Thứ Năm, 26/12/2024Mới nhất
Zalo

Bóng đá Việt Nam: Vừa chạy vừa xếp hàng

Thứ Bảy 30/11/2013 17:36(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

 So với 10 năm trước, bóng đá Việt Nam chỉ còn 4 đội từng hiện diện ở V-League 2003, đó là HA Gia Lai, ĐT Long An, SHB Đà Nẵng và SL Nghệ An. Điều đáng lo là hơn chục đội từng hiện diện ở V-League cách nay chục năm đã bị xóa sổ.

Thiếu tính bền vững

Nếu như việc các đội từng hiện diện ở V-League cách nay chục năm đang thi đấu ở hạng dưới, do nguyên tắc lên – xuống hạng thông thường thì chuyện chẳng có gì to tát. Đằng này, hầu hết các đội bóng từng cùng những HA Gia Lai, ĐT Long An, SL Nghệ An hay SHB Đà Nẵng hiện diện ở V-League đều đã bị xóa sổ.

ĐT Long An là đội bóng hiếm hoi còn sót lại từ V-League của 10 năm trước
ĐT Long An là đội bóng hiếm hoi còn sót lại từ V-League của 10 năm trước

Thể Công, Cảng Sài Gòn, Hàng Không Việt Nam vốn đều là các đội giàu truyền thống, Hà Nội ACB, Ngân Hàng Đông Á từng có lúc rất giàu tiềm lực, nhưng đều đã lần lượt biến mất tính từ năm 2003 đến nay. Bên cạnh họ, còn có nhiều cái tên khác cũng đã bị xóa sổ như Hòa Phát Hà Nội, K.Khánh Hòa, rồi sau này là Navibank Sài Gòn, XM Xuân Thành Sài Gòn, K.Kiên Giang… chứng minh bóng đá nội tiếu ổn định trầm trọng.

Rồi chưa kể 2 cái tên từng rất nổi tiếng, từng đá V-League 10 năm trước là Nam Định hiện đang đá ở hạng Nhì, chưa biết khi nào trở lại, còn Bình Định thậm chí chưa biết tương lai ra sao. Thông thường thì một CLB bóng đá phải tồn tại ít nhất 5 – 7 năm mới dần đi vào ổn định, mới tính đến chuyện xây dựng lực lượng kế thừa, để phát triển có chiều sâu. Đằng này bóng đá Việt Nam cứ tồn tại mãi chuyện các đội hết đến rồi đi, khiến cho chúng ta cũng thiếu hẳn lực lượng cầu thủ mới có chất lượng, do nhiều CLB chưa xây dựng xong đội ngũ kế thừa thì đã giải tán.

Dĩ nhiên, trong khoảng thời gian chục năm kể trên, cũng có không ít đội bóng mới xuất hiện, nhưng ngoại trừ Hà Nội T&T, hầu hết các CLB mới khác đều không bền vững. XM Xuân Thành Sài Gòn, Navibank Sài Gòn hay K.Kiên Giang là những minh chứng. Họ đã bỏ bóng đá theo nhiều cách khác nhau. V.Ninh Bình hay Hải Phòng chưa bỏ, nhưng cũng khó nói đấy là những mô hình CLB mang tính bền vững. Với đội bóng đất Cảng và đội bóng đất Hoa Lư, họ không có nội lực, quân thì vay mượn, nhà tài trợ và khả năng kiếm tiền thì bấp bênh. Và thực tế là họ cũng đã vài lần đứng bên bờ vực của khả năng bị xóa sổ.

Người đi trong mưa

Số lượng đội thiếu thốn, khiến cho khả năng cạnh tranh giảm sút, kéo theo chất lượng không thể tăng. Như đã nói ở trên, việc những cái tên xuất hiện ở V-League hiện nay biến động kinh hoàng so với V-League của 10 năm trước không đến từ việc cạnh tranh của chuyện tranh suất lên – xuống hạng, mà đến từ thực tế rằng những nhà đầu tư đến rồi đi khỏi bóng đá, theo phương án “nhảy cốc”.

Số lượng và chất lượng cầu thủ cũng vậy. 10 năm nay, chúng ta không có thêm nhiều cầu thủ tốt. Các đội không chú trọng vào việc xây dựng lực lượng cũng đồng nghĩa với việc chừng ấy cầu thủ luân chuyển từ đội này sang đội khác, chứ không phải thế hệ sau vươn lên thay thế thế hệ trước, theo dạng kế thừa có chiều sâu.

Cứ nhìn vào thực tế nghèo nàn tài năng ở đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23 hiện tại thì khắc thấy. Các đội tuyển cấp quốc gia đang gánh hậu quả ghê gớm từ chính sách phát triển quá nóng và việc buông lỏng khâu đào tạo từ cấp CLB mang lại.

Cũng không thể lấy lứa U19 đang gây tiếng vang để nói rằng toàn bộ hệ thống đào tạo trẻ của chúng ta đang hoạt động tốt. Bởi, đội tuyển U19 Việt Nam hiện nay, với nòng cốt là các cầu thủ thuộc học viện HAGL-Arsenal.JMG là sản phẩm đến từ suy nghĩ táo bạo của riêng bầu Đức, hơn là từ định hướng chiến lược của những người đang điều hành cả nền bóng đá.

Điều đáng lo hơn nữa là trong số 13 đội bóng hiện đang có mặt tại V-League, còn bao nhiêu đội thực sự tồn tại theo hướng bền vững, có bao nhiêu đội vừa đá vừa chực chờ bỏ cuộc, chực chờ xóa sổ? Thực tế ấy khiến cho những người đang điều hành giải đấu và điều hành nền bóng đá như những người đang đi trong mưa, họ phải cố đi dù cho bản thân họ chưa chắc thấy rõ con đường phía trước. Cũng không thể dừng lại vì điều đó cũng đồng nghĩa với nguy cơ bị chết chìm.

Cở bản là lúc bắt đầu bước đi hơn chục năm trước, họ đã chọn đi sai đường, để rồi càng lúc càng lún!

Theo Dân Trí

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X