Rất ngạc nhiên, khi phần lớn những ông bầu mới nổi của BĐVN lại chính là những "sát thủ" hoặc tiếp tay cho việc bóng đá nước nhà đi xuống, và đứng trước nguy cơ đổ vỡ hàng loạt cũng như vô số những phát sinh khác. Đây không phải là nhận định vô cớ, bởi thử hỏi dân trong làng cái cách làm bóng đá của bầu Thụy, bầu Thọ... chẳng đơn thuần là đam mê...
Từ câu chuyện của bầu Thụy....
Bầu Thụy đam mê bóng đá hay không? Thực ra, đến thời điểm này đã có thể khẳng định luôn cho câu hỏi đó rằng chủ tịch của SG.XT bước vào bóng đá mới mục đích rất riêng, và hoàn toàn không phải đam mê. Bởi nếu đam mê, ông chủ của tập đoàn Xuân Thành đã không biến đội bóng của mình thành "siêu thị cầu thủ", hay làm loạn thị trường chuyển nhượng bằng những bản hợp đồng "tiền đè chết người".
Nếu đam mê thực sự, đã không có chuyện sau vài mùa bóng chơi ở giải chuyên nghiệp SG.XT còn không có lấy được nơi ăn ở tập luyện cho bài bản, tất cả đều đi thuê và trong thời gian rất ngắn. Bởi "đam mê" như thế, nên khi đoàn khảo sát BĐCN của AFC tới SG.XT thì đội bóng này đã phải nhận điểm số rất thấp về sự chuyên nghiệp của đội nhà. Không có tuyến trẻ, cơ sở vật chất nghèo nàn...
Bầu Thụy có cách làm bóng đá chẳng giống ai
Cũng có thể gọi bầu Thụy là một lái buôn thứ thiệt khi bỏ số tiền lớn để mua lại Navibank SG, rồi "xẻ thịt" đội bóng này ra để dùng, cũng như mang ra thương trường để gạ bán. Không chỉ mua rồi bán đội bóng cùng thành phố, bầu Thụy cũng sẵn sàng "tặng" SG.XT cho TP.HCM với một mục đích chẳng khác gì ngoài chuyện được hỗ trợ miễn phí về cơ sở vật chất, hay đỡ đần cho túi tiền của mình.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên ông chủ của tập đoàn Xuân Thành "toan tính" khi bước chân vào làm bóng đá như thế. Mà trước đó là ở Hà Tĩnh, Quảng Nam...Mới nhất, cũng chính bầu Thụy bày tỏ nghĩa cử "cao đẹp" là tặng Hà Tĩnh phần xác của Navibank SG nhằm trả ơn địa phương này hỗ trợ cách đây ít năm. Mang tiếng có nghĩa cử đẹp ấy, nhưng rất may Hà Tĩnh cũng đã rất "tỉnh" để không nhận đội bóng bởi đó là một "cục nợ" không hơn mà bầu Thụy cố gắng nhả ra...
... đến các ông bầu khác.
Cho tới thời điểm này, có thể khẳng định ngoài bầu Đức, bầu Thắng và bầu Hiển ra là đam mê và cho bóng đá Việt Nam bằng những cách làm "tử tế, bài bản". Phần còn lại đều có những toan tính rất riêng cho mình. Với bầu Trường, những diễn biến trong thời gian qua khi ông chủ của Ninh Bình tuyên bố xóa sổ đội bóng chỉ là bề nổi của sự chán chường cũng như đã hết khả năng để "chơi" bóng đá mà thôi.
Theo đúng phương châm "cái gì có lợi thì làm", bầu Trường cũng đã góp tay ngăn cản sự phát triển của bóng đá nước nhà chẳng khác gì bầu Thụy ở Sài thành Mua bán vô tội vạ, đẩy giá cầu thủ lên cao ngất ngưởng rồi nhanh chóng "hụt hẫng" khi bóng đá Việt Nam không phải là nơi để làm thương hiệu, hoặc có thể làm nhưng đã qua thời hoàng kim.
Chính bởi sự "hụt hẫng" ấy, nên vài mùa bóng qua lâu lâu cầu thủ của Ninh Bình lại lâm vào cảnh chờ lương, đợi thưởng từ bầu Trường, khi ông chủ của họ bắt đầu "đuối". Cũng với một cách làm rập theo một khuôn, bầu Thọ ở Navibank đã khiến một thời sàn thị trường chuyển nhượng nổi sóng, dù không mạnh so với những ông chủ khác nhưng lại thiên về số lượng.
Có những thời điểm quân số ở Navibank SG lên tới cả hơn 30 con người, mà chỉ một nửa trong số đó là có thể chơi bóng còn lại ngồi nhận lương, và tiền lót tay. Vô tội vạ, không tính toán và làm bóng đá một cách thiếu đầu tư, chủ yếu theo sở thích, chơi ngông... thế nên không ngạc nhiên khi kinh tế khó khăn tất cả "bỏ của chạy lấy người".
Làm bóng đá mà như chơi chứng khoán, tức khi "trúng đậm" có thể lên mây nhưng tới khi sàn idex sụt giảm thì tất cả thú vui cũng biến mất. Để khi không thể "đỡ" nổi, hoặc không đạt được mục đích riêng tất cả đều dọa bỏ bóng đá, bán đội...bất chấp tương lai của cầu thủ, rồi xa hơn là sự ổn định của một nền bóng đá.
Những ông bầu nửa mùa góp tay "hạ sát" nền bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã đành, lãnh đạo cơ quan quản lý điều hành giải đấu cũng "chung tay góp sức" bằng những điều lệ quái gở, và quy định nghiệp dư...
(Theo Vietnamnet)