Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Bóng đá Việt Nam: Nên có giải vô địch trẻ quốc gia

Thứ Hai 19/10/2015 16:04(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h.vn) – Một trong những giải pháp để phát triển nền bóng đá trẻ chính là xây dựng một giải vô địch trẻ quốc gia dành cho lứa U19 hoặc U21, đây là điều mà giới chuyên môn cần đưa ra thảo luận ở “hội nghị Diên Hồng” vào tháng 12 tới.

Theo những thông tin trong thời gian qua, Tổng cục TDTT và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ phối hợp tổ chức một hội nghị với quy mô cực lớn mà giới truyền thông vẫn gọi là “hội nghị Diên Hồng”. Đây là một cuộc gặp mặt được cho là quy tụ rất nhiều chuyên gia bóng đá có uy tín trong nước nhằm cùng nhau đóng góp ý kiến, cải tổ toàn diện nền bóng đá Việt Nam. Dù thành phần tham dự thực tế bao gồm những ai hay các chủ đề được đề cập sẽ liên quan đến vấn đề, nhưng chắc chắn công tác đào tạo trẻ sẽ phải là một mối quan tâm hàng đầu bởi bất kỳ một đội bóng ở cấp độ nào cũng phải chăm lo cho lứa cầu thủ trẻ để phát triển được lâu dài.

Bong da Viet Nam Nen co giai vo dich tre quoc gia hinh anh
Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh và các cộng sự nên quan tâm hơn đến đào tạo trẻ

Nhiều giải pháp để phát triển nền bóng đá trẻ đã được đưa ra, chẳng hạn như phát triển bóng đá học đường bằng cách phối hợp với các bộ ngành liên quan, trong đó đặc biệt là bộ giáo dục. Hay như những giải pháp nhỏ và cụ thể hơn như bắt buộc các CLB phải đôn lên đội một một số lượng nhất định các cầu thủ trẻ hàng năm. Một trong những vấn đề mà chắc chắn không thể thiếu chính là việc xây dựng một giải bóng đá tổ chức theo chuẩn V-League nhưng dành cho lứa cầu thủ trẻ của mỗi đội bóng. Trong mùa giải trước, ban tổ chức V-League đã bắt đầu đưa ra quy chế rằng mỗi đội bóng khi đã tham dự V-League bắt buộc phải có 5 đội trẻ (đội U), bao gồm U13, U15, U17, U19 và U21. Trong đó 4/5 đội phải tham dự các cúp trẻ hàng năm do VFF tổ chức. Còn ở hạng nhất thì các đội bóng cũng phải có 3/5 đội trẻ tham dự.

Trước hết, cần phải phân biệt giữa giải đấu (tiếng Anh là League) và cúp (tiếng Anh là cup). League là một giải đấu mà các đội tham gia sẽ thi đấu vòng tròn 2 lượt, để chọn ra đội vô địch cuối mùa, theo đúng như quy chế của V-League. Còn ở giải đấu cúp, các đội bóng tham dự sẽ được phân vào nhiều bảng đấu và/hoặc đấu loại trực tiếp. VFF hàng năm vẫn tổ chức các cúp cho lứa tuổi U từ U13 đến U21. Nhưng thực tế thì mỗi đội trẻ sẽ chỉ được chơi khoảng dưới 10 trận mỗi mùa, ngay cả với những đội bóng lọt sâu vào vòng sau. Thời gian còn lại trong năm, các cầu thủ trẻ gần như không có cơ hội thi đấu cọ xát, ổn định sự phát triển của mình. Nếu như một giải đấu League được tổ chức, các đội trẻ sẽ được chơi tới 26 trận mỗi mùa giống như những người đàn anh. Đó là chưa kể các cúp có thể vẫn được duy trì.

Bóng đá Việt Nam: Nói nhiều, làm được bao nhiêu?
Từ chuyên gia cho tới những quan chức VFF rất nhiều người đòi sa thải HLV Miura. Khi nói về chiến lược, kế hoạch thì hay lắm nhưng thực tế thì chẳng mấy ai dám...

 

Đây là một phương án phát triển không có gì mới lạ bởi các quốc gia tiên tiến đều áp dụng mô hình này. Tại Anh, FA vẫn tổ chức giải đấu thường niên dành cho cả 2 lứa U18 và U21, mỗi miền có 1 giải đấu riêng, với 12 đội tham dự. Điều đó đồng nghĩa với việc mỗi đội trẻ sẽ có cơ hội thi đấu 22 trận mỗi mùa, tất nhiên là chưa kể những trận đấu cúp. Thái Lan là một đội bóng đang học theo hình mẫu của Premier League và không có gì bất ngờ khi họ chuẩn bị tổ chức những giải đấu League dành cho lứa tuổi U13 và U15. Trong khi đó, Malaysia đã có giải U19 và U21 hàng năm, tăng cơ hội thêm cho các cầu thủ trẻ thi đấu và cọ xát.

Bong da Viet Nam Nen co giai vo dich tre quoc gia hinh anh 2
Các cầu thủ trẻ nên được trao thêm nhiều cơ hội thi đấu

Mô hình bóng đá mà Việt Nam đang theo đuổi chính là của Nhật Bản. Hiện tại các nhà chức trách bóng đá nước này không tổ chức các giải đấu League dành cho lứa tuổi U là bởi họ đang có một nền bóng đá học đường cực mạnh với khoảng 2 đến 3 cúp hàng năm được tổ chức. Các lứa trẻ của các CLB chuyên nghiệp cũng thường xuyên được tham dự rất nhiều cúp trong năm. Vì thế mà số lượng trận đấu mà một cầu thủ trẻ được thi đấu trong một năm ở Nhật thậm chí còn cao hơn rất nhiều so với cả ở Anh, dao động trong khoảng 30 trận đấu. Điều đó cho thấy nếu như bóng đá Việt Nam sẽ còn cần rất nhiều thời gian để phát triển bóng đá học đường, thì trước mắt, chúng ta cần làm tốt công tác lập ra một giải đấu League trẻ để các cầu thủ tương lai của bóng đá Việt Nam có thể thi đấu ít nhất 20 trận đấu chuyên nghiệp mỗi năm. Bởi đơn giản, với các cầu thủ trẻ, không có gì quan trọng hơn là cơ hội cọ xát và thi đấu.

Tất nhiên vấn đề đáng lo ngại nhất là kinh phí, bởi tổ chức một giải đấu được chia làm 2 giai đoạn lượt đi và về sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với chỉ một giải đấu cúp. Tuy nhiên vì người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng tương đối quan tâm đến công tác đào tạo trẻ. Thậm chí một số giải đấu U còn hút khán giả hơn các trận đấu của đội lớn tại V-League. Một ví dụ tiêu biểu là Cần Thơ, khi đội bóng XSKT Cần Thơ không nhận được sự quan tâm của khán giả ở những trận đấu tại V-League vì một đội hình gồm nhiều cầu thủ đến từ địa phương khác. Còn đội trẻ của họ lôi kéo được nhiều khán giả đến sân hơn bởi hầu hết trong số họ đều là người con xứ Tây Đô. Tất nhiên xét về toàn cục, không thể trông chờ giải trẻ sẽ thu hút nhiều khán giả hơn V-League, bởi đó là tình trạng chung trên toàn thế giới, nhưng xét về mặt tương đối, giải trẻ của Việt Nam chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm đáng kể đến từ người hâm mộ, qua đó phần nào kinh phí sẽ được bù đắp.

Hàn Phi

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X