Chiến dịch chinh phục cúp vàng tại AFF Cup thực ra chỉ gói gọn trong bảy trận đấu. Bảy trận chứa đựng cả triệu triệu giấc mơ cho một đội bóng thuần Việt, người Việt dùng hàng Việt, trong một bối cảnh bóng đá nội đang cần cảm hứng hơn bao giờ hết…
Giấc mơ người Việt dùng hàng Việt
Malaysia liên tiếp đăng quang khu vực với lực lượng, cả cầu thủ lẫn ban huấn luyện đều là người bản địa. Nên nhớ, giải vô địch quốc gia Malaysia cũng nói không với ngoại binh. Còn gì tự hào hơn. Hẳn nhiên, không ít quốc gia trong khu vực có ước mơ đó. Và thực tế của bóng đá Malaysia, trong bối cảnh hiện nay, là bằng chứng hùng hồn: Nếu biết phát huy nội lực, khơi gợi niềm tự tôn dân tộc, bất cứ khó khăn gì, sớm hay muộn cũng có thể chinh phục.
Chúng ta quá quen thuộc với lời hiệu triệu chung: Người Việt dùng hàng Việt. Điều đó đồng nghĩa, yếu tố ngoại lực luôn cần thiết nhưng không phải lúc nào cũng sính ngoại. Với bóng đá, sau 12 năm phát triển chuyên nghiệp, “khổ thân” chúng ta đã quá lệ thuộc vào lực lượng ngoại binh, cầu thủ và huấn luyện viên ngoại. Tương tự là thành tích các đội tuyển quốc gia, “quẫn quá”, đã có thời điểm những người có trách nhiệm định triển khai ý tưởng dùng ngoại binh nhập tịch để kích hoạt thành tích, sau đó đã bị “tuýt còi”.Việt Nam lần này cũng sẽ tới AFF Cup với ban huấn luyện lẫn các cầu thủ gồm toàn hàng nội địa
Dùng huấn luyện viên ngoại mới hy vọng vượt được giới hạn của mình, đấy cũng là phương châm được triển khai một cách kiên định. Kết quả, quá nhiều đời thầy ngoại, vậy mà chỉ một lần đưa bóng đá nước nhà vô địch Chưa kể ngoài thành tích nhiều lần ngã trước thiên đường, việc đầu tư quá nhiều tiền, thậm chí phải đền tiền cho huấn luyện viên ngoại, đã từng xảy ra khiến niềm cay đắng nhân đôi. Trường hợp huấn luyện viên Christian Lertard là ví dụ điển hình nhất.
Chưa bao giờ ê-kíp ban huấn luyện viên người Việt được dư luận tin tưởng, ủng hộ như lần này. Đội tuyển quốc gia đang cho thấy là một tập thể khá ổn về mặt tổ chức. Nếu thầy trò huấn luyện viên Phan Thanh Hùng vô địch, họ sẽ đi vào sử, thực sự là niềm tự hào của người Việt. Hay chỉ cần vào chung kết, nhưng trình diễn một gương mặt tích cực, cũng đủ tạo một niềm cảm hứng cho cuộc chấn hưng bóng đá nội. Một giấc mơ lớn thuần Việt đang trỗi dậy khi trái bóng AFF Cúp 2012 chuẩn bị lăn.
Vào chung kết như là tất yếu!?
Đội tuyển quốc gia hiện tại mạnh không? Mạnh đấy chứ! Đa số cầu thủ từng chinh chiến nhiều trận mạc. Họ được sống trong một môi trường thi đấu, dù chưa lý tưởng về độ sạch sẽ, trong lành, nhưng vẫn có sự cạnh tranh khốc liệt. Bóng đá khu vực đã có sự biến động khá sâu sắc so với trước, dù thế vẫn quanh đi quẩn lại mấy đối trọng, không vào đến bán kết thì chẳng còn gì để nói. Vào chung kết, khả năng đó cũng không phải ngoài tấm với nếu sòng phẳng “cân” thực lực của nhau.
Lịch thi đấu vòng bảng nhiều thách thức, nhưng cũng đủ thuận lợi. Thật ra, với việc bóng đá Đông Nam Á đang có xu hướng thu hẹp trình độ, không có bảng đấu nào là dễ và không có trận nào là quá thơm, nhưng vượt qua vòng bảng vẫn phải là mục tiêu bắt buộc, với Thái Lan có lẽ là đối thủ chính và Myanmar hay Philippines là các thách thức cần giải quyết. Nếu không vượt được ải đầu tiên với tấm vé vào bán kết, thì không thể biện hộ. Bán kết và chung kết đều có hai trận lượt đi và về, có nghĩa tất cả đều có cơ hội để phát huy những lợi thế của mình. Nếu nói lợi thế khán giả, chúng ta đâu thua kém nước nào trong khu vực, thậm chí được coi là quán quân về độ máu lửa.
