- Mở “hội nghị diên hồng” cứu bóng đá Việt Nam
- Tuyển thủ Việt Nam không đi bar trước trận Thái Lan
- Góc nhìn: Nỗi sợ hãi Thái Lan đã lan sang ông Miura
Những ngày này, dư luận xôn xao với vấn đề có nên sa thải HLV Miura hay không. Đa số đều muốn chia tay ông thầy người Nhật vì họ cho rằng ĐT Việt Nam còn có thể mạnh hơn hiện nay rất nhiều…
Khi bàn đến vấn đề sa thải HLV Miura, lý do được đặt ra khá chung chung như lối chơi thiếu bài bản, thành tích thi đấu kém, thắng cũng chỉ may mắn. Đồng thời ai cũng nhao nhao lên rằng ĐT Việt Nam có thể đá hay, đá nhuyễn, đá Tiki-Taka như thời Calisto… Thế nhưng xin hãy hồi tưởng lại những gì chính xác nhất về lối đá được cho là phù hợp nhất với bóng đá Việt Nam. Nên nhớ rằng, dưới thời Calisto là bóng ngắn nhưng không phải Tiki-Taka và chúng ta chưa bao giờ đủ trình độ chơi lối chơi này ngoài lứa U19 HAGL JMG. Còn sự chê bai lối đá thiên về thể lực của HLV Miura ư? Trước khi nói đến điều đó thì hãy nhớ đến câu cửa miệng “fighting” của Calisto trước kia, mà như lời học trò cưng Việt Thắng từng nói “chúng tôi sẵn sàng chết ở trên sân”. Thời Calisto cũng sóng gió chẳng kém Miura bây giờ, ông cũng bị dư luận đánh cho tơi tả sau chuỗi 10 trận chỉ biết hòa và thua. Còn chiến tích vô địch AFF Cup 2008 ư? Nếu có không cái mô đất ở sân Surakul (Phuket) trong bàn thắng đầy may mắn của Vũ Phong thì có lẽ chúng ta đã bị loại ngay ở vòng bảng. Dông dài ra để thấy, Calisto chẳng phải “phù thủy” như chúng ta ca ngợi, và cái lối chơi Tiki-Taka chưa bao giờ thuộc về ĐT Việt Nam cả.
Sau thất bại Việt Nan 0-3 Thái Lan, Tổng Cục Thể dục Thể Thao đã quyết định mở hội thảo để tìm ra hướng đi cho bóng đá Việt Nam.
Nói đến chuyện sa thải HLV Miura, NHM lại “ăn mày dĩ vãng” về những thế hệ vàng trong quá khứ, thế nhưng câu hỏi đặt ra là thế hệ vàng nào vậy? Hồng Sơn, Huỳnh Đức ư? Không phải, đó chỉ là ký ức đẹp về thuở bóng đá Việt Nam còn mang dáng dấp thời bao cấp. Đó là lúc mà chúng ta sướng điên người khi Minh Chiến, Nguyên Chương ghi những bàn thắng quyết định ở… bán kết và tranh giải 3. Còn mỗi khi gặp Thái Lan thì thua trước khi bóng lăn, cách biệt tối thiểu cũng vài ba trái. Rồi lại nhắc đến thế hệ vàng bán độ Văn Quyến, Quốc Vượng. Thế hệ mà chính Thonglao thừa nhận là cảm thấy sợ… gẫy chân. Còn kết quả thì chẳng có vàng nào cả, rồi vẫn bị Thái Lan cho 3 bàn không gỡ tại chung kết Seagame 2005. Nói ra để thấy, cái thế hệ cầu thủ tài năng, cái lối chơi đẹp, cầu thủ lớn đúng nghĩa chỉ là do chúng ta tự vơ vào. Chẳng có thệ hệ vàng nào cả, ĐT Việt Nam chưa từng đá đẹp như Barca mà NHM vẫn nói.
