Cần những nét tươi mới ở lối chơi
Trên sân Thammasat tối 16/1, ở góc khán đài của CĐV Việt Nam có căng dòng chữ "Chúng ta sẽ đá một trận không thể quên". Nếu có thể đánh bại được người Thái trên chính đất Thái, đó sẽ là cái kết trọn vẹn nhất cho hành trình của HLV Park cùng Việt Nam. Đáng tiếc thay, số phận như muốn trêu ngươi chiến lược gia người Hàn.
Ông cùng đội tuyển đã lọt top 8 châu Á, đã có chiến thắng ở vòng loại cuối một kỳ World Cup, nhưng nỗi ám ảnh Thái Lan vẫn còn đó, đầy khắc khoải và day dứt. Nhưng thất bại thứ hai trước ĐT Thái Lan trong nhiệm kỳ của mình cho thấy ĐT Việt Nam cần thay đổi như thế nào.
Ở cả hai lượt trận, ĐT Thái Lan không vội vàng tạt bóng vào trong khi trái bóng được đưa tới 1/3 cuối sân. Ngược lại, cầu thủ đội bóng này chủ động chuyền vào khoảng trống giữa hai tuyến của Việt Nam, tạo ra những tình huống tấn công ở trung lộ, chính diện vòng 16m50 của Việt Nam. Bài đánh này cũng dẫn đến bàn thua duy nhất của Văn Lâm trên sân khách.
ĐT Thái Lan thường xuyên khai thác khoảng trống trung lộ của ĐT Việt Nam ở AFF 2022 |
ĐT Việt Nam tỏ ra quá bế tắc trong việc tìm đường vào khung thành đối thủ, nhất là ở lượt về. Tấn công biên không hiệu quả, phối hợp trung lộ cũng không có nhiều đột biến. Lối đá phòng ngự phản công đã mang về thành tích cho bóng đá Việt Nam thời gian qua, cũng dần trở nên một màu và không khó để đối thủ tìm đường hóa giải.
Thực tế, trong những năm vừa qua, HLV Park đã nỗ lực để làm mới mình cũng như tăng tính biến ảo trong lối chơi, chiến thuật của đội tuyển. Nhưng như vậy vẫn là chưa đủ, thậm chí càng về cuối chu kỳ, những lựa chọn nhân sự của ông Park lại càng lộ rõ sự "rối trí". Hình ảnh Thành Chung loay hoay trên hàng công sau gần 70 phút ngồi dự bị ở trận đấu gần nhất cho thấy sự bế tắc của HLV Park Hang Seo.
ĐT Việt Nam cần những thay đổi ở lối chơi trong tương lai |
Thất bại ở chung kết trước người Thái không có nghĩa là ĐT Việt Nam trải qua giải đấu thất bại. Trận thua duy nhất ở giải đấu năm nay cũng không khiến di sản của HLV Park Hang Seo phải lung lay. Nhưng trong chặng đường cuối của chiến lược gia người Hàn, có thể thấy rõ việc HLV kế nhiệm của ĐT Việt Nam cần phải rất nỗ lực để có thể thay đổi tư duy chơi bóng cũng như cách tiếp cận trận đấu.
Cần lắm những chuyến xuất ngoại chất lượng
Theerathon Bunmathan giành danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải một cách hoàn toàn thuyết phục và xứng đáng. Ở tuổi 32, đội trưởng của tuyển Thái Lan vẫn cho thấy sự vượt trội về chuyên môn, vững vàng về bản lĩnh cùng độ lì, độ "quái" cần thiết của một cầu thủ hàng đầu.
Những phẩm chất đó của Theerathon là thành quả của những năm tháng cầu thủ này thi đấu tại J.League 1, một trong những giải đấu hàng đầu châu Á. Trong khi người hâm mộ Việt Nam cứ hy vọng, rồi lại thất vọng sau những chuyến xuất ngoại thời gian gần đây thì người Thái từ rất lâu trước đây, đã thu về không ít thành công từ việc để cầu thủ ra nước ngoài thi đấu.
Theerathon tiến bộ vượt bậc sau những năm tháng thi đấu tại J.League 1 |
Trong vòng 10 năm qua, đã có 14 cầu thủ Thái Lan chuyển tới Nhật Bản thi đấu. Thành công nhất chắc chắn là Theerathon cùng Chanathip. Những trường hợp khác, như của Teerasil Dangda, Thitiphan Puangchan dù chưa thành công như Chanathip hay Theerathon nhưng vẫn để lại ít nhiều dấu ấn. Mới nhất, Supachok cùng Chaowat cũng dần để lại dấu ấn tại đội bóng chủ quản.
Trong cùng thời gian, có 9 cầu thủ Việt Nam thi đấu tại J.League. Nhưng chỉ duy nhất Công Vinh là cầu thủ có thể cạnh tranh được vị trí tại CLB. Cựu tiền đạo ĐT Việt Nam cũng là cầu thủ thành công nhất khi thi đấu ở nước ngoài, hơn hẳn những đàn em sau này.
Quang Hải từng được kỳ vọng rất nhiều khi chuyển tới Pau FC thi đấu. Nhưng rồi hy vọng của người hâm mộ cứ nhỏ dần khi tiền vệ này không cạnh tranh được ở Pau. AFF Cup 2022 chứng kiến phong độ tệ hại của số 19 và đó là hệ quả sau những ngày tháng không được ra sân thường xuyên ở Pháp.
Quang Hải không còn là chính mình sau chuyến xuất ngoại thất bại tới Pau FC |
Những ví dụ trên cho thấy một chuyến xuất ngoại chất lượng có ý nghĩa thế nào với cá nhân cầu thủ cũng như với đội tuyển. Xuất ngoại thôi chưa đủ, bản thân cầu thủ phải cạnh tranh được ở CLB mới mong nâng tầm được ĐTQG. Nếu cầu thủ Việt Nam chưa thể, hoặc không thể có những chuyến xuất ngoại chất lượng thì việc nâng tầm giải VĐQG cũng là điều cần làm.
Nhìn dàn "nội binh" của Thái Lan dễ dàng đánh bại ĐT Việt Nam sau hai trận chung kết, liệu rằng đội bóng này sẽ còn đáng sợ thế nào khi có trong tay những cầu thủ tốt nhất đang thi đấu và tập huấn ở nước ngoài? Hỏi, tức là đã trả lời!
Sau 5 năm với đủ trầm luân dâu bể với bóng đá Việt, đã đến lúc HLV Park nghỉ ngơi. Áp lực lên HLV kế nhiệm chắc chắn là không nhỏ. Để duy trì thành tích của ĐT Việt Nam, chỉ sự nỗ lực từ riêng HLV thôi là chưa đủ, cần có sự chung tay hỗ trợ của cả một nền bóng đá. Hy vọng rằng HLV tiếp theo của ĐT Việt Nam sẽ nối tiếp và phát triển hơn nữa những di sản từ triều đại Park Hang Seo.