấn công khi đang đi… vệ sinh vào lúc gần nửa đêm ở ngoài đường và đã cách xa sân Cao Lãnh hàng trăm cây số.
Có lẽ đã đến lúc phải một lần nữa nghiêm túc xem xét khả năng tạm dừng V-League để điều chỉnh lại tất cả trước khi mọi việc vượt quá tầm kiểm soát, vì rằng lượt về vẫn còn tới 9 vòng đấu nữa và chưa ai biết còn những chuyện gì có thể xảy ra. Bất cứ cuộc cách mạng nào cũng có giai đoạn quá độ, nhưng với cuộc cách mạng mang tên VPF thì không, khi mà từ ý tưởng đến lúc được đưa vào thực tế chỉ có vài tháng, và phải chăng bây giờ chúng ta đang phải trả giá vì đã đốt cháy giai đoạn?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)