Thứ Năm, 18/04/2024Mới nhất
Zalo

Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc: Nhưng móng ở đâu?

Thứ Sáu 13/11/2015 17:57(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Đã ngót nghét 17 năm kể từ khi Alfred Riedl phát ngôn câu nói bất hủ “bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”. Sau quãng thời gian dài thì chúng ta vẫn đang loay hoay đi tìm “móng” cho môn thể thao vua nước nhà.

Năm 1998 khi Alfred Riedl nhậm chức HLV trưởng ĐT Việt Nam để chuẩn bị cho Tiger Cup 1998 trên sân nhà. Chiến lược gia người Áo đã thốt lên câu nói bất hủ tới tận bây giờ và có thể sẽ còn giá trị trong nhiều năm nữa là “bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”. Dù ở giải đấu năm đó, Hồng Sơn và các đồng đội đã chơi tuyệt hay để vào đến chung kết thế nhưng ông Alfred Riedl đã sớm nhận ra rằng bóng đá Việt Nam rất khó phát triển được nếu vẫn giữ cách làm cũ. Và thực tế vị trí 86 thế giới năm 1998 chính là “đỉnh cao” của chúng ta trong lịch sử, rồi sau đó thì tụt dần đều cho tới hiện nay (147 thế giới). Biểu đổ tụt dần đều của bóng đá Việt Nam là điều mà hầu như ai cũng có thể tiên liệu từ trước.

Bóng đá Việt Nam xây nhà từ “nóc” là điều mà chẳng phải bàn cãi nữa. Nhưng suốt bao năm qua, liệu có ai thật sự đi tìm xem “móng” ở đâu hay không? Đừng vội khẳng định đó là bóng đá trẻ bởi đó chỉ là 1 phần rất nhỏ. Mà việc những lò đào tạo như JMG, PVF, Viettel đào tạo theo chuẩn quốc tế nhưng chất lượng cũng rất hạn chế. VFF thì còn tệ hại hơn khi mang tiếng xây trung tâm đào tạo trẻ với số tiền lên đến 130 tỷ đồng nhưng chưa từng xuất xưởng 1 cầu thủ nào. Học tập mô hình của Đức không được, lại học tập Nhật Bản và bây giờ là Hàn Quốc nhưng e rằng chẳng có nhiều khả quan.


HAGL JMG chi khai thac duoc tai nang cua vai chuc cau thu
Những học viện như HAGL JMG không khai thác hết nguồn cầu thủ tiềm năng

Vậy nền móng của bóng đá Việt Nam, thứ mà chúng ta loay hoay tìm kiếm đang ở đâu? Nếu làm đúng cách, làm một cách tâm huyết nằm ở ngay dưới chân chúng ta. Còn nếu vẫn hời hợt như những năm qua thì sẽ chẳng bao giờ tìm thấy được. Với đặc thù của môn thể thao vua nước nhà, chỉ riêng VFF và các CLB là chưa đủ. Phải có sự chung tay của toàn thể khán giả, NHM, mọi tầng lớp xã hội. Bản chất của bóng đá là để phục vụ NHM, và những người quan trọng nhất chính là khán giả chứ không phải là các nhà quản lý bóng đá. Từ trước tới nay chúng ta vẫn tự vỗ ngực là những người yêu bóng đá nhưng có yêu thật hay không?

Trong 90 triệu dân thì có bao nhiêu người từng bỏ tiền mua vé đến sân xem bóng đá? Trong số những người hâm mộ thì có mấy ai ủng hộ con em mình theo nghiệp quần đùi áo số, hay chỉ muốn làm bác sĩ, công an, ông này, bà kia? Chi tiết hơn, hàng ngày các em nhỏ có bao nhiêu nơi để chơi bóng, nhất là thành phố. Còn bản thân trẻ em ngày nay có môi trường vui chơi lành mạnh hay không, các em có thích chơi thể thao hay chỉ thích chơi game, điện tử? Đó là những thứ manh nha về cái gọi là tình yêu và đam mê với trái bóng. Tất nhiên đó cũng là khởi nguồn của nền bóng đá nước nhà khi đa số trẻ em đều không có hoặc không được định hướng theo sự nghiệp quần đùi áo số ngay từ đầu.

Cách duy nhất để giúp bóng đá Việt Nam đi lên hiện nay là phải có sự chung tay của toàn thể xã hội. Bên cạnh các cơ quan quản lý, VFF, các CLB thì các doanh nghiệp, cá nhân và nhất là NHM cũng phải cùng đồng hành cùng môn thể thao vua. Phải tạo sân chơi bóng đá ở khắp mọi nơi, phải đưa bóng đá vào học đường để trở thành 1 môn rèn luyện thể chất của học sinh, sinh viên, phải tổ chức thường xuyên, đều đặn các giải bóng đá phong trào ở địa phương tới tận thôn, xóm. Chỉ có như vậy mới tạo ra nền tảng vững chắc cho nền bóng đá nước nhà. Khi đó các học viện, các CLB sẽ có nguồn cầu thủ vô tận, có tính kế thừa cao.

Thuc day manh bong da phong trao moi la goc re van de
Thúc đẩy mạnh bóng đá phong trào mới là gốc rễ vấn đề

Rất nhiều người cho rằng phải có nhiều học viện như HAGL JMG của bầu Đức thì sẽ giúp bóng đá Việt Nam đi lên. Chưa chắc đâu ạ! Cần phải nhớ rằng số lượng đôi khi không đi với chất lượng, quan trọng nhất là các học viện sẽ không tận dụng hết nguồn cầu thủ. Ví dụ như JMG hàng năm tuyển sinh có có vài chục nghìn em nhỏ đăng ký, khoảng 1000 em được đánh giá là rất có tiềm năng nhưng chỉ chọn được khoảng 10 học viên vào đào tạo. Rõ ràng đó là thiếu sót quá lớn, kể cả có 10, 20 học viện như JMG thì cũng chưa thể đáp ứng được mơ ước trở thành cầu thủ của các trẻ em. Mà với nền kinh tế của Việt Nam thì việc xây nhiều học viện chất lượng như HAGL JMG là điều không thể.

Tóm lại, câu hỏi bao giờ bóng đá Việt Nam hết xây nhà từ nóc sẽ chưa thể trả lời nếu chúng ta không xã hội hóa bóng đá. Bóng đá là môn thể thao dành cho tất cả nên cũng cần sự chung tay của mọi tầng lớp nhân dân. Chỉ khi nào bóng đá trở thành món ăn tinh thần, trở thành môn thể thao rèn luyện sức khỏe không thể thiếu của mỗi người, mỗi nhà thì khi đó chúng ta mới có được nền móng vững chắc. Và khi có được nền tảng tốt thì trước sau gì bóng đá nước nhà cũng đi lên chứ không phải tụt dần đều như suốt những năm qua.

Doãn Công

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X