Bóng đá Việt Nam quá hèn nhát; đó là nhận định rất “sốc” của cựu PCT VFF phụ trách chuyên môn Lê Thế Thọ.
Chỉ quanh quẩn “ao làng”
Dù vừa trải qua phẫu thuật cắt bỏ u dạ dày, nhưng ông Thọ rất hào hứng khi nói về bóng đá. Cầu thủ xuất sắc nhất Việt Nam 50 năm qua Lê Thế Thọ khẳng định: “Nếu như có chiến lược và định hướng tốt, bóng đá VN đã có thể đặt chỉ tiêu rõ ràng hơn tại những giải đấu tầm Châu Á chứ không phải quẩn quanh kiếm thành tích ở những giải AFF Cup, SEA Games”.VFF thất bại trong việc nâng tầm bóng đá Việt Nam
Theo ông Thọ, việc ĐTVN đại bại cả 4 trận ở vòng loại Asian Cup là hệ quả của một chuỗi đầu tư kém cỏi và thái độ hời hợt với ĐTQG của VFF. Trước vòng loại Asian Cup 2015, VFF đã rất thờ ơ với sân chơi này. Bằng chứng là VFF quyết định lấy những trận đấu đầu tiên của vòng loại để “test” HLV. ĐTVN chưa bao giờ thua Hồng Kông, nhưng sau trận thua “muối mặt” trước Hồng Kông, VFF đã quyết định ký hợp đồng với HLV Hoàng Văn Phúc, bất chấp sự phản đối của một số thành viên Hội đồng HLV Quốc gia, trong đó có ông Lê Thế Thọ.
“Chúng ta quen với cái nếp tư duy là chỉ thích kiếm thành tích từ “ao làng” rồi - ông Lê Thế Thọ nói - tôi thấy VFF thậm chí còn không thèm quan tâm với việc các CLB vươn lên những sân chơi lớn như Champions League Châu Á, AFC Cup... thì mong gì những đầu tư từ ĐT”. Đội tuyển Quốc gia, vì thế, trở thành đội tuyển tạm bợ, yếu thế hơn cả đội... U.19.
Ông Thọ nhận định, chẳng ở quốc gia nào mà người ta sử dụng HLV “tạm” cho ĐTQG mấy trận liền. Trợ lý Nguyễn Văn Sỹ nắm quyền HLV trưởng cả hai trận gặp Uzbekistan để HLV trưởng Hoàng Văn Phúc “chăm lo” cho U.23 dự SEA Games. “Đó là một sự ngược đời - ông Thọ nói - Tôi không chê trách gì anh Sỹ, nhưng trợ lý thì vẫn chỉ là trợ lý thôi. Đừng bắt Sỹ làm... tướng”.
Một nghịch lý nữa mà ông Thọ chỉ ra là, VFF đã không quy tụ được những người giỏi quanh mình. “Tôi chẳng lạ vì thành tích kém cỏi của đội tuyển. Thực ra, bóng đá VN không thiếu tiền, không thiếu cầu thủ giỏi, nhưng cách nhìn và cách đầu tư của VFF cho những sân chơi lớn là rất hèn nhát. Hoặc là họ không đủ tầm để nâng cấp đội tuyển, hoặc là nhận thức hạn hẹp, chỉ thích chọn những mục tiêu tầm thấp như SEA Games hay AFF Cup để gặp hái thành tích nhằm an toàn giữ ghế mà thôi”.
Đừng đổ lỗi cho cầu thủ
Tính đến trận đấu với Uzbekistan trên sân Mỹ Đình hôm 15.11 vừa qua (ĐTVN thua 0-3), ĐTVN đã thua liên tiếp 4 trận. Đây là “thành tích” kém cỏi nhất kể từ khi hội nhập với đấu trường châu lục vào năm 1996. Vòng loại Asian Cup 1996, ĐTVN thắng 2 trận trước Đài Loan và Guam. Vòng loại Asian Cup 2000, ĐTVN thắng Guam, Phillipines. Vòng loại Asian Cup 2004, ĐTVN (thực chất là U.23 QG của HLV A.Riedl) thậm chí còn thắng cả đội hạng 4 Hàn Quốc với bàn thắng của Văn Quyến.
VCK Asian Cup 2007, ĐTVN còn lọt vào tới vòng 1/8 sau khi thắng UAE, hòa Qatar vòng bảng. Vòng loại Asian Cup 2011, ĐTVN dưới sự dẫn dắt của Calisto còn thắng một trận trước Lebanon tại Mỹ Đình. Nhưng ở vòng loại Asian Cup 2015, ĐTVN đã có chuỗi thành tích quá kém cỏi. Ở trận thua Uzbekistan, với sai lầm ở bàn thua thứ nhất, thủ môn Tấn Trường bị cho là nguyên nhân. Thậm chí có dư luận nghi ngờ Tấn Trường tiêu cực trong trận đấu này. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, sai lầm của Tấn Trường chỉ đơn thuần là tai nạn và cầu thủ này không đáng trách.
“Đừng để cầu thủ phải chịu trách nhiệm về những lỗi lầm của những nhà quản lý - ông Thọ bày tỏ - Tấn Trường có thể phải xin lỗi về tình huống đó, nhưng những người phải đứng ra xin lỗi người hâm mộ về chuỗi thành tích nghèo nàn của đội tuyển tại vòng loại Asian Cup 2015 phải là các quan chức VFF”.
“Nhưng tôi không tin vào điều ấy khi mà né tránh trách nhiệm đang là điểm mạnh của VFF, nhất là ở thời điểm sắp đại hội VFF này” - ông Thọ hóm hỉnh nói.
Theo Lao Động