Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Bóng đá Việt Nam: Văn hóa nhận lỗi ở đâu?

Thứ Ba 26/01/2016 15:47(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Bóng đá Việt Nam chưa bao giờ thoát khỏi sự yếu kém trì trệ. Ấy vậy mà những nhà quản lý, những người làm bóng đá hay NHM chẳng bao giờ tự nhìn vào hạn chế của mình cả. Mỗi khi bóng đá nước nhà có vấn đề là mọi tội lỗi lại đổ lên đầu các HLV ngoại như thể “vật tế thần”.

Như từng đã đề cập trước đây, bóng đá Việt Nam có truyền thống thay HLV như thay áo trong mỗi nhiệm kỳ của VFF. Kể từ năm 1995 đến nay đã có 21 lần các đội bóng áo đỏ thay tướng giữa dòng (cả HLV ngoại và nội). Những cách làm chẳng khác gì những CLB danh tiếng thế giới như Real, Chelsea chỉ có điều các đội bóng này họ có tất cả điều kiện để thành công. Đó là tiền bạc để mua cầu thủ và HLV giỏi theo ý mình. Còn chúng ta có gì? Chẳng có gì cả. VFF cũng chỉ có kinh phí hạn hẹp để thuê những HLV thường thường bậc trung. Và chúng ta chỉ trao cho vị HLV ngoại đó những cầu thủ có trình độ thi đấu tại V-League.

Ai cứu nổi BĐVN nếu vẫn thay HLV xoành xoạch thế này?
Chiến dịch VCK U23 châu Á 2016 gần như sẽ là giải đấu cuối cùng của HLV Miura cùng các ĐTQG Việt Nam. Thêm một lần bóng đá Việt Nam cho thấy bản chất “xây nhà...

Đầu tiên phải nói ngay, với bất cứ nền bóng đá nào thì cần phải có chiến lược và kế hoạch dài hơn. Kể cả việc thuê HLV cho các ĐTQG cũng phải theo cách làm như vậy. Nhưng thật lạ chưa bao giờ VFF làm thế, mà mỗi khi các đội bóng áo đỏ có thành tích thi đấu không tốt là nghĩ ngay đến việc sa thải hoặc thay lý hợp đồng. Mà nói như cựu HLV trưởng ĐTVN Dido thì bóng đá Việt Nam chỉ biết đưa ra chỉ tiêu sáo rỗng mà chẳng cho các HLV ngoại thời gian để thực hiện chiến lược của mình. 1, 2 năm để chấn chỉnh nền bóng đá đã là khó, đằng này đưa một vị HLV chân ướt chân ráo tới và bắt thành công chỉ trong thời gian ngắn là thiếu thực tế.

Bong da Viet Nam Van hoa nhan loi o dau hinh anh
Chúng ta chỉ biết chỉ trích, đổ thừa mà không chịu nhìn nhận sự kém cỏi của mình

Phải nhìn nhận thẳng rằng chúng ta đang có một V-League yếu toàn diện, chuyên nghiệp một cách nửa vời. Các CLB làm bóng đá theo kiểu ăn xổi, chỉ tìm cách mua ngoại binh chứ không chú trọng đào tạo trẻ. Khâu quan trọng nhất là “trồng người” thì chỉ có vài ba địa phương, số còn lại đều lạc hậu về cả cơ sở vật chất lẫn giáo án. Bộ mặt của cả nền bóng đá như thế thì làm sao có thể sản sinh nhiều cầu thủ giỏi được. Thế nhưng chẳng nhà quản lý, người làm bóng đá nào quan tâm tới điều đó. Họ cứ nghĩ HLV ngoại là “thánh” có thể biến các ĐTQG mạnh lên trong phút chốc. Để rồi khi thất bại, mọi tội lỗi đổ lên đầu những HLV. Còn sự yếu kém của cả nền bóng đá không phải lý do.

