Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

Bóng đá Việt: Thua vì... hơn người Nhật!

Thứ Sáu 10/01/2014 09:46(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Thua 0-7 trước U19 Nhật Bản không chỉ là chuyện của U19 Việt Nam. Trên thực tế, đó là bài học cho cả một nền bóng đá mang rất nhiều ảo tưởng của nước nhà.

Chỉ biết mơ cho... sướng!

Có một sự thật: chúng ta luôn thích những điều dễ lọt tai nhất. Mỗi khi có một danh thủ (hoặc cựu danh thủ) nước ngoài đến Việt Nam, chúng ta đều muốn nghe những lời chúc tụng hào nhoáng. Mới đây nhất, Dwight Yorke được “mớm lời” chúc Việt Nam sớm dự World Cup. Được dự World Cup thì nền bóng đá nào cũng muốn, cũng mơ. Nhưng mà thực tế thì, “cứ mơ đi đã, rồi tới đâu tính tới đó”.

 

Từ thời “thế hệ vàng” của những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh… đã có người nói về giấc mơ World Cup. Rồi sau đó đến lứa của Văn Quốc, Quốc Vượng, Như Thuật, Lâm Tấn… Sau khi gây ấn tượng ở giải U16 châu Á năm 2000, họ được gắn lên vai giấc mơ World Cup, để rồi sau đó khép lại một thế hệ đầy tai tiếng và bẽ bàng.

Giấc mơ ấy lại được nói đến khi thế hệ của Lê Công Vinh xuất sắc mang về ngôi quán quân Đông Nam Á. Và, khi các em U19 thi đấu thành công tại giải trẻ khu vực vài tháng trước trên đất Indonesia, người ta lại vẽ ra cảnh World Cup có tên ĐTQG Việt Nam.

Nhân chuyện giấc mơ World Cup, cũng như thất bại của U19 Việt Nam trước U19 Nhật Bản, cùng bàn về việc hiện thực hóa giấc mơ giữa hai nền bóng đá.

Hãy học theo người Nhật

Đất nước xứ mặt trời mọc chính thức bước lên bóng đá chuyên nghiệp từ 1992, với giải J-League. Sau khi giành quyền đăng cai World Cup 2002 cùng với Hàn Quốc, Nhật quyết tâm phải góp mặt ở France 1998 vì không muốn mang tiếng lần đầu có vé là vì là "chủ nhà". Và họ đã thành công.

Kể từ đó đến nay, Nhật không vắng mặt lần nào ở các kỳ World Cup. Họ còn là đội đầu tiên giành quyền dự World Cup 2014, mà không phải ĐKVĐ Tây Ban Nha, hay Argentina của Lionel Messi. Nhật đang thống trị bóng đá châu Á, với nhiều ngôi sao đang chơi ở những giải lớn như Premier League, Serie A và Bundesliga.

Thành công của Nhật được xây dựng từ cách làm bóng đá chuyên nghiệp, và chiến lược xã hội hóa thể thao. Một ví dụ nhỏ, Nhật đã xây dựng nền bóng đá học đường phát triển rất mạnh, với quy mô lớn không kém gì giải đấu chuyên nghiệp.

Người Nhật đã tìm ra không ít nhân tài từ bóng đá trung học. Mỗi năm, giải trung học toàn quốc (còn gọi là “Mùa Đông Kokuritsu”) luôn tạo tiếng vang lớn.

Thủ môn huyền thoại Yoshikatsu Kawaguchi, người tham gia cả 4 kỳ World Cup; tiền vệ tài hoa Shunsuke Nakamura, người chinh phục bóng đá châu Âu với khả năng sút phạt tuyệt vời – sánh ngang với Rivaldo hay Ronaldinho – đều được phát hiện khi dự giải học sinh trung học. Tiền vệ Keisuke Honda, bản hợp đồng mới của AC Milan, cũng đi lên từ bóng đá học đường.

Sự thật phũ phàng

6 năm sau khi lên chuyên nghiệp, Nhật Bản dự World Cup. Ở ta, đã hơn 13 năm, tức thời gian nhiều gấp đôi, V-League vẫn nghiệp dư về mọi mặt. Bộ máy lãnh đạo “đẻ” ra quá nhiều ghế mà ngay bản thân người ngồi cũng không biết mình nên làm gì. Ngôi sao sáng nhất V-League nhiều năm qua, tiền đạo Công Vinh, chỉ đủ sức đóng vai dự bị ở giải J-League 2.

Chúng ta cũng có bóng đá học đường, được tổ chức trong các kỳ Hội khỏe Phù Đổng dành cho học sinh THPT. Nhưng đó là giải đấu mà người ta sẵn sàng đánh tráo học sinh của mình để kiếm thành tích cao.

Tư tưởng chạy đua thành tích xuất hiện cả trong giải học đường, một điều không thể chấp nhận được. Học viện HAGL chỉ là một đốm sáng rất nhỏ, do một ông bầu bỏ tiền túi đầu tư, giữa biển mênh mông những con người nghiệp dư.

Một nền bóng đá như vậy, liệu có ngượng khi giấc mơ World Cup cứ xuất hiện nhan nhản trên mặt báo, và trong lời nói của các vị lãnh đạo? Khi chưa học được bài học về tính chuyên nghiệp, đừng mơ về World Cup. Ngay “ao làng” SEA Games mà bao thế hệ được thổi phồng lên cũng có bơi được hết đâu!

Theo Vietnamnet

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X