Không cổ vũ ĐTQG, đừng bao giờ tự nhận là yêu bóng đá dù với bất cứ lý do gì |
NHM muốn sa thải HLV Miura là vì ĐT Việt Nam hiện nay thi đấu thiên về ít chạm, bóng dài, trong khi cầu thủ Việt vốn kỹ thuật, khéo léo. Thêm 1 lần chúng ta ngộ nhận một cách quá chủ quan rằng cầu thủ Việt Nam mạnh về kỹ thuật. Chắc chắn có sự nhầm lẫn lớn ở đây bởi cầu thủ Việt Nam thích lừa, thích rườm rà, thích đá kỹ thuật chứ chưa phải là giỏi về kỹ thuật. Để có cái gọi là điểm mạnh về kỹ thuật xử lý bóng thì phải qua quá trình đào tạo cực kỳ bản bài, khổ luyện hoặc đó là thiên tài bẩm sinh theo kiểu của Messi. Nhưng rõ ràng ngoài Hồng Sơn thì chẳng có ai xứng đáng được gọi là thiên tài bẩm sinh về kỹ thuật của bóng đá Việt Nam cả. Còn về hệ thống đào tạo thì chẳng phải bàn về sự lạc hậu cả về cơ sở vật chất lẫn phương pháp đào tạo của chúng ta cả (ngoại trừ HAGL JMG). Phải tận mắt chứng kiến các đời HLV ngoại phát cáu, quát tháo ầm ỹ vì các cầu thủ Việt Nam thi đấu quá rườm rà thì mới hiểu bóng đá Việt Nam đang ở đâu. Vì lối đá chậm, thích thể hiện lối đã kỹ thuật mà thậm chí HLV Miura từng cấm cầu thủ đá quá 3 chạm ở ĐTQG. Hãy nhìn Tuấn Anh, Công Phượng, những cầu thủ có kỹ thuật thật sự vì được đào tạo bài bản. Nhưng cũng “tắt lịm” khi khoác áo ĐTQG, U23 hay lên đá V-League thì đủ hiểu trình độ kỹ thuật của cầu thủ Việt còn rất hạn chế, chúng ta không hơn ai cả, áp dụng Tiki-Taka chỉ là mơ mộng hão huyền mà thôi.
Tất cả những điều trên có thể hiểu vì tâm lý đám đông, vì tâm lý “ăn mày dĩ vãng” đã đi sâu vào tiềm thức của của người Việt. Điều này có thể thông cảm nhưng có 1 thứ ngộ nhận còn nguy hiểm hơn mà chưa nhiều người nhận ra – đó là tình yêu bóng đá. Chúng ta đã tự hô hào hàng tỷ lần rằng người Việt Nam yêu bóng đá bậc nhất thế giới. Thực tế thì không đâu ạ? Yêu bóng đá tại sao trận đấu nào tại V-League cũng vắng bóng khán giả, yêu bóng đá sao rất nhiều trận đấu của ĐT Việt Nam vẫn còn nhiều chỗ trống. Nhắc lại về cơn sốt U19, đông người xem thật đấy nhưng đó là tâm lý đám đông, tò mò nhiều hơn. Minh chứng nhé! Vẫn là lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường lấp đầy 5 vạn khán giả tại giải U21 Báo Thanh Niên Quốc tế 2014. Ấy thế mà vài tháng sau thầy trò HLV Graechen quay lại đất Tây Đô đá V-League thì sân Cần Thơ vắng tanh như “chùa bà đanh”. Rồi thì cơn sốt ở Mỹ Đình tại giải U19 Đông Nam Á 2014 nhưng khi lứa “gà nòi” bầu Đức đến Hàng Đẫy thi đấu thì chỉ còn lẻ tẻ vài trăm người. Nếu là tình yêu bóng đá thật sự thì chẳng bao giờ có sự thay đổi theo kiểu quay ngoắt 180 độ như vậy.
Phải nhìn vào thực tế xã hội thì mới thấy bóng đá Việt Nam kém là chuyện…hoàn toàn hợp lý. Sân chơi cho các em nhỏ thì quá ít, ở các thành phố lớn thì gần như đều phải trả tiền để được đá bóng. Số lượng sân bóng cho trẻ em lọt thỏm giữa vô vàn… quán bia, quán nhậu. Người dân thì lao vào công cuộc cơm áo gạo tiền. Đa số em nhỏ tranh thủ học, rồi học thêm và giải trí bằng cách… ngồi máy tính, chơi game. Chúng ta dành thời gian và tiền bạc cho bóng đá quá ít, vậy thì lấy đâu ra một nền bóng đá phát triển. Vì thế đừng bao giờ ngộ nhận rằng người Việt yêu bóng đá, rằng bóng đá Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển, rằng ĐT Việt Nam có thể vừa thắng, vừa đá đẹp như Barca…
Doãn Công