U23 Việt Nam: Khi HLV Miura tin dùng cầu thủ HAGL
Trận đấu U23 Việt Nam 2-3 U23 UAE đã khép lại hành trình của thầy trò HLV Miura tại VCK U23 châu Á 2016. Lần đầu tiên, chiến lược gia người Nhật đã tin dùng bộ...

Trong tuần tới, Ban chấp hành VFF sẽ họp để bàn việc tương lai của HLV Miura. Một công việc có lẽ là vô nghĩa và lố bịch của chính chúng ta. Vì sao ư? Vì ngay từ đầu, BCH VFF đã thống nhất kế hoạch sử dụng chiến lược gia người Nhật với kế hoạch dài hơn 5-7 năm. Ấy thế mà qua vài giải đấu, không thành công nhưng cũng chẳng phải thất bại, HLV Miura trở thành “vật tế thần” tiếp theo. HLV Miura chỉ giúp chúng ta giành HCĐ tại SEA Games và AFF Cup nhưng 2 kỳ liên tiếp trước đó thậm chí các đội tuyển áo đỏ còn trắng tay. Đó là chưa kể đến những thành tích lần đầu ở giải đấu cấp châu lục như Asiad hay VCK U23 châu Á mà chưa đời thầy ngoại làm được. Thế nhưng, thành phần BCH VFF có tới hai vị Phó chủ tịch VFF nằng nặc đòi sa thải chiến lược gia người Nhật như thể tội đồ. Vâng! Chúng ta đổ mọi tội lỗi lên đầu HLV Miura như thể nền bóng đá Việt Nam đang vươn tầm châu lục mà bị ông thầy 52 tuổi hãm lại vậy.

Bong da Viet Nam Van hoa nhan loi o dau hinh anh 2
Bóng đá Việt Nam kém từ thượng tầng trở xuống nhưng chưa bao giờ thấy ai nhận lỗi

Một trong những lý do khiến VFF đang cân nhắc chấm dứt hợp đồng với HLV Miura là vì sức ép từ NHM. Đừng bao giờ nói là các CĐV không có lỗi trong việc này. NHM yêu đội tuyển đấy nhưng có những yêu cầu thái quá, phi thực tế. Hầu hết đều coi ông thầy người Nhật là tội đồ làm chết đi giấc mơ U19 nhưng chúng ta chẳng chịu nhìn lại mình. Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đá hay đấy nhưng cũng chưa đủ tầm để đá giống Barca như yêu cầu của NHM. Thậm chí nếu chỉ dựa vào HAGL JMG mà dám nói các ĐTQG Việt Nam có thể chơi bóng theo ý mình là sự ảo tưởng ghê gớm. Ngay cả bầu Đức cũng từng tự đưa mình vào thế "phát biểu và hành động mâu thuẫn nhau". Đòi sa thải HLV Miura vì không sử dụng lối chơi kỹ thuật và cầu thủ HAGL như thời U19. Thế mà vị doanh nhân này lại sa thải HLV Graechen với chính lối chơi và những con người ấy.

Nói chung bóng đá là một phần của cuộc sống, phản ánh một góc độ nào đó của xã hội. Nước ta vẫn còn khó khăn, kém phát triển ở nhiều phương diện. Thế nhưng thói quen của chúng ta là không dám nhìn nhận vào bản chất vấn đề để sửa sai mà chỉ biết đổ thừa cho lý do khách quan. HLV Miura hay các vị thầy ngoại trước đây cũng chỉ là nạn nhân cho cách làm sai lầm như thế. Vì vậy cuộc họp BCH VFF tới đây có hay không cũng đều vô nghĩa. Giữ hay sa thải HLV Miura chẳng phải vấn đề của bóng đá Việt Nam. Mà là những kế hoạch dài hơi, bài bản, mục tiêu rõ ràng mới là thứ chúng ta cần quan tâm chứ không phải mỏi mắt tìm thầy ngoại rồi sau đó lại mất công đổ thừa như suốt 20 năm qua. 

Doãn Công

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X