Đào tạo cầu thủ hay đào tạo… thần đồng?
Thực tế thì đã có một vài nơi cố thổi lên rằng chuyến sang Brunei lần này của vị HLV trưởng ĐTQG là để tuyển chọn thêm cầu thủ cho đội tuyển, từ đội U19 Việt Nam. May mà U19 Việt Nam thất bại trước Malaysia ở giải U22 Đông Nam Á, những lời thổi phồng mới giảm bớt, khi người ta nhận ra thực tế rằng U19 Việt Nam chưa thuộc dạng quá siêu trong khu vực.
Trên thế giới, cầu thủ trong lứa U19 từng đá ở ĐTQG không phải là hiếm, nhưng vấn đề là khi khoác đội tuyển ơ lứa tuổi ấy, nhưng Messi, Tevez (Argentina), Owen (Anh),… đã nổi tiếng lắm rồi, đồng thời điều quan trọng ở đây là họ đã từng đá bóng đỉnh cao, ở những giải đấu đủ khắc nghiệt để kiểm tra bản lĩnh như La Liga, Premier League hay giải VĐQG Argentina (trường hợp của Tevez).
U19 Việt Nam là đội bóng giỏi, nhưng giỏi không có nghĩa là thần đồng |
Đằng này, dường như người ta quên hầu hết các cầu thủ, kể cả cầu thủ nòng cốt của đội tuyển U19 Việt Nam chưa hề đá bóng đỉnh cao, và bóng đá đỉnh cao so với bóng đá trẻ, các giải đấu đỉnh cao so với các giải đấu trẻ khác nhau xa lắm!
Thế nên, ý định xem giò xem cằng rồi tính đến chuyện gọi những cầu thủ này vào ĐTQG và đội U23 quốc gia vào lúc này không phải là ý định nghiêm túc. Cơ bản là họ chưa sẵn sàng và có khi cũng chưa đủ trình độ để đá ở đội tuyển Olympic hay ĐTQG.
Dường như người ta đang lầm lẫn giữa việc đào tạo một thế hệ cầu thủ bóng đá với việc đào tạo… thần đồng. Khó có chuyện một cầu thủ chưa hề đá đỉnh cao, chỉ mới được biết đến qua một số giải đấu trẻ và các chuyến tập huấn mang đầy chất giao hữu lại nhảy thẳng lên cấp đội tuyển tuyển quốc gia, trừ khi đó là… thần đồng. Mà nhìn cách U19 Việt Nam vất vả trong làng cầu khu vực suốt 2 năm qua, hẳn họ không phải là thần đồng rồi!
Tốt nhất không phải là duy nhất
U19 Việt Nam với nòng cốt là các cầu thủ xuất thân từ học viện bóng đá HAGL-Arsenal đang được khen vì đá đẹp, vì cầu thủ… ngoan. Nhưng trong bóng đá, đá đẹp khác và đá hay khác, cầu thủ ngoan cũng chưa chắc là cầu thủ giỏi.
Những gì mà người ta nói về lứa U19 Việt Nam suốt thời gian qua hầu như là mới là nói đến những điều kiện cần, chứ chưa phải là điều kiện đủ đối với một cầu thủ được xem là giỏi trong môi trường bóng đá đỉnh cao. Rồi ngay cả khi học viện HAGL-Arsenal.JMG – nơi đang đóng góp đông quân nhất cho U19 Việt Nam – được cho là học viện tốt nhất Việt Nam đi chăng nữa (cứ tạm cho là vậy đi!), thì đấy cũng không phải là học viện đào tạo trẻ duy nhất ở nước ta.
Người ta cũng rất nhiều lần khuyến cáo rằng tương lai của cả nền bóng đá không thể chỉ trong chờ vào một nhóm nhỏ cầu thủ chỉ đến từ một học viện, nên chuyện VFF cử HLV Miura sang tận Brunei xem giò, xem cẳng, rồi tính đến chuyện gọi cầu thủ U19 vào ĐTQG và đội tuyển U23 quốc gia, như một số cơ quan truyền thống vẫn thổi lên như thế, xem quá phí.
Phí ở chỗ ở thời điểm này U19 Việt Nam chưa sẵn sàng để đóng góp quân cho các đội tuyển cấp cao hơn. Phí ở chỗ không lẽ ông HLV của đội tuyển dư thời gian đến mức chỉ sang Brunei chạy… thể dục vào buổi sáng và xem 1 – 2 trận đấu ở một giải đấu trẻ mang tính chất giao hữu vào buổi chiều?
Người ta cũng nói nhiều đến chuyện, nếu U19 Việt Nam không có nòng cốt là học viện HAGL-Arsenal.JMG của bầu Đức, rồi nếu bầu Đức không phải là phó chủ tịch VFF, thì VFF liệu có cử hẳn ông HLV ĐTQG sang Brunei để xem những cầu thủ vừa nêu, rồi tìm cơ hội” nhét” họ vào đội tuyển hay không?
Tương lai của cả nền bóng đá không lẽ cứ phải tiếp tục trong vào một nhóm nhỏ những cầu thủ xuất thân từ một học viện? Bóng đá Việt Nam lúc này không lẽ chỉ có mỗi lứa U19 là đáng theo dõi, để VFF ưu ái đến mọi nhất cử nhất động của lứa này?
Nghịch lý của người làm bóng đá Việt Nam nằm ở chỗ sau khi bỏ trắng khâu đào tạo các năm trước, đến lúc làm, họ lại làm theo cách gần như thần thánh hóa một nhóm nhỏ cầu thủ, mà quên mất rằng làm bóng đá, nhất là làm bóng trẻ khác rất xa với những cú áp phe trong kinh doanh!
Theo Dân Trí