Trong khi đó, bảng B có mặt ba đại gia: Malaysia, Indonesia và Singapore. Nếu rơi vào bảng đấu này, thực sự khó tránh khỏi tim đập, chân run cho thầy trò Phan Thanh Hùng.
Đừng “phá hoại sản xuất”
Nếu theo dõi những diễn biến trong đời sống xã hội thời gian gần đây, rõ ràng đất nước cần những nguồn cảm hứng mới để xốc lại nhiều mặt khi Quốc hội bàn luận đến lĩnh vực nào cũng có vấn đề. Bóng đá, bản chất là trò chơi, nhưng niềm cảm hứng mà nó mang lại là kỳ diệu, không chỉ cho cuộc tái cấu trúc bóng đá nội.
Thủ tướng Malaysia, Najib Razak, từng cho phép người dân nghỉ lễ một ngày để ăn mừng chức vô địch của đội tuyển bóng đá quốc gia tại AFF Suzuki Cup 2010. Ông cũng bày tỏ hy vọng thành tích của đội tuyển bóng đá Malaysia sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho cácthanh niên nước này. Đất nước chúng ta đã bao lần tưng bừng xuống đường, như được tiếp thêm luồng sinh khí mới, vì niềm vui mà các đội tuyển quốc gia mang lại.
Không chỉ Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), những người đang hoạt động trong lĩnh vực bóng đá đều cảm nhận được tầm quan trọng của thầy trò HLV Phan Thanh Hùng trong chiến dịch này.
Chưa bao giờ, đội tuyển quốc gia được đặt mục tiêu rõ ràng và lưu ý sâu sát như ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh vừa chỉ thị lần này. Nhiệm vụ số một, phải giữ được hình ảnh của đội tuyển quốc gia Việt Nam tại đấu trường quốc tế. Hình ảnh đội tuyển quốc gia gắn liền từ trưởng đoàn, huấn luyện viên trưởng đến các thành viên khác trong đội và các tuyển thủ, vì vậy trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được làm ảnh hưởng; sức khỏe và thể lực (ban huấn luyện phải biết tính toán, phân phối sức sao cho hợp lý tại giải đấu, tránh tình trạng hụt hơi khi về cuối giải); công tác quản lý và kỷ luật đối với toàn đội phải kiểm soát chặt chẽ. Toàn đội phải là một tập thể thống nhất; tinh thần các tuyển thủ phải vững vàng; kỹ-chiến thuật phải linh hoạt; thi đấu tập trung tối đa và giành thứ hạng cao tại giải đấu AFF Cup 2012, đáp ứng sự kỳ vọng của hàng triệu người hâm mộ bóng đá nước nhà.
Thực ra, điều người hâm mộ lo lắng nhất, chưa hẳn nằm ở chuyên môn, mà là cái đầu cầu thủ. Khi cái đầu không thông, sẽ chẳng làm được việc gì đúng khả năng. Để cầu thủ có sự tập trung cao nhất, bản thân họ không thể làm được. Có nghĩa, họ cần sự hỗ trợ từ nhiều phía. Một mặt, cần phải giúp đội tuyển là pháo đài bất khả xâm phạm về mặt tổ chức để họ không thể “leo rào”, hoặc có thời gian để quan hệ với nhiều thành phần không cần thiết như tiền lệ đã có. Chỉ có mấy trận đấu, nếu không làm được thế thì khó giúp cầu thủ tập trung. Về dư luận, cũng cần chia sẻ, ủng hộ tối đa. Quan trọng hơn, vai trò của các câu lạc bộ chủ quản không thể xem nhẹ. Nói thế bởi soi lại đội tuyển lần này, hàng loạt cầu thủ đang chưa biết tương lai sẽ đi về đâu, sau AFF Cup...
Rất nhiều đối thủ tham dự giải lần này đã bày tỏ lòng tôn trọng thầy trò Phan Thanh Hùng, thậm chí không ngại ngần nhận diện đội tuyển Việt Nam là ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch. Đấy không phải là nhận xét khách sáo, hẳn phải bắt nguồn từ quá trình phát triển của bóng đá nước nhà. Lâu nay, nếu làm tốt công tác tổ chức, đặc biệt khơi gợi tinh thần màu cờ, sắc áo tốt, chắc chắn số lần vô địch không phải chỉ là một.
Đấy cũng là vấn đề mà người hâm mộ kỳ vọng vào thầy trò ông Phan Thanh Hùng lần này, một đội tuyển thuần Việt, dường như đang được giám sát kỹ bậc nhất và đang hy vọng cái đầu cầu thủ đa số đều buộc phải sạch!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)